Chuyên đề

Đi tìm vua tiền mặt

Thanh Hằng - Ngọc Thủy Thứ Tư | 12/06/2019 08:00

Ảnh: shutterstock.com

Những “ông vua tiền mặt” đang sử dụng trăm ngàn tỉ đồng vào những khoản đầu tư nào?
Ảnh: shutterstock.com

Tổng tiền mặt mà các công ty nắm giữ tại thời điểm cuối năm 2018 lên tới 433.000 tỉ đồng. Trong môi trường kinh doanh nhiều biến động, việc có trong tay lượng tiền mặt lớn có giúp doanh nghiệp chủ động và tạo ưu thế vượt trội?

Ngàn tỉ trong tay

Tính đến cuối quý I/2019, có 41 trong 769 doanh nghiệp niêm yết có số dư tiền và tương đương tiền trên 1.000 tỉ đồng, không tính ngân hàng và bảo hiểm vì đặc thù riêng của 2 ngành luôn nhiều tiền này. Nếu tính luôn phần “Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn”, thường là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 12 tháng khi doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng tiền ngắn hạn và có khả năng gửi kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao hơn, thì số doanh nghiệp có số dư tiền hơn 1.000 tỉ đồng lên đến 73 doanh nghiệp.

Danh sách 73 công ty giữ tiền mặt nhiều hiện tập trung vào nhóm: doanh nghiệp bất động sản (Novaland, Vingroup, Vinhomes, Nam Long, Khang Điền, Vincom Retail, Đất Xanh...); các công ty dầu khí và liên quan đến dầu khí (Petrolimex, PV Gas, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Vận tải Dầu khí (PVTrans), PV Drilling...); doanh nghiệp hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet); và các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam (Hòa Phát, Sabeco, Masan, Thế Giới Di Động, FPT, Viglacera, Vinamilk, Gelex...).

Di tim vua tien mat
 

Đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam. Quy mô của các doanh nghiệp này đều lớn. Chẳng hạn, tổng tài sản của Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB), Masan (MSN), Novaland (NVL), Hòa Phát (HPG), FPT, Thế Giới Di Động (MWG)... đã ở mức hàng tỉ USD. Hầu hết các doanh nghiệp trong số này cũng đạt tới doanh thu tỉ USD.

“Mức dư tiền mặt tại đại đa số các doanh nghiệp là phù hợp”, ông Hoàng Thế Trung, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, nhận xét. Trung bình 73 doanh nghiệp có tỉ lệ sở hữu tiền mặt trên tổng tài sản trung bình là 25%, cho thấy sự chủ động trong quản trị tài chính của các doanh nghiệp.

Di tim vua tien mat
 

“Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt và thay đổi nhanh chóng như hiện nay thì doanh nghiệp dự trữ tiền mặt trên tổng tài sản ở mức 15-30% là hoàn toàn hợp lý”, ông Trung nhận định. Lượng tiền mặt này vừa như một khoản dự phòng cho doanh nghiệp vượt qua sóng gió, vừa là khoản có thể giúp doanh nghiệp chớp lấy cơ hội kinh doanh, các cơ hội đầu tư lớn hoặc M&A trong tương lai, đồng thời giúp doanh nghiệp tái đầu tư cho công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh ngay khi có thể.

Tại một số doanh nghiệp tiêu biểu đầu ngành, lượng tiền họ đang có mặc dù lớn nhưng có vẻ như chưa đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ví dụ, ông “vua tiền mặt” GAS dù nắm 27.000 tỉ đồng nhưng số tiền này vẫn chưa đủ cho những dự án sắp tới như Nam Côn Sơn 2, Sao Vàng - Đại Nguyệt, Kho LNG Thị Vải... Tổng Công ty Cổ phần Cảng hàng không (ACV) có 25.000 tỉ đồng thì vẫn quá ít so với nhu cầu mở rộng T3 - Tân Sơn Nhất 10.000 tỉ đồng và sân bay Long Thành 5 tỉ USD giai đoạn 1... Rất nhiều công ty khác đều có những dự án rất lớn phía sau. Đây là lý do một số công ty thoạt nhìn có vẻ đang dư tiền nhưng thật ra là đang chuẩn bị cho đầu tư mở rộng lớn.

Kể cả như Vinamilk có số dư tiền 10.000 tỉ đồng là khoản chuẩn bị đầu tư cho mục tiêu đến năm 2021 có tổng đàn bò 44.400 con từ mức 27.000 con năm 2018 và các chiến lược M&A mở rộng thị trường với kỳ vọng đem về thêm cho Công ty khoảng 8.000 tỉ đồng doanh thu đến năm 2021.

Hay đối với Hòa Phát, để đạt tăng trưởng doanh thu gần 24% lên mức 70.000 tỉ đồng năm 2019, tập đoàn này đặt kỳ vọng vào dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất. Tuy nhiên, vốn đầu tư dự án Dung Quất lên tới 50.000 tỉ đồng cho tài sản cố định và 15.000 tỉ đồng cho vốn lưu động, theo thông tin chia sẻ của Hòa Phát tại Đại hội đồng cổ đông năm nay. Vì thế, dù có hàng ngàn tỉ đồng tiền mặt nhưng so với nhu cầu vốn đầu tư, tiền mặt của Hòa Phát vẫn ở mức khiêm tốn. Ngay thời điểm ban đầu, Hòa Phát đã dự trù một nửa số tiền đầu tư cho dự án Dung Quất sẽ vay ngân hàng. Theo Ban lãnh đạo Hòa Phát, mức lãi vay trong khoảng 7,5-9%/năm là mức tốt so với trung bình 12%/năm của nhóm bất động sản.

Di tim vua tien mat
 

Không chỉ Hòa Phát, các công ty nhiều tiền cũng vay tiền. Chẳng hạn, Vingroup, Novaland, Petrolimex... đều là những doanh nghiệp vay tiền khủng, hàng chục ngàn tỉ đồng, chủ yếu là vay dài hạn và vay trái phiếu. Với những doanh nghiệp quy mô hàng đầu, hoạt động trong các ngành cần đầu tư lớn như bất động sản, bán lẻ, dầu khí... thì việc doanh nghiệp tăng cường đi vay là điều dễ hiểu.

“Tôi đánh giá các doanh nghiệp này cân bằng khá tốt việc vừa trả cổ tức tiền mặt đồng thời giữ lại đủ khả năng đầu tư cho tương lai”, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam nhận xét.

Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ một số công ty có tỉ lệ tiền mặt trên tổng tài sản vượt mức 40% thì dường như các công ty này chưa hợp lý trong quản lý dòng tiền, họ không có dự án mở rộng nào lớn trong tương lai. Mặc dù đã có xu hướng tăng trả cổ tức cho cổ đông nhưng lại vẫn còn khiêm tốn so với số dư tiền mặt họ đang nắm giữ. Sabeco trả cổ tức 50% năm 2018 (đã tạm ứng 35% trong năm 2018 và dự chi 15% năm 2019) nhưng vẫn còn dư tiền 12.000 tỉ đồng và tiền chiếm 54% tổng tài sản. Có thể Sabeco vừa mới xong quá trình tái cấu trúc, nên chưa dùng tiền mặt cho đầu tư.

VEA trả cổ tức 39% nhưng vẫn dư tiền 10.000 tỉ đồng và tiền chiếm 40% tổng tài sản. Tổng Công ty Lâm Nghiệp (VIF) dự kiến trả 20% cổ tức nhưng vẫn dư tiền 2.700 tỉ đồng và tiền chiếm 45% tài sản.

Tiền nhiều để làm gì?

Trong mắt giới đầu tư, tiền mặt chỉ là một phần tài sản của doanh nghiệp. Trên quan điểm đầu tư, những quỹ đầu tư dài hạn như VFM cũng không bình luận khi số dư tiền mặt chỉ là hiện tượng mang tính nhất thời. Thực tế, tiền mặt không nói lên được gì khi tiền mặt có thể được ghi nhận tại thời điểm báo cáo, nhưng sau ngày đó, lượng tiền ấy sẽ dịch chuyển, thậm chí “bốc hơi” khi dùng cho các việc khác. “Vì thế, để đánh giá doanh nghiệp, nếu chỉ nhìn vào tiền mặt sẽ không chính xác. Thay vào đó, người quan tâm cần xem xét tổng thể toàn doanh nghiệp”, đại diện TVS phân tích.

Điển hình là trường hợp Vingroup nhận 1 tỉ USD, tương đương 23.000 tỉ đồng vốn đầu tư từ Tập đoàn SK vào tháng 5 vừa qua. Số tiền chục ngàn tỉ đồng được dự đoán sẽ nhanh chóng phân bổ 6.000 tỉ đồng cho việc góp vốn vào các công ty con, 10.000 tỉ đồng để trả các khoản gốc và lãi vay trong năm 2019, số còn lại dùng cho các hoạt động kinh doanh và cấp vốn ngắn hạn cho Tập đoàn.

Đối với trường hợp doanh nghiệp luôn duy trì lượng tiền mặt lớn, theo đại diện TVS, đó như con dao 2 lưỡi. Ở khía cạnh tích cực, tiền nhiều giúp doanh nghiệp xử lý dễ dàng các tình huống kinh doanh và doanh nghiệp cũng có nhiều lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư trong tương lai, đặc biệt là triển khai M&A. Chẳng hạn, Vingroup khá mạnh tay trong việc chi tiền cho hoạt động M&A, mở rộng phát triển nhiều mảng trong hệ sinh thái hoạt động của mình. FPT đã mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting, một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Hay Novaland cũng chi hơn 8.500 tỉ đồng cho các khoản M&A trong năm 2018.

Di tim vua tien mat
 

Khi nhiều tiền, các doanh nghiệp còn có thể thu lãi lớn nhờ gửi tiết kiệm, như trường hợp của PV Drilling, ACV và Vingroup trong năm 2018. Nhà đầu tư khi nhìn vào doanh nghiệp nhiều tiền hơn nợ cũng cảm thấy yên tâm hơn, như chia sẻ của một chuyên viên phân tích thuộc một quỹ đầu tư cổ phiếu. Nhưng khi dư tiền, doanh nghiệp cũng dễ sử dụng tiền không thỏa đáng, làm giảm giá trị của doanh nghiệp. Trong quá khứ, đã có không ít doanh nghiệp đem tiền đầu tư vào những ngành kém hiệu quả hoặc đầu tư không đúng thời điểm. Kết quả là không ít doanh nghiệp đã lao đao. Về lâu dài, theo các chuyên gia, những doanh nghiệp giữ nhiều tiền mặt mà không triển khai đầu tư thì sẽ khó nhìn thấy tương lai phát triển.

Các doanh nghiệp thường được khuyến nghị nên quản trị dòng tiền hiệu quả, dựa trên việc sử dụng hợp lý tiền mặt và vốn vay. Về lý thuyết, nguồn tiền mặt hợp lý giúp doanh nghiệp đủ khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính đến hạn (như lãi vay, các chi phí, chi tiêu vốn...). Ngoài ra, doanh nghiệp cần dự trữ một lượng tiền cho những tình huống khẩn cấp. Đối với doanh nghiệp hoạt động trong những ngành thâm dụng vốn (sản xuất, đầu tư máy móc...) và vòng quay tiền mặt không thể nhanh, thì cần duy trì lượng tiền mặt nhất định.

Theo dự đoán của ông Trung, các công ty sẽ tiếp tục duy trì tiền mặt trên tổng tài sản hợp lý từ 15-30%; mức này đảm bảo cho các công ty nâng cao thanh khoản đồng thời có nguồn lực đầu tư kinh doanh kịp thời trong môi trường kinh doanh biến động, đồng thời lãi suất vay dài hạn đang có xu hướng đi lên. Đại đa số các công ty đều đang theo đuổi các dự án lớn trong thời gian gần nên việc giữ tỉ lệ tiền mặt hợp lý giống như trữ lương thực để vượt qua mùa đông lạnh giá.

Di tim vua tien mat
 

Đối với các công ty có tỉ lệ đến mức 40%, ngoại trừ GAS và ACV có nhu cầu vốn rất lớn trong tương lai gần, các công ty còn lại mà không có dự án lớn sắp tới thì nhiều khả năng sẽ bị các cổ đông gây áp lực để trả thêm cổ tức. “Đối với các doanh nghiệp này, việc nâng cao cổ tức để nâng giá trị cho cổ đông là hoàn toàn phù hợp”, ông Trung nhận xét.

Rõ ràng, tiền mặt nhiều là tốt hay không cho doanh nghiệp, còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Vì thế, khi soi báo cáo tài chính, theo đại diện TVS, thay vì nhìn vào tiền mặt, nhà đầu tư nên nhìn vào bảng lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp. Lượng tiền lưu chuyển trong kỳ sẽ cho thấy nhiều mặt tốt xấu của doanh nghiệp. Đó là khả năng thu tiền từ kinh doanh, khả năng vay mượn và được giải ngân, khả năng tạo ra tiền từ đầu tư và việc sử dụng tiền như thế nào.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày