Kinh Doanh

Sau gỗ, nông thủy sản lại "gặp khó" với thị trường Trung Quốc

Sơn Mai Thứ Tư | 08/12/2021 09:54

Tính đến dịp tết Nguyên đán sắp tới, sản lượng trái cây cả nước có thể đạt hơn 1,7 triệu tấn. Ảnh: TL

Nông thủy sản Việt xuất sang Trung Quốc gặp khó dịp tết khi nước này quyết định tạm ngưng dịch vụ ở cảng xuất nhập khẩu trong 6 tuần Tết Nguyên Đán.
Tính đến dịp tết Nguyên đán sắp tới, sản lượng trái cây cả nước có thể đạt hơn 1,7 triệu tấn. Ảnh: TL

Trái cây gặp khó

Đó là thông tin tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu cây ăn trái” mới đây do ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt nam, cảnh báo. Ông Nguyên giải thích Trung Quốc đang tập trung cho Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh dự kiến diễn ra vào đầu tháng 2 năm sau, động thái siết hàng nhập khẩu vào cảng xuất phát từ lễ hội đó và từ chính sách “Zero Covid” mà quốc gia này theo đuổi.

“Thực tế, lượng hàng rau quả Việt đi Trung Quốc bằng đường biển chiếm khoảng 20 - 30%, đa số vẫn đi bằng đường bộ, tiểu ngạch. Tuy nhiên, hàng xuất đi đường bộ hiện đã có dấu hiệu ùn ứ do xe lạnh quay đầu trả về từ phía Trung Quốc chậm. Trước đây, một xe quay đầu vào Nam chở hàng ra đi được 2 - 3 chuyến mỗi tháng, nay 1 chuyến/tháng đã là khó khăn.

Nay “gánh” thêm 30% hàng từ đường biển chuyển sang, chắc chắn viễn cảnh dãy xe chở hàng phải chờ đợi để thông quan sang Trung Quốc sẽ tiếp diễn trước dịp Tết Nguyên đán này. Đó là chưa nói hàng hóa để lâu sẽ bị hư hỏng, chi phí đội lên gây thiệt hại lớn cho thương nhân. Dự kiến chính sách tạm ngưng dịch vụ cảng biển của Trung Quốc diễn ra khoảng 40 ngày, từ ngày 31/1/2022”, ông Nguyên chia sẻ.

Ảnh: TL.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền để sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP. Ảnh: TTXVN.

Ông Hiệp, một thương nhân xuất khẩu thanh long từ Bình Thuận đi Trung Quốc, cho biết trong tháng 1/2022, vựa của ông dự kiến thu mua khoảng 60 tấn thanh long cần xuất đi Trung Quốc. Nếu tình trạng ùn ứ xảy ra như năm 2021, một container hàng mất 3 - 4 triệu đồng. Một khó khăn khác được ông Nguyên đưa ra là do chưa thể chế biến sâu nên rau quả Việt Nam khó có thể phục vụ các thị trường có khoảng cách địa lý lớn bằng những hình thức vận chuyển giá rẻ.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền để sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP, liên kết hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất, cùng với đó là đàm phán nhằm mở rộng danh sách các mặt hàng rau quả được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…

Kim ngạch xuất, nhập khẩu 10 tháng năm 2021.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu 10 tháng năm 2021. Ảnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng bày tỏ sự lo ngại khi thời gian tới Trung Quốc sẽ ngừng nhập khẩu sản phẩm cây ăn quả đúng vào dịp mùa vụ thu hoạch trái cây rộ nhất tại Việt Nam.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết: “Tính đến dịp tết Nguyên đán sắp tới, sản lượng trái cây cả nước có thể đạt hơn 1,7 triệu tấn. Đây là con số cần phải tính toán để tiêu thụ, bởi có thể sẽ ách tắc đôi chút ở thị trường Trung Quốc”.

Thủy sản cũng khó

Không chỉ với rau quả, việc tạm ngưng dịch vụ cảng biển của Trung Quốc khiến hàng xuất khẩu thủy hải sản Việt cũng bị ảnh hưởng lớn. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt nam (VASEP), cho biết hàng thủy hải sản Việt nam sang Trung Quốc chủ yếu đi bằng đường biển, thời gian tàu chở container lạnh sang Trung Quốc nay cũng rút ngắn, tầm 7 - 10 ngày.

Trong vòng 2 năm qua, thị trường Trung Quốc chiếm 17 - 18% xuất khẩu thủy sản Việt nam với trên 1,4 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và chính sách siết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm liên tục. Đến quý III/2021, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chỉ còn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu. VASEP dự báo, trước tình hình kiểm soát khắt khe của hải quan Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tiếp tục giảm sâu 3 tháng cuối năm nay, đạt 242 triệu USD trong quý IV, giảm 40%; cả năm 2021 đạt khoảng 1 tỉ USD, giảm 26%.

Ảnh: TL.
Tình hình xuất khẩu thủy hải sản Việt sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng lớn. Ảnh: TL.

“Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc gần chạm đáy, mất 40% do chính sách kiểm soát chặt chẽ vi rút Corona trên thủy sản nhập khẩu. Hàng trăm công ty xuất khẩu từ Ấn Độ, Nga, Indonesia…đã bị ngưng xuất hàng sang Trung Quốc vì nghi có vi rút Corona trên hàng. Từ cuối tháng 9 đến nay, xuất khẩu thủy sản Việt nam sang Trung Quốc vẫn giảm hơn 20% so cùng kỳ, trong đó cá tra, tôm giảm mạnh gần 40%.

Trong bối cảnh Trung Quốc tạm đóng dịch vụ cảng biển, các doanh nghiệp cũng tạm ngưng xuất khẩu thôi, chứ hàng thủy sản nay khó quay lại xuất bằng đường bộ. Hơn nữa, phía Trung Quốc cũng ngưng đặt hàng trong thời gian này nên coi như tạm “quên” thị trường này trong tháng giáp tết”, ông Hòe nói.

Xuất khẩu nông sản đã thu về 43,5 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày