Công Nghệ

Công nghiệp 4.0: "Xem những người thành công đã làm gì"

Hải Vân Thứ Ba | 18/09/2018 09:15

Tham gia kỷ nguyên 4.0, nhưng hiểu biết của nhiều nhà làm chính sách là thông qua đọc sách báo, tham dự hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, trong bối cảnh Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tạo ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống.

Để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội từ Cuộc cách mạng 4.0, ông Indranil Roy, Phó Tổng giám đốc Đông Nam Á của Deloitte, nói rằng, chính phủ đóng vài trò rất lớn.Thứ nhất, vai trò của chính phủ trong xây dựng môi trường và hệ sinh thái phù hợp để doanh nghiệp có thể tự giúp mình.

Thứ hai, vai trò của chính phủ trong xây dựng một lưới an toàn cho người dân. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể gây nhiều gián đoạn, tác động nhiều đến việc làm, nhiều người sẽ mất việc,  thậm chí khó tìm công việc khác do không có kỹ năng.

Đang có nhiều nền kinh tế đang cố gắng tìm ra những cách thức khác nhau để xây dựng "mạng lưới an toàn cho người dân". Thậm chí, có chính phủ đã nghĩ đến việc cung cấp một số tiền nhỏ cho người dân bị mất việc làm.

Thứ ba, vai trò của chính phủ trong chủ trì, kết hợp với các công ty, để đào tạo lại kỹ năng cho người lao động, sau mỗi 5 năm.

Hiện nay, một sự nghiệp chỉ có thời gian 5 năm. Điều đó có nghĩa là mỗi một nghề, kỹ năng cho nghề đó chỉ có tác dụng trong 5 năm, sau đó phải học thêm những lĩnh vực khác.

Thứ tư, vai trò của Chính phủ trong việc thay đổi suy nghĩ của hệ thống giáo dục. Vấn đề cơ bản hiện nay là hệ thống trường học vẫn đào tạo học sinh chỉ làm một công việc, không trang bị kiến thức thay đổi sự nghiệp cho học sinh.

Điều này cần thay đổi, trường học cần chuẩn bị cho họ sinh để có khả năng học nhanh và thay đổi sự nghiệp nhanh chóng.

Ông Naveen Menon, Chủ tịch Cisco khu vực ASEAN, Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), ngày 13.9, cho biết: Cisco vừa công bố nghiên cứu mới, thực hiện tại 6 quốc gia gồm Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines với 21 ngành, 430 loại hình công việc. Kết quả cho thấy, giai đoạn 10 năm tới, sẽ có 28 triệu việc làm bị ảnh hưởng và thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời tạo thêm 4,5 triệu công việc mới tại khu vực. 

Một vấn đề được ông Indranil Roy chỉ rõ: “Việt Nam đang chuẩn bị tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng hiểu biết của nhiều nhà làm chính sách là thông qua đọc sách báo, tham dự hội nghị".

Ông Indranil Roy cho rằng “đi ra thế giới sẽ tốt hơn cho các nhà làm chính sách, nên dành thời gian để xem những người thành công đã làm gì”.

“Họ cần đến Silicon valley của Mỹ hay Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Úc, Nam Phi, nơi cuộc cách mạng công nghiệp đang tạo ra những giá trị mới, sự hợp tác giữa công ty lớn và nhỏ, phòng thí nghiệm sáng tạo”.

“Đây là cách tốt nhất để học, để có cách nhìn mới về mô hình kinh doanh”, Phó Tổng giám đốc Đông Nam Á của Deloitte cho biết.

Học từ nhau

Chủ đề của WEF lần này là sự kết nối giữa các quốc gia trong khu vực để tăng tính cạnh tranh. Sự kết nối thể hiện ở hai khía cạnh, chính thống và phi chính thống, dù Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được thành lập từ năm 2015 và sự kết nối, theo nhiều nghĩa đều chưa rõ ràng.

Ông Indranil Roy cho rằng kết nối chính thống, phải kể đến việc cùng có một đồng tiền chung, chính sách visa, luật tuyển dụng phải thay đổi, người lao động có thể chuyển từ nơi này sang nơi khác mà không cần phải có giấy phép hành nghề. Các luật thuế và luật biên giới cũng phải thay đổi.

“Tôi không biết bằng cách nào và khi nào thì sự kết nối chính thống này diễn ra”, Phó Tổng giám đốc Đông Nam Á của Deloitte, cho biết.

Cong nghiep 4.0:
 

Trong khi đó, đã có những liên kết phi chính thống được tạo ra. Đó là các công ty startup Việt Nam kết nối với Startup ở Singapore, hoặc Chính phủ Singapore hợp tác với startup Malaysia. Ông Indranil Roy nói: “Những kết nối này là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sự kết nối truyền thống”.

Theo quan sát của ông Indranil Roy, trong một số lĩnh vực đã có kết nối mạnh mẽ. Ví dụ, cộng đồng Fintech cho thấy sự kết nối rõ ràng.

Trong lĩnh vực này, rất nhiều ngân hàng trong khu vực, công ty thanh toán, công ty thương mại điện tử, đã liên kết với nhau để cùng kinh doanh.

Nhưng kết nối ở một số lĩnh vực khác là không nhiều, như xăng dầu, ô tô, khai khoáng. Thậm chí, sự kết nối giữa các thành phố, các trường đại học lớn, cho kết quả chưa rõ ràng, như Hà Nội sẽ học được gì từ Singapore hoặc Malaysia…

“Chúng ta nên copy mô hình kết nối Fintech sang nhiều lĩnh vực khác”, ông khuyến cáo. Theo ông, với nhiều nền tảng thông tin cũng như mạng xã hội ngày nay, việc học hỏi từ nhau sẽ cho những bài học, kinh nghiệm phát triển trong tương lai.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày