Bất động sản

Thấy gì từ đề án siêu khu đô thị Tây Bắc?

Nguyễn Sơn Thứ Tư | 01/09/2021 13:30

Cư dân Hóc Môn có thể dễ dàng di chuyển vào trung tâm TP.HCM thông qua tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Ảnh: Quý Hoà

Đề án xây dựng khu đô thị Tây Bắc đang hâm nóng trở lại.
Cư dân Hóc Môn có thể dễ dàng di chuyển vào trung tâm TP.HCM thông qua tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Ảnh: Quý Hoà

Sau 10 năm ấp ủ, đề án xây dựng Khu Đô thị Tây Bắc đang hâm nóng trở lại nhờ động thái thúc giục của các nhà lãnh đạo đi cùng các dự án hạ tầng xương sống khởi động. Trong cuộc gặp với cử tri Hóc Môn gần đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra chương trình hành động, trong đó đặt tầm nhìn đến năm 2030-2045, các địa phương Hóc Môn, Củ Chi phải hình thành đô thị sinh thái với điểm nhấn là Khu Đô thị Tây Bắc, được đặt trong liên kết vùng.

“Nếu đường sắt đô thị, đường thủy, đường bộ kết nối trung tâm TP.HCM tới huyện Củ Chi, Hóc Môn và các tỉnh lân cận hoàn thiện, thì Củ Chi, Hóc Môn sẽ là mảnh đất vàng, tương lai tươi sáng”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

Theo đề án đang được quy hoạch, dự kiến Khu Đô thị Tây Bắc sẽ là một trong những khu vực có quy mô rộng lớn bậc nhất thành phố. Khu vực này kết nối với trung tâm hiện hữu qua hệ thống giao thông trọng điểm như quốc lộ 22, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Khu Đô thị Tây Bắc còn kết nối với huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), Bến Cát (Bình Dương) và Đức Hòa (Long An). Việc phát triển Khu Đô thị Tây Bắc được xem là động lực phát triển khu kinh tế phía Tây của TP.HCM.

 

Trong đồ án triển khai Quyết định số 24/2010 của Thủ tướng, TP.HCM sẽ phát triển về 4 hướng. Lúc đó, hướng Tây Bắc (gồm quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và một phần huyện Bình Chánh) là 1 trong 2 hướng phụ. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức quy hoạch, hội thảo lấy ý kiến, các chuyên gia nhận thấy Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong đó, TP.HCM có địa hình cao từ Tây Bắc (huyện Củ Chi) và dốc dần về hướng Nam. Thành phố có yếu điểm về mặt thoát nước, vì thế không nên đầu tư nhiều, bê tông hóa khu Nam.

Hướng Tây Bắc thành phố có địa chất, thổ nhưỡng tốt. Khi có tác động của biến đổi khí hậu sẽ ít bị ảnh hưởng. Vì vậy, trong điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, nên đặt hướng phát triển trọng tâm về phía Tây Bắc. Việc tập trung phát triển một khu vực có thể sẽ giúp giảm bớt tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư, tận dụng hiệu quả quỹ đã rộng lớn mà khu Tây Bắc đang sở hữu. “Phát triển Khu Đô thị Tây Bắc còn giúp tái bố trí dân cư thành phố hợp lý hơn, không còn tập trung ở trung tâm và ven biển", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định.

Theo đề xuất của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Hóc Môn, Củ Chi có thể phát triển theo 3 định hướng cốt lõi là hình thành đô thị sinh thái, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ. Thậm chí, có thể áp dụng mô hình có quy mô lớn như thành phố Thủ Đức vào siêu đô thị này.

 

Lợi thế lớn của Khu Đô thị Tây Bắc là hình thành dựa trên nền tảng dân số đông, đi cùng với quỹ đất lớn. Không chỉ có Hóc Môn và Củ Chi, khu đô thị này còn liên kết với Bình Chánh, Bình Tân, quận 12 - những quận huyện có quy mô dân số đông đúc nhất hiện nay. Liền kề với khu đô thị này là vùng trọng điểm công nghiệp Đức Hòa (Long An) với sự hiện diện của nhiều tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp hàng đầu trong nước. Đi xa hơn về hướng Tây Bắc là tỉnh Tây Ninh, rồi kết nối với thị trường Campuchia và khối ASEAN.

Thực tế, một số dự án lớn ở khu phía Tây Bắc thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn, như công viên Safari, đại lộ ven sông Sài Gòn... nhưng cho đến nay, hầu hết các dự án vẫn nằm trên giấy. Điểm hạn chế khiến các nhà đầu tư chưa mấy mặn mà với tiềm năng khu Tây Bắc chính nằm ở hạ tầng giao thông chưa phát triển như khu Đông.

Để khắc phục điểm yếu này, thành phố đang lập kế hoạch đầu tư hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, tạo đòn bẩy tăng trưởng cho vùng. Hiện dự án BOT đầu tư xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) đã được TP.HCM đồng ý về chủ trương. Theo đó, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 9.763 tỉ đồng, trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách TP.HCM khoảng 2.300 tỉ đồng và ngân sách tỉnh Tây Ninh khoảng 1.000 tỉ đồng. Dự án đang trông chờ sự thông qua của Quốc hội để bước vào giai đoạn lập kế hoạch triển khai thi công.

 

Đó còn là các tuyến vành đai 3, vành đai 4, quốc lộ 22, quốc lộ N2 đang được lên kế hoạch đầu tư và nâng cấp trong thời gian tới. Đặc biệt trong tương lai, cư dân có thể dễ dàng di chuyển vào trung tâm TP.HCM thông qua tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có nhà ga đặt tại bến xe An Sương và Củ Chi. Hiện dự án Metro số 2 cơ bản đã giải phóng xong mặt bằng để có thể khởi công vào cuối năm nay.

Thị trường còn hoang sơ và giá tương đối mềm của khu Tây Bắc lại là lợi thế để lôi kéo các nhà đầu tư thích mạo hiểm. Điển hình, giá đất thổ cư ở Hóc Môn đang có mức trung bình khoảng 30-40 triệu đồng/m2, rẻ hơn 2 lần so với giá đất ở quận 9 cũ. Nếu nhìn lại bài học phát triển của khu Đông trong 5 năm gần đây, nhiều nhà đầu tư có thể sớm nhận ra tiềm năng hiện hữu của Khu Đô thị Tây Bắc.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày