Kinh Doanh

Nợ xấu Việt Nam "đắt khách"

Thứ Bảy | 12/10/2013 14:49

Rõ ràng việc xuất hiện của những tổ chức tài chính chuyên nghiệp muốn mua lại nợ xấu của Việt Nam mang lại hi vọng xử lý nhanh "cục máu đông".
Giải quyết nợ xấu, phá băng tín dụng là trọng tâm quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng (NH) từ nay đến hết năm 2015. Cũng có nhiều thông tin đáng mừng chỉ ra: Nợ xấu Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.

Chuyên gia kinh tế trưởng của NH Phát triển Châu Á tại Việt Nam, ông Dominic Mellor cũng cho rằng: Những giải pháp tái cơ cấu NH mà NHNN triển khai thời gian qua là đúng hướng. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh đối với nền kinh tế Việt Nam và cần quyết tâm chính trị cao để giải quyết. Giải quyết nợ xấu cũng phải được thực hiện rốt ráo, khẩn trương.

Và điều đáng mừng, kể từ ngày Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời, rất nhiều tổ chức tài chính lớn tỏ ý quan tâm tới nợ xấu Việt Nam.

TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khẳng định: Nợ xấu Việt Nam được nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đặc biệt quan tâm. Các NĐT nước ngoài chờ ở cửa, "xếp hàng" để mua nợ xấu của Việt Nam, nhiều hơn cả mong đợi. Trong đó, có cả những NĐT lớn.

Trước đó, ông John Sheehan - cựu Giám đốc NH Mỹ Lehman Brothers cũng cho biết: Trong tay ông đang có danh sách nhiều NĐT ngoại muốn tham gia quá trình xử lý nợ xấu ở Việt Nam.

Tổ chức Tài chính Quốc tế - công ty đầu tư tư nhân của Ngân hàng Thế giới, bày tỏ mong muốn tham gia trực tiếp vào quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam. Cụ thể, tổ chức này muốn được tài trợ vốn, mua nợ xấu và đóng vai trò là cầu nối giúp NĐT ngoại tham gia quá trình xử lý nợ xấu. Ngoài Tổ chức Tài chính Quốc tế, các tổ chức tài chính khác như TPG Growth LLC, Standard Chartered cũng muốn mua nợ xấu của Việt Nam.

Rõ ràng việc xuất hiện của những tổ chức tài chính chuyên nghiệp muốn mua lại nợ xấu của Việt Nam mang lại hi vọng xử lý nhanh "cục máu đông".

Ông Đỗ Hùng - Phó Chủ tịch thường trực VAMC cũng cho biết: Đã có khách hàng nước ngoài cũng đặt vấn đề với VAMC là mua lại tài sản mà VAMC mua của các tổ chức tín dụng (TCTD). Song ông Hùng cho rằng: Vẫn phải thận trọng, mục đích cuối cùng là quyền lợi của các TCTD, của doanh nghiệp (DN), vì vậy, không phải thông qua VAMC mà bán lại tài sản của DN, TCTD với một giá rẻ cho các tổ chức quốc tế.

Để việc triển khai tái cấu trúc thời gian tới thành công, TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất các giải pháp:

Thứ nhất, cần tạo sự đồng thuận hơn nữa, nhất là sự đồng thuận cấp cao của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Chính phủ phải có thái độ rõ ràng về trách nhiệm của mình đối với nợ xây dựng cơ bản. Đồng thuận giữa VAMC, NH thương mại và DN. Bên cạnh đó là sự đồng thuận của xã hội và công luận.

Thứ hai, về xử lý nợ xấu, cần giải tỏa những lo ngại của NH và DN khi bán nợ cho VAMC. Đồng thời, phải có thêm nguồn lực tài chính ngoài trái phiếu đặc biệt để xử lý nợ xấu, có cơ chế cụ thể hơn về bảo lãnh tín dụng áp dụng cho VAMC với thủ tục đơn giản, hiệu quả để tái cơ cấu DN. Cải cách thủ tục hành chính, có chính sách khuyến khích thị trường mua bán nợ phát triển.

Mới đây, trong báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổng nợ xấu của toàn hệ thống NH là 138.980 tỷ đồng, chỉ chiếm 4,58% trong tổng dư nợ. Nguyên tắc xử lý nợ xấu của NHNN được xác định là huy động mọi nguồn lực trong xã hội và hạn chế sử dụng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu. Theo đó, 5 nhóm giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai cần triển khai từ nay đến năm 2015 được xác định gồm: Nhóm giải pháp đối với TCTD, nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và giải pháp mua nợ VAMC với sự tham gia rộng rãi của hệ thống các TCTD, khách hàng vay vốn và các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương.

NHNN đặt mục tiêu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay, đồng thời, kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng để góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD đến năm 2020.

Nguồn Đại đoàn kết


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày