Kinh Doanh

Saigon Co.op giảm vốn gần 3.600 tỉ đồng sau thanh tra

Minh Anh Thứ Hai | 03/08/2020 16:30

Saigon Co.op Cống Quỳnh. Ảnh: Quý Hòa

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa ra quyết định hủy bỏ 4 nội dung đăng ký thay đổi lần thứ 34 của Saigon Co.op.
Saigon Co.op Cống Quỳnh. Ảnh: Quý Hòa

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp này khai báo thông tin chưa chính xác. Cùng với việc giảm vốn điều lệ, phòng đăng ký kinh doanh của Sở cũng khôi phục giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 33 của doanh nghiệp này và không thừa nhận số vốn góp 3.597 tỉ đồng của các hợp tác xã thành viên hồi đầu tháng 1.2020.

Xác nhận thông tin trên, lãnh đạo Saigon Co.op cho biết, có nhận được thông báo từ Sở. Số vốn góp trên được đăng ký trước đó nhưng doanh nghiệp hiện vẫn chưa đưa vào sử dụng nên không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

"Hệ thống kinh doanh hiện vẫn hoạt động tốt và chúng tôi đang chung sức để chống dịch COVID-19. Đồng thời, luôn đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật", lãnh đạo Saigon Co.op nói.

Ảnh:
Thanh tra TP.HCM đánh giá lợi nhuận sau thuế của Saigon Co.op được duy trì ổn định qua các năm, dao động 800-1.500 tỉ đồng. Ảnh: Quý Hòa.

Thời gian vừa qua, Thanh tra TP.HCM đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật tại Saigon Co.op theo quyết định thanh tra triển khai từ ngày 3.4.2020. Đến sáng 27.7, Thanh tra TP.HCM đã tổ chức công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).

Theo đó, Thanh tra TP.HCM đánh giá lợi nhuận sau thuế của Saigon Co.op được duy trì ổn định qua các năm, dao động 800-1.500 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, theo quy định, thu nhập của Saigon Co.op được phân phối theo thứ tự trích lập các quỹ và chia lại cho các hợp tác xã thành viên. Tỉ lệ phân phối do đại hội thành viên quyết định. Tính đến cuối năm ngoái, nguồn vốn hình thành từ lợi nhuận giữ lại hơn 3.180 tỉ đồng.

Nguồn tiền trong quỹ này từng được Saigon Co.op sử dụng để tăng vốn điều lệ, bên cạnh huy động từ các hợp tác xã thành viên trên tinh thần tự nguyện và tuân thủ quy định không được đi vay hoặc huy động từ nguồn vốn của đối thủ cạnh tranh. Từ khi thành lập đến nay, đơn vị này 34 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký và 8 lần bổ sung vốn. Trong lần thay đổi gần nhất vào tháng 2, vốn điều lệ nhảy vọt từ 3.200 lên 6.797 tỉ đồng.

Thanh tra TP.HCM nhận định việc tăng vốn này có nhiều điểm bất thường. Cụ thể, 20 trong số 26 hợp tác xã đã tham gia góp vốn tổng cộng gần 3.600 tỉ đồng, 6 hợp tác xã hoạt động kinh doanh không có hiệu quả trong các năm 2018, 2019.

 

Các hợp tác xã có lợi nhuận cao, 5-6 tỉ đồng/năm không tham gia góp vốn trong khi các hợp tác xã lợi nhuận đạt được sau thuế chỉ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại góp đến vài trăm tỉ đồng. Như Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Linh Tây cuối năm ngoái có vốn điều lệ chưa đến 600 triệu đồng nhưng số vốn góp vào hơn 952 tỉ đồng.

Theo Thanh tra TP.HCM, nguồn vốn được một số hợp tác xã huy động từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Do tỉ suất lợi nhuận sau thuế đạt được 26-39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở.

Thanh tra cho rằng đây là dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của nhà nước. Điều này ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày