Công Nghệ

Lần đầu tiên Meta đầu tư vào châu Á, vòng hạt giống kết thúc với 3 triệu USD

Nguyên Hồ Thứ Sáu | 06/05/2022 09:08

Ảnh: CNBC.

Công ty khởi nghiệp Ami nhắm đến việc giúp đỡ người lao động châu Á dễ dàng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần hơn.
Ảnh: CNBC.

Tình trạng kiệt quệ về cảm xúc lan rộng do làm việc quá sức và bị trầm trọng hóa sau đại dịch đã buộc các chủ lao động phải chấp nhận rằng không thể bỏ qua sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc.

Ami, một nền tảng sức khỏe tinh thần, đang đưa các doanh nghiệp vào cuộc. Được thành lập vào tháng 01/2022, công ty khởi nghiệp nhắm đến việc giúp đỡ người lao động châu Á dễ dàng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần hơn, thông qua các buổi tư vấn diễn ra trên các nền tảng nhắn tin như WhatsApp.

Người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Justin Kim, nằm trong danh sách Forbes 30 Under 30 Châu Á năm 2020, đã phát triển ý tưởng cho Ami cùng với Giám đốc Kỹ thuật Beknazar Abdikamalov. Cặp đôi này không xa lạ gì với nền văn hóa doanh nghiệp đang phát triển - ông Kim trước đây là Product Owner (“chủ sở hữu” sản phẩm: người có thẩm quyền trực tiếp can thiệp và theo dõi xuyên suốt quá trình hoạt động tạo ra và nâng cấp sản phẩm) tại Viva Republica, công ty điều hành siêu ứng dụng tài chính Toss, của tỉ phú Hàn Quốc Lee Seung Gun, trong khi ông Abdikamalov làm kỹ sư phần mềm tại Amazon.

Ông Justin Kim (người thứ 3 từ trái qua), đồng sáng lập Ami. Ảnh: Forbes.
Ông Justin Kim (người thứ 3 từ trái qua), đồng sáng lập Ami. Ảnh: Forbes.

Bốn tháng sau khi ra mắt bản beta, Ami đã kết thúc vòng hạt giống với 3 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm nhóm Thử nghiệm sản phẩm mới (NPE) của Meta, một bộ phận thử nghiệm ứng dụng trực thuộc công ty công nghệ khổng lồ, đánh dấu khoản đầu tư khởi nghiệp giai đoạn đầu đầu tiên của chủ sở hữu Facebook vào Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Thỏa thuận này đánh dấu động thái mới nhất của Meta trong việc mở rộng đầu tư ra ngoài nước Mỹ, kể từ một thông báo vào tháng 12/2021, một ngày sau khi Facebook đổi tên thành Meta, rằng NPE sẽ tìm kiếm những ý tưởng có thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu của một xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Vào tháng 4, NPE thông báo họ sẽ bắt đầu thuê văn phòng mới ở Seoul, ngoài cơ sở hiện có ở Lagos, thành phố lớn nhất của Nigeria.

Tham gia cùng với Meta trong vòng gọi vốn là các nhà đầu tư hiện tại Goodwater Capital (đã hỗ trợ Kakao, Coupang và Viva Republica), Strong Ventures, January Capital và Collaborative Fund.

Giao diện website của Ami.
Giao diện website của Ami.

Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy đại dịch COVID-19 đã làm chứng trầm cảm và lo lắng trên toàn thế giới gia tăng 25%. Theo Báo cáo từ Viện Y tế Quốc gia Singapore vào năm 2021, ước tính rằng chi phí xã hội cho sáu chứng rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến nhất là 1,2 tỉ USD mỗi năm, bao gồm cả việc nhân viên nghỉ việc và mất năng suất. 

Ngoài Singapore và Jakarta— hai trung tâm khởi nghiệp sôi động nhất châu Á — Ami có kế hoạch mở rộng khắp châu Á bằng cách cung cấp cho các công ty khả năng thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu với một nền tảng hỗ trợ sức khỏe tinh thần cụ thể, vào thời điểm mà các công ty liên tục tìm kiếm phúc lợi cho  nhân viên.

Tuy nhiên, các công ty khởi nghiệp như Ami vẫn phải đối mặt với một thách thức được biết đến là sự kỳ thị đối với sức khỏe tinh thần, phổ biến trên khắp châu Á. Tiếp cận hỗ trợ sức khỏe tinh thần vẫn là một vấn đề trong một khu vực, khái niệm về bệnh tâm thần thì nhiều lần bị coi thường. Theo đánh giá học thuật năm 2020 về kỳ thị đối với bệnh tâm thần ở Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan, những căn bệnh này được coi là điểm yếu cá nhân và do đó ít được xã hội chấp nhận hơn so với các vấn đề khác.

Có thể bạn quan tâm: 

2 tháng trừng phạt chưa từng có, phương Tây vẫn không thể nhấn chìm nền kinh tế Nga

Nguồn Forbes


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày