Kiều bào

Người Việt bốn phương (số 688)

Vân Nguyễn Thứ Hai | 20/07/2020 11:15

Dấu ấn EVFTA tạo lợi thế khi Việt Nam đang có hàng vạn doanh nghiệp Việt kiều ở EU.

Mỹ bất ngờ hủy quy định trục xuất sinh viên quốc tế học trực tuyến
Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố bỏ quy định mới về thị thực có thể khiến hàng chục ngàn sinh viên nước ngoài bị trục xuất khỏi Mỹ nếu chỉ học trực tuyến. Theo Reuters, chính quyền Mỹ ngày 14.7 đã đưa ra động thái bất ngờ trên sau khi vấp phải nhiều chỉ trích và áp lực từ các trường đại học, cũng như các doanh nghiệp lớn.

Mỹ trước đó thông báo, các sinh viên nước ngoài nếu chỉ học trực tuyến 100% trong học kỳ tới vì đại dịch COVID-19 có thể sẽ phải rời Mỹ nếu họ không thể chuyển sang một trường khác có hoạt động giảng dạy trực tiếp trên lớp. Theo TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Hà Kim Ngọc, cho biết Đại sứ quán cũng đã đề nghị các cơ quan hữu quan của Mỹ có các biện pháp đáp ứng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của du học sinh Việt Nam đang cư trú, học tập tại Mỹ.

EVFTA tạo cơ hội cho doanh nhân Việt kiều
Một lợi thế của Việt Nam khi EVFTA được thực thi là Việt Nam đang có hàng vạn doanh nghiệp Việt kiều ở EU, tờ Quê Hương dẫn lời ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan. Các doanh nghiệp này có kinh nghiệm kinh doanh, am hiểu thị trường, pháp luật, ngôn ngữ nước sở tại, có thể là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam vào EU.

Theo ông Đình, để hoạt động xuất khẩu từ EU về Việt Nam ổn định và lâu dài, các doanh nghiệp Việt kiều uy tín ở các nước, các trung tâm thương mại Việt Nam tại EU nên sớm thành lập các trung tâm hàng EU xuất khẩu về Việt Nam hay trở thành đại lý cho các doanh nghiệp bản địa. Ở chiều ngược lại, với các doanh nghệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, nên hợp tác cùng doanh nghiệp Việt kiều để xuất hàng sang EU.

Doanh nghiệp Việt kiều có thể giúp tìm hiểu thị trường, marketing sản phẩm, sẽ tiết kiệm được chi phí về nhân lực, cơ sở vật chất và trở thành đại lý phân phối sản phẩm. Với các doanh nghiệp lớn, có tiềm năng tài chính, có vùng nguyên liệu, có thể hợp tác cùng doanh nghiệp Việt kiều đầu tư sản xuất, lắp ráp, đóng gói sản phẩm của mình tại EU.

Với các tỉnh, thành phố có nhiều doanh nghiệp nhỏ, làng nghề, cần sớm nghiên cứu, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hợp tác với các doanh nghiệp Việt kiều thành lập những trung tâm hàng xuất khẩu của địa phương tại EU, giúp doanh nghiệp xuất khẩu và quảng bá cho các tỉnh.


“Free Food Friday” ấm tình người Việt ở Mỹ
The Recess Room, một nhà hàng chuyên các món khai vị và cocktail ở thành phố Fountain Valley, quận Cam, bang California, quyết định thực hiện chiến dịch Free Food Friday (Đồ ăn miễn phí thứ Sáu) kể từ giữa tháng 3.2020, sau khi chính quyền ban lệnh đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu để ngăn chặn COVID-19 lây lan, theo Vnexpress.

“Phản hồi của cộng đồng rất tích cực và chúng tôi chỉ ước giá như mình thực hiện sớm hơn. Tất cả những gì chúng tôi hy vọng là cùng cộng đồng vượt qua thời gian khó khăn này mạnh mẽ hơn trước đây”, anh Việt Phạm, người sáng lập kiêm đồng sở hữu The Recess Room, cho biết.


 Doanh thu của The Recess Room chỉ còn chưa đến 10% so với thông thường, 90% nhân viên đã phải nghỉ việc. “Chúng tôi quyết định phát bữa ăn miễn phí cho người cao tuổi, học sinh, người vô gia cư, người khuyết tật vì có một nhu cầu rất lớn”, anh Việt Phạm chia sẻ.

Theo anh, 1/8 gia đình ở Mỹ đang gặp khó khăn vì thiếu thực phẩm và trong thời gian này, xích lại bên nhau và giúp đỡ người khác là điều rất quan trọng. Mục đích của Free Food Friday là dùng sức mạnh của ẩm thực để tạo ra tác động tích cực với những người cần nhất.

2 học sinh Việt Nam sáng chế mũ bảo hộ chống dịch Covid-19
Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) mới đây đã giới thiệu sáng chế mũ bảo hộ chống dịch của Đỗ Trọng Minh Đức, du học sinh lớp 11 ở Mỹ và Trần Nguyễn Khánh An, học sinh lớp 8 ở Hà Nội. Chiếc mũ được tạo ra với nhiều tính năng, 2 cải tiến mới là gắn Hộp găng tay chuyên dụng (Gloves Box) và Thiết kế mũ kèm mặt nạ (Mask Hat).

Gắn găng tay trên mũ giúp tương tác tốt với các bộ phận trên mặt, gãi mặt, dụi mắt hay thậm chí ăn uống mà vẫn không cần cởi bỏ mũ. Chiếc mũ bảo hộ này giúp phòng ngừa lây nhiễm chéo cho người đeo mà vẫn có thể làm việc bình thường, không phải cách ly tập trung 14 ngày. Chiếc mũ được đặt tên là Vihelm, có nghĩa là “mũ chống dịch của Việt Nam”.  Trong đó, Vi là Việt Nam, còn Helm là Mũ. Ý tưởng này đã được đăng ký bản quyền sáng chế tại Cục Sở hữu Trí tuệ và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ thế giới.

Nhà thiết kế Thái Nguyễn “tự hào là một người gốc Việt”
Một ngôi sao truyền hình thực tế vừa được giới thiệu với công chúng qua chương trình Say I Do của Netflix và đó là nhà thiết kế gốc Việt: Thái Nguyễn. Theo Tạp chí Bustle, tài năng của Thái Nguyễn đã được biết đến qua những thành công anh đạt được nhưng vai trò mới này vẫn tạo nên sự bất ngờ lớn.

Được tiếp xúc nhiều xu hướng thời trang hiện đại nhưng Thái Nguyễn vẫn đam mê phong cách truyền thống của người Việt. “Chiếc áo dài mãi mãi là niềm cảm hứng với tôi”, Thái Nguyễn nói. Thái Nguyễn cũng bỏ qua những lời khuyên về việc chọn một cái tên Tây để dễ tiếp cận khách hàng hơn. Anh tự hào đã xây dựng được thương hiệu riêng - Thai Nguyen Atelier. “Tôi luôn tự hào là một người gốc Việt với giấc mơ lớn và niềm đam mê cho thời trang”, Thái Nguyễn viết trong một bài đăng trên Instagram mới đây
 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày