Kinh Doanh

Chiến lược mới của Đạm Phú Mỹ

Thứ Hai | 23/06/2014 07:00

Từ quý II/2014, nhà máy Đạm Phú Mỹ phải mua khí tự nhiên với giá cao hơn nhưng giá phân bón được dự báo tiếp tục giảm. Điều này đã khiến cho nhiều nhà đầu tư lo lắng về khả năng Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) sẽ bước vào giai đoạn bão hòa, thậm chí bắt đầu chu kỳ giảm. Liệu điều này có xảy ra và Tổng Công ty có chiến lược gì để phát triển bền vững trong những năm tới? NCĐT đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí xung quanh vấn đề này.

Nhìn lại kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ năm 2013, cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm. Nguyên do vì đâu, thưa bà?

Doanh thu và lợi nhuận năm 2013 giảm so với năm 2012 chủ yếu là do giá phân bón giảm mạnh, trong khi chi phí khí đầu vào lại tăng. Tuy nhiên, tỉ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ cũng như các chỉ số khác của Tổng Công ty vẫn ở mức khá tốt so với các công ty niêm yết.

Thực ra, có 2 yếu tố khiến cho kết quả kinh doanh năm 2013 của Đạm Phú Mỹ không cao hơn năm 2012. Đó là giá urê quý I/2012 trong nước tăng đột biến vì thiếu hụt nguồn cung ngoài dự kiến và lợi nhuận cộng thêm từ việc bao tiêu sản phẩm urê do nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất.

Cụ thể, năm 2012, ngoài những sản phẩm tự sản xuất và nhập khẩu, chúng tôi còn bán ra 386.000 tấn Đạm Cà Mau, góp phần làm tăng doanh thu và lợi nhuận. Đáng chú ý, do sản phẩm của nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Ninh Bình sản xuất không cung ứng đúng thời điểm dự kiến, mà nhập khẩu cũng không đủ bù vào nên thị trường càng thiếu hụt và giá urê trong nước tăng mạnh vào quý I/2012. Đây là thời điểm trùng với vụ Đông - Xuân tiêu thụ nhiều phân bón nhất nên đã giúp Đạm Phú Mỹ có lợi nhuận đột biến trong quý này.

Năm 2013, giá khí đầu vào tăng cộng với việc giá phân giảm mạnh so với năm 2012, nên lợi nhuận giảm so với năm trước là điều khó tránh khỏi.

Đó có phải là tình hình chung của ngành?

Giá phân bón thế giới đã giảm mạnh. Tại Việt Nam, cạnh tranh cũng mạnh hơn do cung lớn hơn cầu. Ngoài ra, phân bón giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang theo đường tiểu ngạch đã khiến cho nhiều công ty gặp khó khăn chứ không riêng gì Đạm Phú Mỹ.

Bà dự báo thế nào về kết quả kinh doanh của năm 2014?

Kết quả kinh doanh năm 2014 sẽ tiếp tục giảm so với năm trước nữa do dự báo giá phân vẫn tiếp tục giảm, trong khi giá khí tăng thêm kể từ đầu quý II/2014. Chúng tôi đã đàm phán xong phụ lục điều chỉnh hợp đồng với Tổng Công ty Khí Việt Nam về quy định công thức tính giá khí và mức phí vận hành, vận chuyển khí đến nhà máy Đạm Phú Mỹ. Theo đó, giá khí mới được tính bằng 46% giá dầu FO Trung bình tháng tại thị trường Singapore theo Tạp chí Platt’s (USD/triệu BTU), cộng với chi phí vận chuyển, vận hành để đưa về đến nhà máy Đạm Phú Mỹ ở Vũng Tàu là 0,63 USD/triệu BTU.
Cả Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ đều là những nhà máy thuộc 2 công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhưng hiện lại là đối thủ cạnh tranh ở phân khúc urê?

Thị trường dư cung mà cùng ngành nghề thì tất yếu phải có sự cạnh tranh. Công ty nào cũng có lợi thế và hạn chế riêng. Tuy nhiên, về cơ bản, 2 loại phân hạt trong và hạt đục từ 2 nhà máy này đều sử dụng nguyên liệu là khí nên luôn đảm bảo chất lượng tốt nhất và có uy tín trên thị trường.

Lúc Đạm Phú Mỹ bao tiêu sản phẩm và làm thị trường cho Đạm Cà Mau, nhiều cổ đông cho rằng Đạm Phú Mỹ đang tự bắn vào chân mình. Tôi nghĩ thị trường dư cung thì doanh nghiệp có thể bị giảm lợi nhuận do cạnh tranh về thị phần, giá cả... nhưng ở góc độ khác thì nông dân sẽ được hưởng lợi nhờ sự cạnh tranh này. Họ có thêm nhiều sự lựa chọn nhờ có sản phẩm đa dạng hơn. Quy luật cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải luôn đổi mới, sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác biệt để bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới. Đạm Phú Mỹ sẽ coi đây là động lực để thúc đẩy việc sáng tạo và làm cho mình tốt hơn.

Đạm Phú Mỹ sẽ giải quyết bài toán dư cung ra sao?

Tổng Công ty đặt ra nhiều kế hoạch và chiến lược nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn để phát triển bền vững trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, chúng tôi sẽ tiết giảm chi phí bằng cách tiết kiệm chi phí trong sản xuất, bán hàng; có chính sách hậu mãi hấp dẫn hơn để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Đồng thời, để giải quyết bài toán về lượng dư thừa và giá giảm, chúng tôi sẽ linh hoạt cân đối tỉ lệ sản lượng NH3 và urê. Việt Nam đang nhập khẩu khoảng trên 100.000 tấn NH3 mỗi năm. Do đó, Đạm Phú Mỹ dự kiến sẽ chuyển đổi giữa 2 sản phẩm, khi thấy bán NH3 có hiệu quả hơn sẽ tăng sản lượng NH3 và giảm urê xuống. Bên cạnh đó, Đạm Phú Mỹ còn tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu.

Giá khí nguyên liệu đầu vào tăng khiến Đạm Phú Mỹ mất dần những lợi thế cạnh tranh sẵn có. Có thể hình dung thế nào về tương lai của Đạm Phú Mỹ?

Trong trung và dài hạn, chúng tôi tiếp tục giữ vững thị phần urê như hiện tại là 40% toàn thị trường, đồng thời phát triển thương hiệu Phú Mỹ mở rộng sang các loại phân bón khác như NPK, DAP và SA. Chúng tôi sẽ nhập khẩu các sản phẩm này, đảm bảo chất lượng và phân phối dưới thương hiệu Phú Mỹ. Mục tiêu đến năm 2017 sẽ cung ứng ra thị trường từ 1,2-1,5 triệu tấn, gồm cả sản xuất và nhập khẩu các loại.

Tuy nhiên, lợi nhuận biên từ phân phối sẽ không cao bằng sản xuất. Do đó, Tổng Công ty tiếp tục phát triển các sản phẩm mới do Đạm Phú Mỹ tự sản xuất. Dự kiến đến năm 2017 sẽ có thêm hợp chất UFC85. Hợp chất này sẽ được cung ứng cho nhà máy Đạm Phú Mỹ và một số nhà máy phân đạm khác. Dự kiến đến năm 2018 sẽ chính thức phân phối NPK chất lượng cao với công suất 250.000 tấn/năm do Công ty sản xuất.

Theo tiến độ triển khai, khi tất cả những cụm dự án mới mà Đạm Phú Mỹ tự đầu tư để sản xuất và kinh doanh chính thức vận hành thì từ năm 2018, doanh thu của Công ty sẽ tăng 50% so với hiện tại.

Các công ty sau giai đoạn tăng trưởng cao thường đến giai đoạn bão hòa, một số chọn chiến lược mới là mua lại các công ty nhỏ cùng ngành để phát triển thêm. Đạm Phú Mỹ thì sao?
Một thực thể kinh doanh không thể đi lên theo đường thẳng đứng mà thường theo hình sin và phải lấy đà để có đợt tăng trưởng mới. Có nhiều cách để phát triển thêm và Đạm Phú Mỹ không loại trừ việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp khác trong quá trình phát triển đa dạng hóa sản phẩm.

Đạm Phú Mỹ niêm yết trên thị trường chứng khoán và được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và nắm giữ. Tỉ lệ nắm giữ hiện tại của khối này như thế nào? Bà có thể chia sẻ về tiến độ giảm sở hữu của nhà nước tại Đạm Phú Mỹ?

Hiện nay các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài đang nắm gần 30% tổng số cổ phần đang lưu hành. Trong đó, cổ đông lớn là Deutsche Bank AG. Chính phủ đang tích cực đẩy mạnh cổ phần hóa và giảm vốn tại các doanh nghiệp. Sau năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ giảm tỉ lệ sở hữu từ 61,38% như hiện tại xuống còn 51%.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày