Kinh Doanh

Sau nhiều "tổn thất", Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan

Mai Châu Thứ Năm | 17/06/2021 09:41

Theo tính toán của cơ quan chức năng, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và hơn 93.220 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước. Ảnh: TL.

Từ 15.6, sau thời gian áp thuế tạm thời, Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên đường mía nhập từ Thái Lan.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và hơn 93.220 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước. Ảnh: TL.

Theo quyết định của Bộ Công Thương, mức thuế bán phá giá áp chính thức với đường Thái Lan (đường thô, tinh luyện) sau quá trình điều tra ở mức 47,64% trong 5 năm và có thể được rà soát theo quy định.

Từ tháng 9 năm ngoái, Bộ Công Thương đã bắt đầu điều tra vụ việc đường Thái Lan bán phá giá sau khi thẩm định hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của đại diện ngành sản xuất trong nước.

Quá trình điều tra, nhà chức trách đã xem xét, đánh giá kỹ lưỡng mức độ bán phá giá và trợ cấp của các sản phẩm đường mía Thái Lan, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước cũng như đánh giá tác động kinh tế xã hội, gồm cả tác động tới các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng.

Kết quả cho thấy, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 47,64%. Đồng thời, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các yếu tố như hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận...

Ảnh:
Các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 47,64%. Ảnh: TL.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và hơn 93.220 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.

Trong khi đó, theo Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM (FFA), chính sách trợ cấp và có dấu hiệu bán phá giá của Thái Lan thời gian qua khiến lượng đường nước này nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến, chiếm gần 90% lượng đường nhập khẩu của Việt Nam.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên gần 1,3 triệu tấn, tăng hơn 330% so với năm 2019. Trước đó, biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với đường Thái Lan đã được áp dụng từ 9.2.2021, với mức thuế 33,88%.

Bộ Công Thương cũng cho biết, thời gian tới sẽ theo dõi tác động của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp này, cũng như tình hình sản xuất, cung cầu, giá cả... để có các biện pháp ổn định thị trường đường.

►Cổ đông của Mía Đường Sơn La sắp nhận 68,5 tỉ đồng cổ tức


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày