Bất động sản

10 tỷ USD nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam

Thứ Ba | 18/11/2014 14:37

Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị xây dựng một loạt tuyến nhánh kết nối với các cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch...

Cục Đường sắt Việt Nam vừa có tờ trình (lần 2) đề nghị Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt hồ sơ Quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc Nam. Tổng nhu cầu vốn để cụ thể hóa các mục tiêu nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam dao động từ 8,919 tỷ USD đến 10,232 tỷ USD.

Được biết, mục tiêu chính của Quy hoạch là làm cơ sở cho việc nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc Nam với điểm đầu từ ga Hà Nội đến ga Hòa Hưng (TPHCM) hiện hữu đạt tiêu chuẩn đường sắt từ cấp I đến cấp II, nâng tốc độ khai thác với vận tốc bình quân 80 - 90 km/h với tàu khách; 50 - 60 km/h với tàu hàng; từng bước nâng cao thị phần vận tải, tăng lượng luân chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường sắt.

Cụ thể, từ nay đến năm 2020, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất đầu tư vào một số dự án hạ tầng và mua sắm thiết bị, đoàn tàu để tốc độ bình quân tàu khách đạt 80 km/h, tốc độ bình quân tàu hàng đạt 50 km/h với năng lực vận tải hành khách đạt 15 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng/năm; năng lực thông qua đạt tối thiểu khoảng 25 đôi tàu/ngày đêm.

Các nhóm giải pháp nâng cao tốc độ chạy tàu dự kiến triển khai trong giai đoạn này là cải tạo các “nút cổ chai” như: khu gian Hòa Duyệt – Thanh Luyện; xây dựng hầm Khe Nét, hầm Hải Vân, di dời ga Đà Nẵng ra khỏi thành phố; cải tạo lại bán kính đường cong nhỏ tại 91 điểm; nâng cấp đường cũ trên cơ sở giữ nguyên bình diện; nâng cấp, cải tạo cầu yếu để thống nhất tải trọng; hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu toàn tuyến…

Trong giai đoạn sau năm 2020, sẽ tiếp tục đầu tư để đạt mục tiêu tốc độ bình quân đoàn tàu khách đạt 90 km/h, tàu hàng đạt 60 km/h với năng lực vận tải hành khách đạt 16 triệu hành khách/năm và 6 triệu tấn hàng/năm; năng lực thông qua đạt tối thiểu 25 đôi tàu/ngày đêm.

Điểm nhấn chính trong giai đoạn này là việc Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị xây dựng một loạt tuyến nhánh kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch như: cảng Vũng Áng, Chân Mây, Nhơn Hội, Vân Phong và tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, Sài Gòn – Lộc Ninh...

Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn để cụ thể hóa các mục tiêu nói trên dao động từ 8,919 tỷ USD đến 10,232 tỷ USD.

Để đảm bảo tính khả thi, Cục Đường sắt đề xuất phân kỳ thực hiện theo 3 giai đoạn, gồm: giai đoạn từ nay đến năm 2015 để thực hiện các dự án hiện có với số vốn 580,56 triệu USD.

Giai đoạn II, ngành đường sắt sẽ dồn mạnh nguồn vốn để ưu tiên cho một số dự án xóa nút cổ chai để đảm bảo an toàn chạy tàu như: xây dựng hầm Khe Nét, hầm Hải Vân, ưu tiên 2 dự án đường sắt trên cao đoạn Hà Nội - Ngọc Hồi và Trảng Bom - Hòa Hưng để giảm ách tắc đô thị và đầu tư các dự án cho 2 khu đoạn có khối lượng vận tải lớn: Hà Nội – Vinh và Nha Trang – Sài Gòn với tổng kinh phí ước khoảng 5,7 tỷ USD.

Giai đoạn III, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị tiếp tục đầu tư các dự án bổ sung để đạt các mục tiêu quy hoạch.

“Nguồn vốn thực hiện các dự án nói trên dự kiến sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu, vốn ODA , BOT hoặc BT từ các tổ chức doanh nghiệp tư nhân kinh doanh khai thác vận tải”, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất.

Trước đó, theo đánh giá của Bộ GTVT, hầu hết các mục tiêu, chương trình đề ra trong Quyết định 1436/QĐ - TTg ngày 10/9/2009 về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch 2009) đang bị “vỡ” vì nhiều lý do.

Cụ thể, tất cả các dự án cải tạo, nâng cấp mạng đường sắt hiện hữu do khan vốn đầu tư đều bị chậm tiến độ 1 - 3 năm. Thậm chí, Dự án Kiên cố hóa đường sắt Bắc Nam; thay tà vẹt K1, K2... chậm tới 5 năm.

Tình hình đầu tư phát triển các tuyến đường mới cũng không khá hơn. Ngoại trừ Dự án Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được khởi công từ năm 2009, nhưng hiện đã bị đình hoãn, tất cả các dự án quan trọng khác đều vẫn nằm trên giấy, trong đó có một loạt công trình quan trọng, như tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; tuyến đường sắt chương trình 2 hành lang 1 vành đai kinh tế...

Đối việc phát triển đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP.HCM, dù Quy hoạch 2009 đã vạch ra lộ trình xây dựng tương đối cụ thể cho 8 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và 7 tuyến đường sắt đô thị ở TP.HCM, nhưng ngành đường sắt đều không theo kịp.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính để lỡ nhiều mục tiêu, chương trình quan trọng nêu trên là, đường sắt hiện chỉ chiếm 4,1% thị phần vận tải hành khách và 1,8% thị phần vận tải hàng hóa.

 “Nếu cứ duy trì nền tảng hạ tầng như hiện nay, đường sắt khó đạt mục tiêu chiếm 13% thị phần vận tải hành khách và 14% thị phần hàng hóa vào năm 2020”, ông Vương Đình Khánh, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định.

Nguồn Báo đầu tư


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày