Công Nghệ

Đường vào Việt Nam của KardiaChain

Đông Sang Thứ Tư | 09/06/2021 07:30

Vốn hóa cao nhất của KardiaChain từng đạt được là 350 triệu USD (hiện tại là hơn 80 triệu USD), đứng thứ 30 trong số các công ty cùng phân khúc. Ảnh: TL

KardiaChain chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên vì muốn tạo ra các giá trị công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam thụ hưởng.
Vốn hóa cao nhất của KardiaChain từng đạt được là 350 triệu USD (hiện tại là hơn 80 triệu USD), đứng thứ 30 trong số các công ty cùng phân khúc. Ảnh: TL

Thành lập năm 2018, trụ sở chính ở London (Anh), 1 năm sau, KardiaChain mở văn phòng ở Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam và năm 2020 dời trụ sở về TP.HCM. KardiaChain định vị là đơn vị cung cấp nền tảng blockchain cho các ứng dụng quản lý phi tập trung. Vốn hóa cao nhất của KardiaChain từng đạt được là 350 triệu USD (hiện tại là hơn 80 triệu USD), đứng thứ 30 trong số các công ty cùng phân khúc.

Nói một cách đơn giản, theo ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công nghệ KardiaChain, có thể xem họ như một đơn vị cung cấp hệ điều hành cho các ứng dụng sử dụng công nghệ blockchain (gọi là D-App) trên ứng dụng di động. Qua đó, doanh nghiệp có thể lập trình các ứng dụng phục vụ quản trị và kinh doanh. Giống như nhiều mô hình công ty internet khác, các công ty blockchain thành công dựa trên số lượng người sử dụng nền tảng của họ. KardiChain cũng không ngoại lệ và chịu nhiều thách thức hơn khi tập khách hàng hướng đến là doanh nghiệp.

 

Thời gian đầu, để kích doanh nghiệp sử dụng, KardiaChain phải thiết kế ra các ứng dụng hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Sau 3 năm nghiên cứu và thử nghiệm ở châu Âu và Mỹ, ông Huy cho biết có 3 mô hình phù hợp với thị trường Việt Nam. Đầu tiên là xu hướng tokenization (tạm dịch là chia nhỏ). Công nghệ cho phép doanh nghiệp chia nhỏ tài sản và định danh nó bằng một đơn vị tiền mã hóa, các giao dịch trên đây đều được tự động và minh bạch. Bằng cách này, suất đầu tư cho dự án của doanh nghiệp sẽ có chi phí cạnh tranh hơn, từ đó dễ tiếp cận số đông hơn. Điển hình như Topebox đã sử dụng công nghệ blockchain của KardiaChain để phát triển game My DeFi Pet và gọi được gần 1 triệu USD từ Axia8 Ventures và OKEx Blockdream Ventures.

Thứ 2 là công nghệ truy xuất nguồn gốc nhưng dành cho sản phẩm có giá trị cao như tác phẩm nghệ thuật chẳng hạn. Với công nghệ Non-Fungible Token (NFT - mã thông báo không thể thay thế), các tác phẩm nghệ thuật sẽ được “đóng dấu” chứng nhận và trở thành tác phẩm số duy nhất trên môi trường internet.

Cuối cùng là hệ thống điểm thưởng khách hàng (Loyalty Point). Hạn chế lớn nhất của hệ thống này hiện nay là chỉ có giá trị trong hệ sinh thái của doanh nghiệp. Việc mở rộng hệ sinh thái đòi hỏi tiềm lực doanh nghiệp hoặc hợp tác với nhiều nền tảng khác. Blockchain giải quyết bài toán này theo hướng giúp các doanh nghiệp hợp tác với bên thứ 3 với chi phí cạnh tranh và minh bạch hơn. Ở Việt Nam, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Fado đang hợp tác với KardiChain để giải quyết bài toán này.

Nhìn lại, năm 2018 là giai đoạn các công ty blockchain bùng nổ ở thị trường Việt Nam, có nhiều cái tên nổi bật thời đó như Infinity Blockchain Labs, TomoChain... Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn thuật ngữ blockchain được tận dụng nhiều nhất để gọi vốn. Có 2 mô hình công ty blockchain thời bấy giờ là công ty Public blockchain, chuyên làm nền tảng như TomoChain, KardiaChain; và công ty Private blockchain như Infinity Blockchain Labs hay akaChain, chuyên gia công blockchain cho các doanh nghiệp có nhu cầu, do gọi vốn bằng blockchain thời điểm này khá “hot”.

Sau 3 năm, thị trường bắt đầu được định hình lại khi nhiều công ty đưa sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn, số còn lại vẫn im lặng hoặc âm thầm rút khỏi thị trường. Vì thế, mô hình Private blockchain cũng bị ảnh hưởng khá lớn và nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc cắt giảm hoạt động tại Việt Nam.

 

Có 3 nguồn thu phổ biến của một công ty Public Blockchain là gọi vốn đầu tư, phí giao dịch, chi phí cung cấp dịch vụ blockchain. Vì định hướng phục vụ doanh nghiệp nên phí giao dịch của KardiaChain được trợ giá chỉ 1 đồng để thu hút doanh nghiệp tham gia. Giải thích về chiến lược này, ông Huy cho biết ở các nước phát triển, hạ tầng công nghệ và quy trình đã hoàn chỉnh nên việc ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp rất hạn chế. Do đó, các công ty blockchain ở đây xem là một sản phẩm đầu tư tài chính hơn là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, việc ứng dụng blockchain theo chiều ngược lại. Việt Nam là thị trường tiềm năng khi Chính phủ đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi số để có chi phí cạnh tranh và nâng cao hiệu suất làm việc.

Ngoài ra, lý do khác khiến KardiaChain chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên vì các đồng sáng lập muốn tạo ra các giá trị công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam thụ hưởng. Lợi ích dễ thấy nhất của blockchain là tiết giảm chi phí và tăng hiệu suất làm viêc vì cắt bỏ được phần lớn công đoạn sử dụng giấy tờ.

“Blockchain vẫn còn mới ở Việt Nam, cũng giống như khi Việt Nam tiếp cận điện toán đám mây, cần thời gian và nhiều trường hợp thành công để thu hút doanh nghiệp tham gia. Tuy khó nhưng chúng tôi tin đang đi đúng hướng khi ngày càng có nhiều đối tác, doanh nghiệp quan tâm và tìm hiểu về nền tảng blockchain của KardiaChain”, ông Huy nói.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày