Kinh Doanh

IPO doanh nghiệp quốc doanh: Bắt đầu hé nụ

Thứ Ba | 02/02/2016 08:00

Với kế hoạch bán 40.000 tỉ đồng vốn tại doanh nghiệp quốc doanh trong năm 2016, hoạt động IPO doanh nghiệp nhà nước được giới đầu tư kỳ vọng sẽ “nở hoa”.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2015 rung lắc mạnh, thị trường Việt Nam vẫn duy trì được sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại. Cụ thể, trong báo cáo Môi trường kinh doanh 2016 được Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính Quốc tế IFC công bố, Việt Nam đã thăng 3 bậc lên vị trí 90 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh.

Mới đây, đại diện Ngân hàng Standard Chartered, ông Edward Lee, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Khu vực ASEAN, khẳng định cùng với Indonesia thì Việt Nam tiếp tục là thị trường hấp dẫn nhất Đông Nam Á trong năm nay. Theo đó, sức hấp dẫn đầu tiên nằm ở việc doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có thể tiết kiệm được 19% chi phí so với bình quân chung của khu vực ASEAN từ nguồn nhân lực giá rẻ tại Việt Nam. Một nguyên nhân quan trọng khác chính là thời cơ được lựa chọn và mua vào cổ phần của những doanh nghiệp nhà nước tốt đang trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa.

Đặc biệt, các doanh nghiệp quốc doanh đang được IPO hiện hoạt động trong nhiều lĩnh vực tiềm năng và cốt lõi của nền kinh tế như điện lực, vận tải, khoáng sản, lắp máy. Giới đầu tư ngoại đánh giá đây là cơ hội “kiếm vàng” tại thị trường chứng khoán Việt khi tất cả các hoạt động đấu giá đã được công khai chào bán và giao dịch tại 2 sàn chứng khoán niêm yết.

Nguồn cung rất dồi dào khi tổng khối lượng cổ phần chào bán của 143 phiên đấu giá chính thức trong năm 2015 tại sàn HNX và HoSE đạt trên 1,5 tỉ cổ phần. Hàng loạt các doanh nghiệp tên tuổi đều chính thức lên “kệ đấu giá” công khai, nhờ đó hoạt động huy động vốn cho Nhà nước thông qua giảm bớt cổ phần chi phối đã có một năm khởi sắc.

Tại sàn HNX, rất nhiều kỷ lục đấu giá đã được xác lập. Phiên đấu giá có khối lượng chào bán cao nhất là phiên IPO của Tổng Công ty Điện lực - Vinacomin thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam với gần 240 triệu cổ phần. Còn kỷ lục về tổng số lượng 652 nhà đầu tư tham gia đấu giá thuộc về phiên IPO của Công ty Cấp nước Hải Phòng. Giá đấu thành công cao nhất lên tới 274.200 đồng/cổ phần tại phiên đấu giá bán bớt phần vốn góp của Nhà nước tại Công ty Du lịch Kim Liên.

Đáng chú ý nhất là phiên chào bán gần 5 triệu cổ phần của Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, bệnh viện đầu tiên thực hiện IPO, đồng thời cũng là đơn vị sự nghiệp công lập lớn đầu tiên của Việt Nam chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế thị trường.  Vì vậy, dễ hiểu khi các nhà đầu tư hồ hởi với tổng khối lượng đặt mua đạt hơn 11,7 triệu cổ phần, tức gấp 2,4 lần so với khối lượng chào bán. Kết quả là 100% số cổ phần được bán hết với giá đấu thành công bình quân đạt 23.597 đồng/cổ phần. Nhà nước đã thu về  tổng giá trị cổ phần đạt gần 117 tỉ đồng, cao hơn rất nhiều mức giá khởi điểm 67 tỉ đồng.

IPO doanh nghiep quoc doanh: Bat dau he nu
Kết quả hoạt động đấu giá tại HNX trong năm 2015

Hoạt động đấu giá tại HNX rõ ràng đã thành công trong việc gây tiếng vang với giới đầu tư trong ngoài nước và huy động về gần 6.000 tỉ đồng cho ngân sách quốc gia trong bối cảnh GDP toàn cầu chỉ tăng 3,1% năm 2015, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo và đang nằm ở chuỗi giảm sâu nhất trong vòng 5 năm qua.

Đối với sàn HoSE, quá trình IPO doanh nghiệp nhà nước cũng bắt đầu “hé nụ” với tổng số các phiên đấu giá thành công đã tăng 11% so với năm 2014. Việc thu về hơn 4.452 tỉ đồng năm qua có phần góp sức của các cải cách khung pháp lý sâu, rộng và hiệu quả.

Năm 2015, nhiều văn bản pháp lý quan trọng đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ như Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch, đấu giá cổ phần theo lô…. Nhờ đó đã tháo gỡ nhiều khúc mắc, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tiến hành bán đấu giá cổ phần, đăng ký trở thành công ty đại chúng và đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung.

Con số gần 10.400 tỉ đồng mà ngân sách quốc gia cả năm 2015 có thêm được từ hoạt động đấu giá doanh nghiệp quốc doanh một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của việc đổi mới chính sách, hành lang pháp lý. Hiện thị trường đang kỳ vọng vào quá trình “biến hình” của một loạt “người khổng lồ” sẽ hiệu quả hơn như Tổng Công ty Khoáng sản - Vinacomin, Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - Vinacomin, Tổng Công ty Rau quả Nông sản, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng Công ty Chè Việt Nam, Công ty Dược Hà Tĩnh, Công ty Dược Vật tư y tế Thanh Hóa, Công ty Liên hiệp Thực phẩm và Công ty Du lịch Kim Liên.

Với một số phiên đấu giá lớn dự kiến của Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng Công ty Bến Thành, cùng với kế hoạch Chính phủ sẽ bán 40.000 tỉ đồng vốn tại doanh nghiệp quốc doanh, thì năm 2016 hoạt động IPO doanh nghiệp nhà nước được giới đầu tư kỳ vọng sẽ “nở hoa”.

Minh Nguyệt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày