Công Nghệ

Chính phủ điện tử: Kỳ vọng giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp

Vân Nguyễn Thứ Sáu | 06/07/2018 13:59

IPS

Việt Nam khi có Chính phủ điện tử sẽ cho phép kết nối các dịch vụ công trực tuyến với một lần đăng nhập duy nhất.
IPS

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chuyên gia phân tích công Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), tại hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử 2018, ngày 5.7, dẫn chứng một lần gửi UNDP căn cứ địa chỉ email được ghi trên cổng thông tin các tỉnh, thành phố để gửi thư mời các địa phương này tới dự một cuộc họp.

Tuy nhiên, đã có 1/3 email được trả lại ngay lập tức do lỗi gửi sai địa chỉ, hai ngày sau đó có thêm 1/3 thư được gửi trả lại do lỗi kỹ thuật và có tới 1/3 thư không được phản hồi, bà Huyền cho biết.

Nhiều hệ thống nhưng không kết nối

Việt Nam đang có 9.000 xã, phường có cổng điện tử. Xây dựng Chính phủ điện tử, giải pháp phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh nước ta có quá nhiều các hệ thống thông tin các cấp nhưng không kết nối và chia sẻ dữ liệu được với nhau.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Minh Hồng, tại hội thảo này, đã thừa nhận kết quả xây dựng Chính phủ điện tử “chưa được như mong muốn”, dù Việt Nam đã có những thành công nhất định về ứng dụng công nghệ thông tin.

Công bố Báo cáo Đánh giá và Xếp hạng Chính phủ điện tử Việt Nam 2017, nhưng ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam, nói “có nhiều điểm đáng chú ý”.

Theo quan sát của Viện trưởng Đồng, ở hạng mục xếp hạng cấp Bộ và cơ quan ngang Bộ, việc cung cấp dịch vụ công của các Bộ và cơ quan ngang Bộ chỉ ở mức trung bình với tỷ lệ dịch vụ có hồ sơ trực tuyến là 46,06%. Trong đó, Bộ Tài chính đi đầu với hơn 20 triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến.

Tỷ lệ các Bộ, cơ quan ngang Bộ phân theo các mức Tốt (chỉ số đạt từ 0,8 trở lên), Khá (chỉ số đạt từ 0,65 đến dưới 0,8) và Trung bình (chỉ số đạt dưới 0,65) về Chỉ số tổng hợp được thể hiện tại biểu đồ.  

Trong khi đó, ở hạng mục Cơ quan thuộc chính phủ, bảo hiểm Xã hội Việt Nam là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng chính phủ điện tử trong các cơ quan thuộc Chính phủ.

Ông Đồng cho rằng: “Quy mô dân số là yếu tố chính quyết định đến số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến của tỉnh” và “các yếu tố khác, đặc biệt là mức độ thành thạo công nghệ kỹ thuật số cũng đóng vai trò lớn trong tổng số hồ sơ giải quyết”.

Một điểm, ông Đồng cho là “trái ngược với dự đoán”. Đó là, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 không thể hiện quá nhiều đóng góp cho tổng số hồ sơ giải quyết trực tuyến.

Thiết lập cơ chế chia sẻ

Trên thế giới, ngày một nhiều quốc gia đạt được những thành tựu nhất định trong triển khai Chính phủ điện tử. Chẳng hạn, Chính phủ Cộng hòa Pháp đã xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống liên kết định danh quốc gia cho phép kết nối các dịch vụ công trực tuyến với một lần đăng nhập duy nhất.

Tiền đề xây dựng Chính phủ điện tử là cơ sở dữ liệu quốc gia đã có. Nhìn từ kinh nghiệm nếu áp dụng kinh nghiệm thế giới, nhiệm vụ đầu tiên của nước ta là hoàn thiện cơ sở dữ liệu này và đặc biệt là phải thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng phi tập trung.

Ông Hà Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty An ninh An toàn thông tin của Tập đoàn Công nghệ CMC, cho biết, CMC đã mang đến hội thảo này 3 giải pháp để xây dựng chính phủ điện tử hiện đại và hiệu quả, hướng tới phát triển nền kinh tế số.

Thứ nhất, trung tâm giám sát, xử lý sự cố an ninh an toàn thông tin (SOC) cho các đơn vị chính phủ: hiệu quả, tiết kiệm và nguồn lực. Ông Phương cho rằng, đây là mô hình SOC đầu tiên tại Việt Nam nhằm đưa ra những giải pháp bảo mật cho khối chính phủ, khối ngân hàng, tài chính.

Mô hình thuê dịch vụ SOC từ các đối tác thứ 3 đang là mô hình phù hợp với xu hướng phát triển của chính phủ điện tử ở các tỉnh. Với mô hình này, Chính phủ sẽ không gặp khó khăn về nguồn lực bảo mật, có thể giám sát 24/7 mà chỉ cần một người đầu mối.

Thứ hai, giải pháp hạ tầng điện toán đám mây và bảo mật dữ liệu cho khối tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, với tiêu chuẩn an ninh thông tin bắt buộc dành cho các doanh nghiệp lưu trữ, truyền tải và xử lý thẻ thanh toán.

Giải pháp CMC Cloud sử dụng riêng hệ thống kết nối cáp quốc tế ổn định, băng thông cao lên tới 10Gbps, tính sẵn sàng cao và Firewall bảo mật nhiều lớp. Hệ thống có khả năng tùy biến cấu hình cao và nâng cấp dễ dàng, giúp đơn vị sử dụng có thể lựa chọn chu kỳ, thời gian và số lượng bản lưu trữ dữ liệu.

Thứ ba, sử dụng trí tuệ nhân tạo tiến tới cá thể hóa các dịch vụ tài chính. Giải pháp này ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu giúp các tổ chức tài chính của Việt Nam có thể áp dụng vào hoạt động ra quyết định trong kinh doanh một cách hiệu quả.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày