Kinh Doanh

Khả năng cao ngành du lịch sẽ đạt và thậm chí vượt mục tiêu

Việt Hà Thứ Ba | 15/08/2023 11:28

Tháng 6, tháng 7 vừa qua là những tháng cao điểm của mùa du lịch hè nên doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng cao so với các tháng trước. Ảnh: KD.

Tổng thu dự kiến 650.000 tỉ đồng, trực tiếp đóng góp khoảng 6,4% GDP cả năm.
Tháng 6, tháng 7 vừa qua là những tháng cao điểm của mùa du lịch hè nên doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng cao so với các tháng trước. Ảnh: KD.

Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Tháng 6, tháng 7 vừa qua là những tháng cao điểm của mùa du lịch hè nên doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng cao so với các tháng trước. 

 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ riêng trong tháng 7/2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành cả nước ước đạt 60.000 tỉ đồng, tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 395.800 tỉ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16,3% và du lịch lữ hành tăng 53,6%.

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu hoạt động dịch vụ, du lịch tăng cao do số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế liên tục tăng trong mùa cao điểm. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần. Như vậy, chỉ sau 7 tháng, ngành du lịch Việt Nam đã đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế, nhiều khả năng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu và còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm.

Ở góc nhìn phân tích, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá khả năng cao trong năm nay, ngành du lịch sẽ đạt và thậm chí vượt mục tiêu 110 triệu lượt khách du lịch, với tổng thu dự kiến 650.000 tỉ đồng, trực tiếp đóng góp khoảng 6,4% GDP cả năm. 

 

Bên cạnh đó, KBSV cho rằng tuy cầu nội địa còn yếu và tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa đang giảm tương đối nhanh, các chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (như giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, tăng lương cơ bản lên 20,8%, hạ lãi suất điều hành, đẩy mạnh đầu tư công…) sẽ thẩm thấu và phát huy tác dụng vào thời điểm quý IV/2023. Nhờ đó, lĩnh vực bán lẻ được kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực trong thời gian tới và bứt phá mạnh mẽ ở những tháng cuối năm, trở thành một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Có thể bạn quan tâm 

Tăng trưởng GDP quý III có thể đạt 5,5% - 6%


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày