Kinh Doanh

“Chất xúc tác” của ngành thép

Nhật Anh Thứ Hai | 22/01/2024 18:21

Nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng có thể hồi phục trong các quý tới. Ảnh: TL.

Trong năm 2024, sản lượng thép xây dựng kỳ vọng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng có thể hồi phục trong các quý tới. Ảnh: TL.

Trong năm 2023, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép đã bước đầu phục hồi, nhiều doanh nghiệp thép đã thoát khỏi tình trạng thua lỗ nặng nề như cuối năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận của cả ngành còn rất khiêm tốn do thị trường đầu ra quan trọng nhất là thị trường bất động sản trong nước còn đang gặp nhiều khó khăn. 

Giá thép HRC hiện tại đã phục hồi khoảng 60% từ mức đáy năm 2023 và cao hơn khoảng 30% so với mức giá bình quân trong năm vừa qua. Tương tự, giá thép thanh cũng đã phục hồi và tăng khoảng 10% so với mức đáy trong năm 2023. Theo World Steel, nhu cầu thép toàn cầu trong năm 2024 có thể tiếp tục phục hồi nhờ kỳ vọng thị trường bất động sản Trung Quốc ấm dần lên trong bối cảnh tồn kho thép đang giảm xuống mức thấp.

Giá thép HRC hiện tại đã phục hồi khoảng 60% từ mức đáy năm 2023 (Agriseco Research).
Giá thép HRC hiện tại đã phục hồi khoảng 60% từ mức đáy năm 2023 (Agriseco Research).

Theo góc nhìn của Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), giải ngân đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong năm 2023 vừa qua, giải ngân đầu tư công tới hết tháng 12 đạt khoảng 580.000 tỉ đồng (tăng 17% so với thực hiện năm 2022). Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công đạt khoảng gần 680.000 tỉ đồng (tăng gần 20% so với thực hiện năm 2023). Nhìn lại giai đoạn 2018-2023, con số giải ngân đầu tư công qua các năm liên tục tăng, thể hiện tầm quan trọng của đầu tư công và sự quan tâm của Chính phủ tới việc phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tổng cầu bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi từ cả trong và ngoài nước. 

 

“Hiện nay, thị trường bất động sản vẫn còn khá trầm lắng tuy nhiên một số phân khúc có nhu cầu thực đã bắt đầu có những tín hiệu ấm dần lên có thể kể đến như phân khúc nhà phố, chung cư. Đây là các phân khúc luôn tồn tại nhu cầu thật trong khi hiện tại nguồn cung mới rất hạn chế. Qua đó thị trường bất động sản có thể phục hồi trước ở phân khúc này và là chất xúc tác cho sự phục hồi của ngành thép”, Agriseco Research nhận định. 

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng trong năm 2024, sản lượng thép xây dựng kỳ vọng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, nhờ thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục trong quý IV/2023 (tại các thành phố cấp I) và các dự án bất động sản sẽ đẩy mạnh mở bán trong năm 2024, đi cùng với quá trình xây dựng và tăng nhu cầu nguyên vật liệu. Cùng với đó, các dự án đầu tư công trọng điểm (hệ thống đường vành đai, hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam,…) đã bàn giao trên 80% diện tích đất và sẽ đẩy mạnh quá trình xây dựng trong giai đoạn 2024-2025.

Đối với đầu tư công, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) lại cho rằng tỉ trọng của thép trong đầu tư công là không nhiều, bởi vậy đóng góp chưa thực sự đáng kể. 

Trong khi với ngành bất động sản, VCBS cho rằng ngành bất động sản nội địa dần phục hồi là bệ đỡ cho nhu cầu ngành thép vào năm 2024. Thị trường bất động sản xây dựng (chiếm 60% nhu cầu thép) đang dần được tháo gỡ khó khăn nhờ những chính sách sửa đổi. Số dự án đang triển khai cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt tại miền Bắc và có sự phục hồi tại khu vực miền Nam. Điều này giúp cho nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng có thể hồi phục trong các quý tới. Điểm tiêu cực đến từ việc số dự án được cấp phép mới ngày càng suy giảm và ở mức rất thấp.

Có thể bạn quan tâm:

Nợ xấu ngân hàng khó bùng nổ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày