Công Nghệ

Trung Quốc cấm DiDi chỉ vài ngày sau khi IPO tại Mỹ

Phùng Mỹ Thứ Hai | 05/07/2021 16:54

Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đang tiến hành đánh giá an ninh mạng đối với Didi và yêu cầu công ty ngừng đăng ký người dùng mới. Ảnh: Reuters.

Cơ quan quản lý Trung Quốc yêu cầu loại bỏ Didi Chuxing khỏi các cửa hàng ứng dụng, giáng một đòn mạnh vào dịch vụ gọi xe trực tuyến này.
Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đang tiến hành đánh giá an ninh mạng đối với Didi và yêu cầu công ty ngừng đăng ký người dùng mới. Ảnh: Reuters.

Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc vừa giáng một đòn mạnh vào Didi Chuxing và các nhà đầu tư doanh nghiệp này chỉ vài ngày sau phiên IPO được xếp vào nhóm các thương vụ chào sàn lớn nhất tại Mỹ trong thập kỷ qua.

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm Didi Chuxing xuất hiện trên các cửa hàng ứng dụng với lý do "vi phạm nghiêm trọng trong việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân mà không chấp thuận giải trình".

Quyết định này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi cơ quan quản lý thông báo họ bắt đầu đánh giá mức độ an toàn mạng ở startup khổng lồ này.

Với yêu cầu của các nhà quản lý Trung Quốc, các cửa hàng ứng dụng lớn nhất do Apple, Huawei hay Xiaomi quản lý đều phải loại bỏ Didi Chuxing. Tuy nhiên, gần nửa tỉ người Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ nếu họ đã tải ứng dụng trước ngày 4.7.

Quyết định trên khiến cổ phiếu của công ty này giảm 5,3% vào ngày 2.7 xuống còn 15,52 USD. Cổ phiếu của công ty bắt đầu giao dịch trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York vào ngày 30.6 với giá 14 USD.

Trong phiên giao dịch sáng 5.7, cổ phiếu SoftBank Group Corp., một cổ đông lớn của Didi, cũng giảm tới 5,9%, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ ngày 13.5.

Didi có hơn 377 triệu người dùng và 13 triệu tài xế hoạt động hàng năm tại Trung Quốc. Công ty nắm giữ một kho dữ liệu khổng lồ, từ các địa chỉ mà người dùng thường xuyên đến danh bạ điện thoại của họ và các bản ghi âm các chuyến xe, mà họ bắt đầu lấy sau các vụ hành khách bị giết hồi năm 2018.

Giống nhiều gã khổng lồ công nghệ khác ở Trung Quốc, Didi gần đây liên tiếp bị các nhà quản lý tiến hành điều tra chống độc quyền. Trước khi kết quả chính thức được công bố, cổ phiếu của Didi có lúc đã mất 11% giá trị trong phiên giao dịch ngày 2.7.

Trên diện rộng, Trung Quốc đang tiến hành các động thái nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của các tập đoàn Internet khổng lồ của nước này. Alibaba, Tencent hay Didi, những công ty thu thập dữ liệu người dùng lớn nhất của Trung Quốc, chính là những doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn nhất.

Tuần trước, DiDi đã huy động được 4,4 tỉ USD từ các nhà đầu tư Mỹ trong một trong đợt IPO công khai. Ảnh: Barcroft Media.
Tuần trước, DiDi đã huy động được 4,4 tỉ USD từ các nhà đầu tư Mỹ trong một trong đợt IPO công khai. Ảnh: Barcroft Media.

Cơ quan quản lý Trung Quốc yêu cầu Didi sửa chữa những sai phạm theo tiêu chuẩn quốc gia, đồng thời thực hiện các bước đi cần thiết để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng. Trên mạng xã hội, phía Didi cũng thông báo họ ngừng nhận đăng ký tài khoản mới từ 3.7 và đang hiệu chỉnh ứng dụng theo quy định của nhà chức trách. Trong tuyên bố tiếp theo, Didi cho biết các quy định có thể "tác động bất lợi" đến doanh thu công ty tại Trung Quốc.

Hiện tại, chưa thể xác định chính xác động thái nào khiến Didi bị cấm cửa. Các công ty khác, chẳng hạn như Alibaba hay Tencent, dù bị phạt với số tiền khổng lồ nhưng luôn khẳng định tuân thủ các quy định và hợp tác với nhà chức trách để tìm ra giải pháp.

Biện pháp trừng phạt của nhà chức trách Trung Quốc với Didi xảy ra ở một thời điểm nhạy cảm. Gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc bị cấm cửa chỉ vài ngày sau khi chào sàn ở Mỹ. Thời gian này cũng đang là dịp lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Didi, một trong những khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của SoftBank, đã đánh bại Uber tại Trung Quốc vào năm 2016 trước khi bắt tay vào kế hoạch mở rộng ra toàn cầu đầy tham vọng. Nó được giao dịch lần đầu tại New York sau phiên IPO trị giá 4,4 tỉ USD, đánh dấu màn ra mắt lớn nhất của một công ty Trung Quốc ở Mỹ sau Alibaba.

Tuy nhiên, Didi được định giá thấp hơn nhiều so với mục tiêu trước đó. Cụ thể, Didi được định giá khoảng 67 tỉ USD, tăng một chút so với vòng gọi vốn cuối cùng vào năm 2019 và cách rất xa so với mục tiêu tham vọng nhất là 100 tỉ USD.

Có thể bạn quan tâm:

Startup gọi xe Didi Chuxing đăng ký IPO tại Mỹ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày