Công Nghệ

Xe tải tự lái, giúp vận chuyển nhanh hơn người lái tới 10 tiếng

Hân Nguyễn Thứ Bảy | 18/12/2021 16:52

Nguồn ảnh: CNN

Nhân viên vận tải ngày càng khan hiếm, công ty TuSimple nghĩ ra giải pháp mới: không cần tài xế.
Nguồn ảnh: CNN

Xe tải tự lái, giúp vận chuyển nhanh hơn người lái tới 10 tiếng. Nhân viên vận tải ngày càng khan hiếm, công ty TuSimple nghĩ ra giải pháp mới: không cần tài xế. Hiện nay, tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành vận tải ngày càng trầm trọng hơn, không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới, bởi sự bùng nổ của thương mại điện tử trong thời kỳ đại dịch. 

Một giải pháp cho vấn đề này là xe tải tự lái và một số công ty đang “chạy nước rút” để trở thành đơn vị đầu tiên tung ra loại xe tải này. Trong số đó có TuSimple, công ty đặt trụ sở tại San Diego.

Được thành lập vào năm 2015, TuSimple đã hoàn thành chặng đường thử nghiệm dài hơn 3 triệu cây số với 70 xe tải nguyên mẫu của họ trên khắp Hoa Kỳ, Trung Quốc và Châu Âu. Mặc dù, đây chỉ là những chiếc xe tải thương mại được trang bị thêm công nghệ, TuSimple đã có hợp đồng thiết kế và chế tạo các mẫu xe hoàn toàn tự động, trông đợi được ra mắt vào năm 2024, với hai nhà sản xuất xe tải lớn nhất thế giới - Navistar ở Mỹ và Traton, doanh nghiệp vận tải đường bộ ở Châu Âu của Volkswagen.

Không ngủ

Thử nghiệm mới nhất của TuSimple là vận chuyển nông sản tươi 1530km, từ Nogales, Arizona đến Thành phố Oklahoma. Việc lấy và trả hàng thì do người lái phụ trách, nhưng đối với phần lớn tuyến đường - từ Tucson đến Dallas - xe tải đã tự lái.

Ông Cheng Lu, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của TuSimple cho biết: “Ngày nay, do hệ thống chưa hoàn toàn sẵn sàng nên chúng tôi luôn có một người tài xế cẩn thận và một kỹ sư an toàn trên xe trong lúc thử nghiệm, nhưng xe thì hoàn toàn tự lái: tài xế không chạm vào vô lăng.”

Lộ trình đã hoàn thành trong 14 giờ còn nếu người lái thì tốn đến 24 giờ, chủ yếu là vì một chiếc xe tải thì không cần ngủ. "Ở Mỹ, một tài xế chỉ có thể làm việc 11 tiếng một ngày. Chúng tôi chỉ đơn giản là bàn giao sau khi cặp tài xế đầu tiên của chúng tôi làm đủ 11 tiếng", ông Lu nói. Nhưng tất nhiên điều đó lại như từ bỏ lợi ích đến từ một hệ thống tự động, vì vậy một khi xe tải của TuSimple tung ra thị trường, sẽ không cần phải có bất kỳ ai trên xe nữa.

Nhặt dưa hấu vẫn cần đến
Nhặt dưa hấu vẫn cần đến "sự tác động" của con người

Không giống như ô tô tự lái, vẫn còn cách để thương mại hóa, xe tải TuSimple sẽ không bắt buộc phải hoạt động trong giao thông thành phố nhộn nhịp mà chỉ cần chạy trên những đoạn đường cao tốc đã được lập bản đồ kỹ lưỡng thông qua phần mềm của riêng công ty.

Tài xế vui vẻ hơn?

Công nghệ này sẽ thêm khoảng 50.000 USD vào chi phí của một chiếc xe tải, khiến giá cuối cùng rơi vào khoảng 200.000 USD. Theo ông Lu, giá này vẫn rẻ hơn so với việc trả tiền cho một tài xế lái xe.

"Nếu bạn lấy 50.000 USD và chia nó cho 1 triệu dặm, tuổi thọ trung bình của một chiếc xe tải, điều đó có nghĩa là bạn đang thêm 5 cent mỗi dặm. Nhưng bạn đang tiết kiệm chi phí thuê tài xế, dựa trên mức lương trung bình của Hoa Kỳ khoảng 80.000 đến 120.000 USD mỗi năm - hoặc 80 cent đến 1,20 USD mỗi dặm. Ngày nay, chi phí nhân công trực tiếp bằng khoảng 50% chi phí vận hành một chiếc xe tải", ông nói.

"Hạm đội" tự động của TuSimple

Thay vào đó, TuSimple đặt mục tiêu tiếp quản các tuyến đường vốn phải lái xe đường dài liên tục giữa các nhà ga và trung tâm phân phối.

"Ví dụ như từ Phoenix đến El Paso sẽ mất sáu giờ lái xe. Một người không thể đi khứ hồi, vì sẽ quá 11 giờ làm việc Nhưng xe tải có thể đi đi lại lại cả ngày, công việc “tầm thường” nhất mà tài xế không muốn phải làm. Điều đó có nghĩa là bạn cho người tài xế thêm thời gian để hoàn thành công việc của chặng đường đầu và chặng đường cuối cùng (nhận và giao hàng). Họ có thể tận dụng thời gian hiệu quả hơn và làm việc nguyên một ngày rồi trở về bên gia đình vào buổi tối.” ông Lu nói.

Không bị phân tâm

Mặc dù ông Lu nói rằng độ tin cậy của cả phần mềm và phần cứng vẫn cần được cải thiện, TuSimple đang lên kế hoạch cho các thử nghiệm hoàn toàn tự động đầu tiên mà không có người lái xe an toàn trong cabin trước cuối năm nay. Kết quả của các cuộc thử nghiệm như vậy sẽ cho biết liệu công ty có thể đạt được mục tiêu ra mắt xe tải của riêng mình vào năm 2024 hay không. Lu nói rằng chỉ riêng ở Mỹ đã có 7.000 chiếc được đặt trước.

TuSimple có các đối thủ cạnh tranh đáng gờm, chẳng hạn như Waymo (“người anh em" của Google) và Aurora do Uber hậu thuẫn, nhưng những công ty này đang phát triển trên nhiều loại phương tiện tự lái hơn, bao gồm cả xe chở khách. TuSimple đang làm việc độc quyền trên xe tải không người lái, như các công ty Hoa Kỳ Plus và Embark.

Grayson Brulte, một chuyên gia về ngành tự động hoá tại công ty tư vấn Brulte & Co., tin rằng TuSimple đang đi đúng hướng. "Lợi thế cạnh tranh lớn nhất mà TuSimple có so với các đối thủ là công nghệ của họ được xây dựng nhắm vào vận tải đường bộ. Họ không cố gắng chuyển một hệ thống tự động được xây dựng cho các phương tiện chở khách trong môi trường đô thị dày đặc sang vận tải đường bộ hay xây dựng một trình điều khiển ảo có thể vừa chở khách vừa lái xe tải hạng 8. Đây là những kỹ năng khác nhau và hệ thống khác nhau hoàn toàn, "ông nói.

Loại bỏ yếu tố con người trên các tuyến đường dài vận tải đường bộ có những lợi ích khác. Công ty cho biết xe tải của họ phản ứng nhanh hơn gấp 15 lần so với một tài xế và có thể nhìn thấy đường xa hơn, ngay cả vào ban đêm.

Ông Lu nói: “Ở Mỹ mỗi năm có khoảng 5.000 trường hợp tử vong liên quan đến xe tải, và hầu hết là do lỗi của con người. Xe tải thì không biết mệt, không xem phim, không xem điện thoại và cũng không bị phân tâm.".

Nguồn CNN


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày