Kinh Doanh

Quỹ cổ phần tư nhân: Vào 7, ra 3

Thứ Năm | 12/05/2016 08:30

54% nhà đầu tư được khảo sát kỳ vọng sẽ hoàn thành 2-3 thương vụ trong 12 tháng tới.

Bất chấp nhiều thách thức khi kinh tế thế giới vẫn đang tăng trưởng chậm cùng lãi suất tại Mỹ dần hấp dẫn hơn, dòng vốn đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết (private equity - PE) tại khu vực Đông Nam Á vẫn đạt đến giá trị 5,5 tỉ USD trong năm 2015, theo báo cáo của hãng tư vấn tài chính EY. Dẫn dầu thị trường PE trong khu vực là Singapore, tiếp đến là Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam.

Riêng với Việt Nam, dòng vốn PE (tập trung chủ yếu ở các thương vụ có quy mô cỡ vừa) được ghi nhận ở mức khoảng 304 triệu USD cho năm 2015. Nhưng con số thực tế có thể cao hơn nữa bởi những thương vụ nhỏ đã thực hiện nhưng không công bố thông tin. Các lĩnh vực nóng tại Việt Nam được đầu tư nhiều là viễn thông công nghệ, xe hơi, bán lẻ, ngành hàng tiêu dùng cùng một số lĩnh vực công nghiệp khác.

Trong năm nay, theo dự đoán của EY, dòng vốn PE đổ vào khu vực Đông Nam Á kỳ vọng sẽ nóng bỏng bởi nhiều quỹ đã trang bị vốn “đi săn” khá lớn. Năm 2015, đã có 24 quỹ hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn, tăng gấp đôi so với năm trước. Nếu xét về giá trị, số tiền mà các quỹ huy động mới lên tới hơn 16 tỉ USD, tăng 45% so với năm trước đó.

Tại Việt Nam, Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital đã huy động được hơn một nửa con số kỳ vọng là 150 triệu USD cho thành viên thứ 3 là Quỹ MEF III. Trong năm nay, quỹ này dự kiến sẽ giải ngân 1-2 khoản đầu tư từ MEF III vào lĩnh vực tiêu dùng như bán lẻ, nhà hàng và dịch vụ khách hàng nơi mà Mekong Capital nhận định vẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Ngoài tiêu dùng, theo phân tích của giới chuyên gia tài chính, lĩnh vực hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á hiện nay còn là công nghệ, trong khi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng đang chứng kiến mức độ quan tâm tăng lên từ các quỹ PE nhờ tốc độ tăng trưởng lên đến 2 con số trong các năm qua.

“MEF III hiện có một danh sách với nhiều công ty khá tiềm năng để thẩm định đầu tư. Chúng tôi sẽ công bố một số khoản đầu tư mới sớm nhất khi có thể”, ông Chris Freund, Tổng Giám đốc Mekong Capital, khẳng định với NCĐT. Các thương vụ thực tế trong quý I cũng phải ánh xu thế này. Mới đây, quỹ đầu tư tư nhân của Ngân hàng Standard Chartered cùng với Goldman Sachs đã đầu tư 28 triệu USD vào Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) với dịch vụ chuyển tiền MoMo. Số tiền này MoMo dự kiến sẽ dùng để tăng tốc độ phát triển thông qua việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới, tăng cường kết nối với ngân hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như mở rộng việc phát triển hệ thống điểm chấp nhận thanh toán MoMo tại các đơn vị bán lẻ dịch vụ trên toàn quốc.

Sau thương vụ đầu tư 45 triệu USD vào Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) cùng với Daiwa PI Partners đầu tư vào Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy), mới đây, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) của VinaCapital đã chọn y tế là lĩnh vực đầu tư mới với thương vụ rót 10 triệu USD vào bệnh viện tư nhân Thái Hòa (Đồng Tháp). VOF còn đang hoàn tất một thương vụ lớn với một công ty vật liệu xây dựng mà giá trị có thể lên đến hàng chục triệu USD. Những thương vụ kể trên hứa hẹn 2016 sẽ là một năm đầy triển vọng cho thị trường đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết tại Việt Nam.

Theo khảo sát của EY, có tới 60% những nhà đầu tư được hỏi nói rằng họ đang tham gia thẩm định 4 hay nhiều hơn các thương vụ M&A; 54% kỳ vọng sẽ hoàn thành 2-3 thương vụ trong vòng 12 tháng tới. “Chúng tôi nhận thấy Indonesia và Việt Nam là 2 địa điểm đầu tư hứa hẹn trong năm nay”, ông Jean Christophe Marti, Giám đốc của Quỹ Navis Capital Partners, nhận định.

Đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân, dòng vốn PE thật sự mang đến cơ hội để bù đắp lại rủi ro từ việc lãi suất đi vay ngân hàng đang tăng trở lại. Sự có mặt của quỹ đầu tư chuyên nghiệp vào hội đồng quản trị cũng có thể giúp hoạch định các chiến lược phát triển mới, cũng như kết nối các chuyên gia giàu kinh nghiệm thế giới để hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa cải thiện năng lực kinh doanh sản xuất.

Dĩ nhiên cũng có những rủi ro nhất định có thể làm chậm lại dòng vốn đầu tư của các quỹ. Đó là viễn cảnh các  đồng tiền trong khu vực tiếp tục giảm giá trị trong các năm tới khi đồng USD ngày càng mạnh dần lên. Việc tăng trưởng chậm lại của một số quốc gia trong khu vực cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định giải ngân của các quỹ, bất chấp một số quỹ có khung thời gian đầu tư khá dài, khoảng 5-6 năm và những khó khăn hiện tại được xem chỉ là tạm thời.

Về phương diện thoái vốn, trong năm qua, EY ghi nhận có một thương vụ thoái vốn của một quỹ PE tại Việt Nam. Tuy không công bố danh tính nhưng nhiều khả năng đó chính là thương vụ bán lại cổ phần của Quỹ KKR tại Masan Consumer. Số lượng các thương vụ thoái vốn của các quỹ PE tại Việt Nam nhìn chung khá hạn chế trong khoảng 2 năm qua, chỉ xảy ra 1 hay 2 thương vụ mỗi năm. Trong năm nay, số lượng thoái vốn của các quỹ có thể nhiều hơn bởi thời điểm đóng quỹ đang tới, cũng như một số doanh nghiệp đầu tư đã đạt mức tăng trưởng khá tốt, mang lại giá trị gia tăng đáng kể cho các quỹ.

Điển hình như ở Mekong Capital, Quỹ Vietnam Azalea Fund (VAF) mới đây đã hoàn tất thoái vốn khỏi Tập đoàn FPT. “Tỉ lệ hoàn vốn tại thời điểm thoái vốn đạt 1,8 lần khi tính theo USD. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi một vài công ty trong năm 2016 nhưng hiện cũng chưa thể công bố rộng rãi”, ông Chris Freund chia sẻ với NCĐT.

Sơn Nguyễn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày