Kinh Doanh

Ngành gỗ "đóng băng", tăng trưởng có thể về 0%

Thanh Hương Thứ Tư | 29/04/2020 16:05

Trưng bày sản phẩm gỗ xuất khẩu. Ảnh: Qúy Hòa

Dịch COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều thị trường, khiến cho ngành gỗ lao đao với khoảng 80% các đơn hàng bị tạm dừng trong tháng 4.2020.
Trưng bày sản phẩm gỗ xuất khẩu. Ảnh: Qúy Hòa

100% doanh nghiệp bị ảnh hưởng 

Tại các thị trường lớn kim ngạch xuất khẩu ngành này gần như đóng băng. Theo dự báo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), tăng trưởng xuất khẩu của ngành năm 2020 có thể bằng 0%, thậm chí là tăng trưởng âm.

Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến “Phục hồi - Tăng tốc - Bứt phá - Phát triển - Bền vững ngành gỗ giai đoạn hậu đại dịch” do Tổ chức Forest Trends, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và các Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định… phối hợp tổ chức.

Kết quả khảo sát với 124 doanh nghiệp trong ngành vào cuối tháng 3.2020 vừa qua, cho thấy, 100% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, 75% số doanh nghiệp cho biết, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỉ đồng.

Hơn một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát, cho biết đã phải thu hẹp quy mô sản xuất. Khoảng 35% doanh nghiệp dù đang hoạt động bình thường nhưng sẽ phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới; 7% số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và chỉ có 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

Hiện dịch đang bùng phát mạnh tại hầu hết các thị nhập khẩu đồ gỗ quan trọng của Việt Nam như: Mĩỹ chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam và châu Âu (EU) chiếm 10%. Dịch đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại Nhật, thị trường tiêu thụ khoảng 13% các mặt hàng gỗ xuất khẩu.

Mặc dù dịch có dấu hiệu được kiểm soát tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam với 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm, để thị trường này khôi phục lại sức mua và các chuỗi cung như trước khi dịch xảy ra sẽ mất rất nhiều thời gian và chưa biết đến bao giờ sức mua sẽ trở lại được như lúc trước Đại dịch.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (đồ gỗ) được coi là một trong những nghành công nghiệp mũi nhọn, với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 dự kiến đạt 12 tỉ USD. Tuy nhiên, có nhiều tính hiệu rõ ràng cho thấy Đại dịch sẽ làm sụp đổ kỳ vọng này. Trừ Trung Quốc, nơi dịch có vẻ đã được kiểm soát, dịch bùng phát mạnh tại tất cả các thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam.

100% doanh nghiệp ngành gỗ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
100% doanh nghiệp ngành gỗ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: HAWA cung cấp.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Dương, cho biết: “Đến giờ này thì toàn bộ thị trường lớn hầu như đã đóng băng… Mỹ và EU thì đóng băng hoàn toàn. Nhật và Hàn Quốc thì còn lác đác. Trung Quốc bắt đầu mở lại nhưng chắc chắn còn lâu mới quay trở lại được bình thường… Thị trường toàn cầu gần như mất hết”. Trước khi dịch xảy ra, Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ các thị trường này chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

60-80% người mua hàng yêu cầu giao hàng chậm hoặc hủy đơn hàng

Theo báo cáo nội bộ trong các Hiệp hội Gỗ ngày 30.3, vừa qua của VIFOREST dựa trên thông tin chia sẻ từ một số doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ đi Mĩ và EU cho biết khoảng 80% người mua từ các thị trường này hiện đã dừng hoặc đang hủy đơn hàng.

Theo ông Vũ Hải Bằng, Tổng giám đốc Công ty Woodsland, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam, với khoảng 3.000 lao động và doanh thu năm 2019 đạt 60 triệu USD từ các thị trường lớn như Mỹ và EU, cho biết hiện các thị trường nhập khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam đã đóng cửa hết hệ thống cửa hàng tiêu thụ tại các quốc gia này.

Người mua hàng từ Woodsland ngay lập tức thông báo đến các nhà sản xuất, trong đó có Woodsland là ngừng đơn hàng. Mọi việc diễn ra quá nhanh, chỉ trong vòng 2 tuần. Theo ông Bằng “dự kiến 6-7 tuần nữa mới có thêm thông tin các cửa hàng bên kia có nhận hàng cũng mình nữa hay không”.

Hủy bỏ hoặc dừng đơn hàng cũng thấy ở các thị trường xuất khẩu như Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo báo cáo nội bộ của VIFOREST với thông tin thu thập từ một số doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ vào 2 thị trường này cho biết khoảng 60-80% người mua hàng yêu cầu giao hàng chậm hoặc hủy đơn hàng.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ - doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu gỗ dán sang Hàn Quốc và Nhật Bản (và xuất khẩu dao dĩa gỗ sang EU) cho biết hiện tại các khách hàng đình trệ hết các đơn hàng. Theo ông Kiên, trước dịch, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu 50 container hàng, hiện lượng xuất khẩu chỉ còn 5 container mỗi tháng, tương đương 10% trước khi dịch xảy ra. Hiện công ty cũng chưa nhận được đơn hàng từ tháng 5 trở đi.

Xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu dăm nhiều nhất từ Việt Nam, với 60% lượng dăm của Việt Nam hàng năm được xuất khẩu vào thị trường này. Theo ông Thang Văn Thông, phó Tổng giám đốc của Công ty Hào Hưng, công ty xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất cả nước, dịch bệnh làm giảm lượng xuất khẩu dăm sang Trung Quốc giảm 35%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc cũng đang yêu cầu các doanh nghiệp dăm của Việt Nam giảm giá.

Thị trường xuất khẩu đóng băng, các đơn hàng bị hủy hoặc chậm làm tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu phải thu hẹp quy mô sản xuất.

Thông tin từ Công ty TNHH Juma Phú Thọ, 1 trong những công ty sản xuất và xuất khẩu gỗ dán lớn nhất tại Việt Nam, với lượng xuất khẩu sang Mỹ chiếm 30% trong tổng lượng gỗ dán xuất khẩu của cả Việt Nam vào Mỹ cho biết trước dịch lượng xuất được khoảng 450 container mỗi tháng. Tuy nhiên, hiện co hẹp lại chỉ còn khoảng 200 container. Công ty cho biết lịch sản xuất phải điều chỉnh từng ngày, bởi do lo sợ về dịch sẽ làm cản trở lưu thông hàng hóa, không thanh toán được tiền hàng.

Các chuyên gia cho rằng, để vượt qua khó khăn, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp cũng phải nhanh chóng thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Ngành gỗ Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, hình thành và đẩy mạnh các liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, xây dựng chuỗi cung trong nước và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ…

Tác động của COVID-19 cho thấy các chuỗi cung xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam hiện nay chưa tốt, phụ thuộc một phần nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.

Những cơ hội để giảm sự phụ thuộc này chính là các hiệp định thương mại được Việt Nam ký kết trong những năm qua như: CPTPP/EVFTA/VKFTA/AEC… Từ đó, ngành gỗ có thể đón nhận các chuyển dịch sản xuất, đơn hàng, đầu tư, tái cấu trúc chuỗi cung ứng từ các quốc gia châu Âu và Mỹ, Nhật... giảm đi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Sự chuyển dịch này có thể tạo những bứt phá trong phát triển ngành trong tương lai.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày