Kinh Doanh

Khúc cua công nghệ của taxi truyền thống

Diễm Trang Thứ Sáu | 14/08/2020 08:00

Ảnh: Quý Hòa.

Tiếp tục lỗ đậm, các hãng taxi truyền thống buộc phải dùng công nghệ để đối đầu trực tiếp với taxi công nghệ.
Ảnh: Quý Hòa.

Hai thương hiệu taxi đầu ngành là Mai Linh và Vinasun vẫn đang gánh lỗ nặng nề. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Mai Linh đạt 4.830 tỉ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2018, do tiếp tục tái cơ cấu tài chính, giảm nợ dài hạn. Tổng nợ phải trả đến cuối năm 2019 của Mai Linh là 4.490 tỉ đồng.

Tương tự, do nguồn vốn khó khăn vì cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ, dịch bệnh giáng thêm một đòn mạnh khiến Vinasun chịu lỗ nặng nhất từ trước đến nay. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Vinasun đạt 521 tỉ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận sau thuế lỗ 128 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 61 tỉ đồng. Đối với kế hoạch cả năm 2020, doanh thu của Vinasun dự kiến đạt 1.180 tỉ đồng, giảm 41% so với năm trước; số lỗ dự kiến là 115 tỉ đồng, trong khi năm trước lãi 109 tỉ đồng.

Taxi truyền thống buộc phải chuyển đổi công nghệ để tồn tại. Ảnh: Quý Hòa.
Taxi truyền thống buộc phải chuyển đổi công nghệ để tồn tại. Ảnh: Quý Hòa.

Đối đầu trực diện

Không còn cách gây sức ép với Grab bằng kiện cáo, để đối đầu với các đối thủ công nghệ, Vinasun đầu tư khá mạnh cho chuyển đổi công nghệ như  thanh toán online trên Vinasun App; đặt mục tiêu tăng số lượng đặt App bình quân lên 25.000 lượt/ngày... Tương tự, tại Hà Nội, Liên minh taxi Việt gồm 17 hãng taxi truyền thống đã bắt tay hợp tác, với ứng dụng gọi xe EMDDI...

 

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, từng tiết lộ chi phí làm ứng dụng gọi xe của các hãng rất đa dạng, từ vài trăm triệu đồng, đến hàng tỉ đồng.

Trong khi đó, đại diện của be cho rằng, để tham gia vào cuộc chơi gọi xe công nghệ, doanh nghiệp phải xác định tốn vài ngàn tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam từng rầm rộ đầu tư vào ứng dụng gọi xe công nghệ như Aber, VATO, Mai Linh Bike, MLV, Go-ixe, Xelo... nhằm cạnh tranh với Grab. Tuy nhiên, sau 1 năm hoạt động, các ứng dụng này mất hút trong bản đồ gọi xe công nghệ.

Trong khi đó, Grab đang chứng minh vị trí thống lĩnh trên thị trường khi đã có mặt ở 43 tỉnh, thành với 3 dịch vụ chở khách gồm GrabBike, GrabCar và GrabTaxi sau 5 năm hiện diện tại Việt Nam. Điều này cho thấy miếng bánh thị trường gọi xe công nghệ không dễ dàng nếu doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính cho cuộc đua này. 

Theo chuyên gia của ABI, thị trường gọi xe trực tuyến phụ thuộc vào các khoản thưởng, hoa hồng cho tài xế, nhưng những cách này lại khó thực hiện lâu dài. Mặc dù vậy, cuộc đua giành thị phần trước mắt vẫn dựa chủ yếu vào việc "đốt tiền" khuyến mãi, hỗ trợ tài xế. Bên cạnh đó, ở tầm nhìn dài hơi, với các công ty gọi xe, đích đến cuối cùng không chỉ là chia sẻ xe mà sẽ lấn sân sang các lĩnh vực khác để trở thành siêu ứng dụng - một ứng dụng dùng được nhiều dịch vụ khác nhau.

Mặc dù vậy, Mai Linh vẫn quyết tâm chuyển đổi từ taxi truyền thống sang taxi công nghệ, với mục tiêu sau năm 2021 sẽ có 20.000 xe taxi công nghệ. Đại diện Mai Linh chia sẻ, hiện tại Tập đoàn đã nhận được số lượng đơn đăng ký rất lớn tham gia dịch vụ taxi công nghệ. Đây được xem là một trong những chiến lược quan trọng của Mai Linh nhằm cạnh tranh với các ứng dụng gọi xe công nghệ đang phát triển nhanh trên thị trường như Grab hay be. Thay vì tiêu tốn chi phí lớn để đầu tư đội xe hằng năm, hãng taxi này có thể thu hút các tài xế cá nhân tham gia hợp tác tương tự các hãng gọi xe công nghệ.

Liên minh cạnh tranh 

Đặc biệt, sau khi dừng thí điểm theo Quyết định 24, xe công nghệ sẽ không còn bị hạn chế phạm vi hoạt động tại 5 tỉnh, thành mà sẽ tăng độ phủ sóng trên cả nước. Đây được đánh giá là cơ hội vàng để các hãng xe công nghệ có thể mở rộng thị trường, khi hành lang pháp lý đã có.

Mới đây, Vinataxi, công ty taxi lâu đời nhất Việt Nam, quyết định chọn một hướng đi khác. Thay vì đầu tư chi phí để phát triển ứng dụng gọi xe riêng, họ bắt tay với be, một ứng dụng gọi xe thuần Việt. Một bên là doanh nghiệp vận tải có 26 năm kinh nghiệm vận hành hoạt động xe 4 bánh, một bên là doanh nghiệp startup mới lăn bánh 18 tháng. Cái bắt tay này giúp Vinataxi nhanh chóng nhảy vào sân chơi gọi xe công nghệ mà không phải đầu tư quá nhiều, lại có thêm cơ hội học hỏi mô hình của công ty công nghệ, đội ngũ tài xế được đào tạo về ứng dụng gọi xe và doanh số tăng lên nhanh chóng.

“Với beTaxi, tài xế sẽ nhận thêm nhiều cuốc xe và cải thiện chất lượng dịch vụ của mình. Đặc biệt trong tình hình khó khăn như hiện tại, điều quan trọng nhất là chúng ta phải cung cấp được dịch vụ tốt, qua đó thu hút thêm nhiều khách hàng”, ông Lim Chai Hwee, Tổng Giám đốc Vinataxi, nhận định. Sự hợp tác của be Group cùng Vinataxi đã cho thấy một lối đi mới để giải cứu taxi truyền thống. Với việc ra mắt beTaxi, be Group sẽ được tăng cường năng lực vận tải, đáp ứng yêu cầu gọi xe ngày càng tăng tại khu vực TP.HCM. Về phía khách hàng, beTaxi sẽ là một lựa chọn đáng giá, giúp giảm bớt áp lực khi di chuyển vào giờ cao điểm, vốn thường xuyên gặp tình trạng khó đặt xe qua các ứng dụng.

 

Cũng phải nói thêm, để tạo liên minh,  be cũng đã bắt tay với một fintech nội địa là Ví MoMo làm phương thức thanh toán. Như vậy, không chỉ dừng lại ở tính năng gọi xe, ứng dụng be đang trên đường phát triển thành một nền tảng công nghệ mở, nơi có thể dễ dàng liên kết với các đối tác, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải truyền thống, để vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ ngoại. Bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO be Group, không giấu tham vọng: “Chúng tôi đồng hành cùng các đơn vị taxi truyền thống nói riêng và các đơn vị vận tải trong nước nói chung để tận dụng thế mạnh của nhau và cùng hỗ trợ nhau phát triển”. Sẽ liên kết giữa các công ty Việt Nam để tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp trong nước vững mạnh có thể tận dụng thế mạnh, chất xám của người Việt.

Mô hình liên kết be Group và Vinataxi còn cần thời gian để trả lời. Nhưng đây là một hướng đi cho bất kỳ doanh nghiệp vận tải nào muốn tồn tại và cạnh tranh trong bối cảnh mới.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày