Xe Thông Minh

Warren Buffett hậu thuẫn cho tỉ phú xe điện của Trung Quốc

Hải Bằng Chủ Nhật | 01/08/2021 11:28

Xe điện BYD Yuan Pro của Trung Quốc rất giống với mẫu xe Mỹ Ford Ecosport. Ảnh: TL.

Giới đầu tư chứng khoán toàn cầu cũng đang bị thu hút bởi tốc độ tăng trưởng nhanh và thị phần khổng lồ trên toàn cầu của ngành công nghiệp xe điện.
Xe điện BYD Yuan Pro của Trung Quốc rất giống với mẫu xe Mỹ Ford Ecosport. Ảnh: TL.

Thị trường xe điện tại Trung Quốc vẫn hấp dẫn

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, như Nio, XPeng và Li Auto, chiếm được sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán toàn cầu trong suốt 3 năm qua, một phần nhờ các đợt IPO thành công rực rỡ tại Mỹ. Giá cổ phiếu của các công ty này đều gấp đôi kể từ khi niêm yết nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường ôtô Trung Quốc.

Một trong những cái tên đáng chú ý gần đây là BYD, nhà cung cấp xe điện lớn nhất Trung Quốc. Giống như những tay chơi mới trên thị trường xe điện, giá cổ phiếu của công ty này tăng vọt 174% trong năm qua ở Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, điểm khác biệt của BYD, công ty xe điện được huyền thoại đầu tư Warren Buffett hậu thuẫn, là họ có gốc rễ sâu hơn trong ngành ôtô và kiếm ra tiền.

Ảnh: TL.
Dòng xe nâng hàng của BYD. Ảnh: TL.

Lợi nhuận ròng của BYD gấp hơn 2 lần so với năm trước đó lên 660 triệu USD trong năm 2020, với doanh số bán hàng tăng hơn 1/5 lên 25 tỉ USD. Vốn hóa thị trường của BYD hiện là 91 tỉ USD, vượt cả GM (80 tỉ USD) và Ford (54 tỉ USD). Hiệu quả về tài chính và cổ phiếu của công ty này cũng đã đưa nhà sáng lập kiêm chủ tịch Wang Chuanfu trở thành tỉ phú và đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng "Những CEO xuất sắc nhất Trung Quốc năm 2021" của Forbes.

Trung Quốc được dự báo trở thành thị trường trung tâm của xe điện trong tương lai. Trung Quốc cũng là quốc gia đi đầu về doanh số bán xe điện. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh số bán xe điện toàn cầu tăng 40% trong năm 2020 lên 3 triệu chiếc trong khi doanh số bán ôtô nói chung lại giảm 15% do tác động của đại dịch COVID-19Ông Wang kỳ vọng doanh số bán xe điện sẽ chiếm 70% thị trường ôtô của Trung Quốc vào năm 2030.

Ảnh: TL.
Trung Quốc được dự báo trở thành thị trường trung tâm của xe điện trong tương lai. Ảnh: TL.

Với tốc độ tăng trưởng nhanh và thị phần khổng lồ trên toàn cầu, ngành công nghiệp xe điện đang thu hút cả các đối tác tiềm năng của lĩnh vực ôtô như hãng viễn thông Huawei, tập đoàn công nghệ Baidu, nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi, hãng sản xuất TV Skyworth và tập đoàn bất động sản Evergrande.

Trong 6 tháng đầu năm nay, BYD bán được 154.579 xe điện mới, tăng 154% so với cùng kỳ năm ngoái. BYD hiện sở hữu dòng xe điện gồm xe bus, taxi, xe khách và ôtô cá nhân cũng như các phương tiện phục vụ cho ngành logistics, xây dựng và vệ sinh. Đến nay, BYD cung cấp xe điện cho hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Mỹ, với doanh số bán hàng ở thị trường nước ngoài năm 2020 chiếm 39% bất chấp đại dịch COVID-19. Sự thành công của BYD đã tạo ra ít nhất 3 tỉ phú, gồm ông Wang (21,3 tỉ USD), Phó chủ tịch Lv Xiangyang (12 tỉ USD) và Xia Zuo-Quan (3,9 tỉ USD).

Chiến lược dẫn đến thành công của BYD

Nâng cao khả năng cạnh tranh của BYD là chiến lược mà ông Wang, 55 tuổi, xây dựng cho dòng xe điện của mình, trong đó tập trung vào các công nghệ cốt lõi để sản xuất xe điện bao gồm pin, động cơ điện, hệ thống điều khiển điện tử và chất bán dẫn dùng cho ôtô. Công ty bán dẫn của BYD, Spinoff BYD Semiconductors, đặt mục tiêu niêm yết tại Trung Quốc trong năm nay. Tuy nhiên, pin có lẽ mới là mảng quan trọng đối với Wang, bởi với chuyên môn lâu năm trong ngành sản xuất pin, BYD tự đưa mình lên vị thế là người bán pin cho các hãng sản xuất ôtô khác, bên cạnh tự cung cấp cho chính mình.

Việc Tesla bắt đầu sản xuất hàng loạt tại nhà máy mới ở Trung Quốc vào năm 2019 lại có lợi cho BYD bởi hãng xe của tỉ phú Elon Musk đã giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Trung Quốc về sự hấp dẫn của việc sở hữu xe điện. BYD của ông Wang đang thu hút khách hàng bằng các mẫu sedan mới nhằm mở rộng hoạt động trên fleet market (một hội chợ dành riêng cho đại diện của các công ty là những bên có nhu cầu mua ôtô thực tế hoặc tiềm năng với số lượng mua từ một cho tới hàng trăm chiếc xe) ngoài thế mạnh dài hạn của mình là ôtô điện. Ông cho ra đời những chiếc sedan được đặt tên theo các triều đại Trung Quốc như Đường và Hán.

Ảnh: TL.

Nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc BYD hợp tác với Huawei đưa loạt xe đầu tiên trên thế giới được tích hợp HiCar. Ảnh: TL.

Cùng lúc với việc mở rộng các dòng sản phẩm tại thị trường quê hương, BYD cũng đang tìm cách tăng doanh số bán xe điện chở khách ở thị trường nước ngoài. Tháng 5, hãng xe này từng tuyên bố rằng 1.500 chiếc xe điện Đường sẽ được chuyển đến Na Uy trong năm nay. 3 tháng trước đó, BYD cũng ký thỏa thuận với công ty Nexport của Australia để cung cấp xe điện chở khách cho họ. BYD cũng tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường xe bus điện toàn cầu khi giao 43 chiếc tới Phần Lan vào tháng 6. Tại Mỹ, nhà máy sản xuất xe bus điện ở California cũng đang có khoảng 800 công nhân.

Tuy nhiên, ông Wang có một lợi thế khác mà các đối thủ mới nổi tại Trung Quốc không có, đó là kinh nghiệm lâu năm. “Thị trường giống như một chiến trường và cạnh tranh là một cuộc chiến. Các vị tướng đóng một vai trò quan trọng và các doanh nhân phải đóng vai trò dẫn dắt”, ông Wang từng chia sẻ về vai trò của người lãnh đạo trong thị trường xe điện đầy khốc liệt.

Ngắm dàn xế sang VinFast President khoe uy lực trên phố


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày