Kiều bào

Người Việt bốn phương (số 750)

Mỹ Phùng Thứ Sáu | 22/10/2021 08:45

Cho đến nay, hệ thống phân phối hàng Việt Nam ở một số quốc gia châu Âu đã phát triển tương đối vững chắc.

Doanh nhân kiều bào bàn kế hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài

Chiều ngày 13/10/2021, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (TP.HCM) phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài”. 

Việc triển khai mục tiêu kép về phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội cùng sự ra đời của các hiệp định thương mại thế hệ mới đã đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước. 

Bà Nguyễn Thị Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân Quốc tế Việt Âu, cho biết Chi hội được thành lập trước thềm Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực. Hiện đã có hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia kết nối kinh doanh.

Thời gian tới, Chi hội sẽ đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nhằm chuẩn hóa các mặt hàng vào thị trường Tây Âu, sẽ có các chương trình xúc tiến xuất khẩu để doanh nghiệp trong nước tiếp cận nhiều hơn với các đối tác EU.

Cho đến nay, hệ thống phân phối hàng Việt Nam ở một số quốc gia châu Âu đã phát triển tương đối vững chắc, là cơ sở để đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam ở sở tại. Tuy nhiên, hệ thống này chưa được toàn diện, hiệu quả do những hạn chế về nguồn lực của doanh nghiệp trong nước và chất lượng sản phẩm. 

Ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, đề xuất: “Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp kiều bào nên thành lập các cơ sở giúp doanh nghiệp trong nước giám định sản phẩm, tư vấn hoàn thiện chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”.

Bởi đây là 2 vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu trong nước thường mắc phải, nhất là với thị trường có yêu cầu cao như EU. Ngoài ra, 2 năm qua, do đại dịch COVID-19, xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn hàng bị kéo dài thời gian, thậm chí bị hủy bỏ. Cộng đồng doanh nghiệp kiều bào cần phối hợp với trong nước thành lập cơ sở đóng gói tại điểm cuối, mở rộng các trung tâm cung ứng sản phẩm nhằm giảm giá thành sản phẩm cũng như thời gian phân phối hàng hóa.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, mong muốn mạng lưới doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan trong nước tiếp tục hợp tác trong tương lai. Đồng thời, ông kêu gọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước ủng hộ chương trình Thương hiệu quốc gia, để mỗi cá nhân là một đại diện quảng bá thương hiệu Việt Nam tới bạn bè quốc tế. 

“Cục sẵn sàng hỗ trợ, kết nối các thương hiệu Việt Nam với đơn vị nhập khẩu sở tại và cung cấp thông tin, nhận định, đánh giá xu hướng của thị trường để thúc đẩy quá trình đưa các sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài”, ông Phú cho biết.

Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài  Phạm Quang Hiệu tin tưởng với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ, sự chung tay góp sức của các cộng đồng doanh nhân người Việt Nam trong và ngoài nước, Việt Nam sẽ sớm vượt qua khó khăn hiện tại, khẳng định được hình ảnh, thương hiệu và chất lượng Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Dự án trí tuệ nhân tạo có người Việt tham gia chiến thắng công nghệ châu Âu

Nhóm nghiên cứu mà cô gái trẻ người Việt Minh Anh Le tham gia đã chiến thắng trong cuộc thi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) vào lĩnh vực y tế cấp châu Âu với một sản phẩm được đánh giá rất cao.

Dự án AnalysisMode đã chiến thắng cuộc thi EU Data 4 Healthy Recovery Hackathon - cuộc thi lập trình trực tuyến nhằm giải quyết những thách thức cấp bách nhất về sức khỏe do các công ty trong nhiều ngành khác nhau ở châu Âu đặt ra. Sau đó, dự án này tiếp tục chiến thắng tại EU Data 4 Healthy Recovery Accelerator, một chương trình hỗ trợ, tư vấn cho các sáng kiến để đẩy nhanh việc thương mại hóa các giải pháp thông minh về sức khỏe.

AnalysisMode được thành lập vào năm 2017 với 13 thành viên, trong đó có một cô gái trẻ người Việt là Minh Anh Le. Minh Anh Le tốt nghiệp bằng cử nhân kỹ thuật Đại học Khoa học Ứng dụng Đông Nam Phần Lan - XAMK - vào năm 2020, hiện làm việc về lĩnh vực khoa học dữ liệu trong dự án.

Theo ước tính từ những thành viên trong nhóm, các nhà khoa học sử dụng AnalysisMode có thể thực hiện nhiều nghiên cứu hơn gấp 5 lần và tiết kiệm chi phí thực hiện các nghiên cứu sử dụng phương pháp truyền thống.

Trước khi giành giải ở khu vực châu Âu, AnalysisMode từng giành nhiều giải thưởng khác và là một giải pháp được đánh giá cao.

Cuộc thi Giọng ca vàng kết nối cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu

Tối ngày 10/10 theo giờ Cộng hòa Czech, tại Trung tâm thương mại SAPA ở thủ đô Praha đã diễn ra Chung kết cuộc thi Giọng ca vàng toàn châu Âu lần thứ nhất dòng nhạc Bolero. Cuộc thi quy tụ 17 thí sinh được lựa chọn, đại diện cho cộng đồng người Việt tại nhiều nước châu Âu như Cộng hòa Czech, Đức, Hungary, Slovakia, Na Uy...

Đây là một trong những hoạt động văn hóa nghệ thuật quy mô lớn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc do Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Czech tổ chức với sự bảo trợ của Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu và Hội người Việt tại Cộng hòa Czech.

Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt tại châu Âu Hoàng Đình Thắng cho biết đây là sự kiện không chỉ phát hiện, tìm kiếm tài năng văn nghệ mà trên hết có ý nghĩa góp phần tăng cường sự kết nối và tình đoàn kết giữa cộng đồng người Việt trên toàn châu Âu cũng như sự gắn bó của kiều bào với quê hương đất nước. 

Nữ sinh gốc Việt được công nhận anh hùng ở bang Texas

Nữ sinh gốc Việt Ivy Pham vừa được Ban Giáo dục Texas (SBOE), Mỹ công nhận là Anh hùng học sinh năm 2021 ở bang này.

Ivy Pham đã lãnh đạo hội đồng học sinh và câu lạc bộ của Trường Trung học Hirschi với nhiều hoạt động tình nguyện. Ivy còn hỗ trợ dạy học tại một nhà thờ địa phương và tổ chức lớp học trực tuyến cho nhiều học sinh trong lúc đại dịch hoành hành. Ivy là một “lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm và kiến thức”, tình nguyện làm phiên dịch viên cho bệnh nhân gốc Việt tại những bệnh viện và phòng khám địa phương.

“Trong quá trình lớn lên, tôi đã chứng kiến họ hỗ trợ nhiều người. Điều đó thật sự giúp tôi có ý tưởng phục vụ cho cộng đồng của mình”, Ivy chia sẻ.

Lâu nay, Ivy Pham tập trung hỗ trợ người gốc Việt và những người di cư khác. Khi dịch COVID-19 bùng phát, cô bắt đầu tình nguyện làm phiên dịch cho các bệnh nhân gốc Việt và công việc này đã tác động tới quyết định về nghề nghiệp của cô. Ivy hiện là sinh viên năm nhất của Đại học Texas tại Austin và dự định theo đuổi con đường trở thành bác sĩ. “Mục tiêu của tôi trong tương lai là trở lại và phục vụ Wichita Falls với tư cách là một bác sĩ”, cô chia sẻ.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày