Kinh Doanh

Cú đầu tư không đúng lúc và chuyện buồn của VLF

Thứ Ba | 02/02/2016 13:00

Năm 2013 và 2014, VLF lỗ lần lượt 19,5 tỉ đồng và 63,6 tỉ đồng, còn khoản lỗ luỹ kế thì đã đã lên đến 158 tỉ đồng.

Trong buổi đại hội cổ ðông đầu năm vừa qua, tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Long (VLF) vẫn không mấy khả quan so với 2 năm trước. Thậm chí, công ty này còn đối mặt với nguy cơ phá sản rất lớn.

Hành trình gian nan

Tiền thân của VLF là Công ty Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long, được hình thành từ sự sáp nhập của Công ty Lương thực Thực phẩm tỉnh Vĩnh Long và Công ty Lương thực thị xã Vĩnh Long. Sau đó, công ty này được bàn giao về Tổng Công ty Lương thực miền Nam và hoạt động đến nay.

Năm 2006, Công ty Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long cổ phần hóa trở thành VLF, với số vốn đăng ký 52 tỉ đồng. Từ ngành nông sản, VLF nhanh chóng mở rộng lĩnh vực kinh doanh và huy động vốn trên sàn chứng khoán, khi niêm yết vào năm 2010.

Có vốn, công ty này đầu tư thêm Xí nghiệp Tam Bình và 2 dây chuyền lau bóng gạo với công suất trên 70.000 tấn/năm vào năm 2011. Thế nhưng, khi bắt đầu lấn sân vào ngành thức ăn chăn nuôi, VLF đã gặp khó khăn.

Năm 2012, VLF mua Nhà máy thức ăn thủy sản Domyfeed với tổng trị giá 100 tỉ đồng. Chỉ một năm sau đó, Công ty bắt đầu thua lỗ triền miên. Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh, VLF phải bán hàng dưới giá vốn, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn. Còn lĩnh vực thức ăn chăn nuôi cũng không có đầu ra và khó cạnh tranh với công ty khác.

Đến nay, VLF đã trải qua 3 năm thua lỗ liên tiếp do hệ lụy từ việc đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản hoạt động không hiệu quả và công nợ tồn đọng chậm thu hồi. Do nguồn vốn hạn chế vì hầu hết các ngân hàng đều ngưng cho vay, Công ty chỉ thực sự hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2014 và hoạt động cầm chừng đến cuối năm 2015.

Gần đây, VLF đã phải gán văn phòng đại diện tại TP.HCM cho HDBank để cấn trừ nợ vay với giá không dưới 22 tỉ đồng. Công ty cũng giải thể các chi nhánh trực thuộc như Xí nghiệp Mỹ Thới, Xí nghiệp An Bình, Xí nghiệp Tân Thạnh, Xí nghiệp Bao bì và bán nhà máy thức ăn thủy sản Domyfeed với giá trước thuế là 56 tỉ đồng.

VLF kỳ vọng việc bán Domyfeed có thể đem lại dòng tiền bổ sung để cải thiện hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, VLF đã bán lỗ nhà máy này hơn 27 tỉ đồng.

Khoản lỗ riêng năm 2015 của VLF ước đạt 75,8 tỉ đồng. Năm 2013 và 2014, Công ty lỗ lần lượt 19,5 tỉ đồng và 63,6 tỉ đồng. Khoản lỗ luỹ kế của VLF đã lên đến 158 tỉ đồng. Công ty này hiện tập trung thu hồi công nợ, bán hàng tồn kho và các tài sản sử dụng không hiệu quả để trả nợ ngân hàng.

Cổ đông bị vạ lây

VLF nếu phá sản sẽ kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến Tổng Công ty Lương thực Thực phẩm miền Nam (Vinafood 2) cùng Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim. Cần làm rõ, chuỗi cửa hàng điện máy Nguyễn Kim được quản lý bởi Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim. Còn mảng kinh doanh lương thực được quản lý bởi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim. Lương thực là một lĩnh vực được ông chủ Nguyễn Kim đầu tư riêng, hoàn toàn tách bạch và không có liên quan đến ngành điện máy.

Ngoài VLF, danh mục các công ty lương thực có vốn của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim còn có Docimexco, Angimex, Du lịch An Giang, Sài Gòn Lương thực, Công ty Cổ phần Hoàn Mỹ...

Rất có thể, nếu VLF tiến hành thủ tục phá sản, cổ đông lớn nhất là Vinafood 2 (chiếm 40% vốn) sẽ mất trắng số tiền đầu tư tại đây. Số tiền 47,8 tỉ đồng mà Vinafood 2 đầu tư vào VLF có nguy cơ không thể thu hồi. Còn Nguyễn Kim cũng có thể mất khoản đầu tư tương đương 23,35% vốn của VLF.

Trong 3 phương án được đưa ra để khắc phục khó khăn là vay nợ, phát hành cổ phiếu và tái cơ cấu, thì phương án tìm đối tác tham gia tái cấu trúc, khôi phục lại hoạt động kinh doanh được ban lãnh đạo VLF lựa chọn. Tuy nhiên, việc gán nợ của VLF vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2016. Nếu tài sản đủ để trả nợ, Công ty sẽ tiến hành thủ tục giải thể. Nếu thiếu, VLF sẽ buộc phải tiến hành thủ tục phá sản và giao tài sản cho tòa án xử lý. Có thể thấy, việc tìm đối tác tham gia tái cấu trúc, khôi phục hoạt động kinh doanh của VLF chủ yếu nhằm giảm bớt thiệt hại cho cổ đông trong tình huống xấu nhất.

Hiện cổ phiếu VLF đang được giao dịch với mức giá thấp 1.400 đồng/cổ phiếu. Với tổng số 11,9 triệu cổ phần, Công ty hiện có giá trị vỏn vẹn 17 tỉ đồng. Thế nên, nếu bán được tài sản để trả nợ, số tiền dư cũng nhỏ và các cổ đông cũng sẽ không nhận được bao nhiêu.

Minh Anh


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày