Kinh Doanh

Thị trường tự động hóa Việt Nam giá trị 184,5 triệu USD

Vân Nguyễn Thứ Năm | 09/08/2018 08:18

Universal Robot

Nhiều tiềm năng, song không dễ để Universal Robots giành được thị phần lớn hơn từ “miếng bánh tự động hóa” tại Việt Nam
Universal Robot

Nhiều tiềm năng, song không dễ để Universal Robots giành được thị phần lớn hơn từ “miếng bánh tự động hóa” tại Việt Nam.

Triển lãm Sản xuất Việt Nam 2018 (VME) đang diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 8.8. Bà Shermine Gotfredsen, Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương của Universal Robot (UR), cho biết về nhu cầu sử dụng robot trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam đang tăng lên.

Sự gia tăng về nhu cầu đến từ hai yếu tố chính. Một là, doanh nghiệp duy trì lợi thế cạnh tranh bằng việc sử dụng công nghệ tiên tiến và robot. Hai là, Chính phủ đưa Công nghiệp 4.0 trở thành ưu tiên hàng đầu, triển khai các kế hoạch hành động để thúc đẩy áp dụng công nghệ tự động mới và thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài.

Thực tế đang chứng minh, tất cả các nhà sản xuất không thể bỏ qua các công nghệ hiện đại về khả năng tùy chỉnh, độ chính xác, tốc độ sản xuất nhanh và sự chuyển đổi từ analog sang vận hành kỹ thuật số trong thời đại công nghiệp 4.0.

Sự tích hợp của một số công nghệ mới đã mở ra các loại hình hệ thống tự động như “Robot hợp tác”, một hệ thống robot được thiết kế để làm việc an toàn cùng con người. Từ đó, lợi ích của việc nâng cấp sản xuất tự động hóa với hiệu quả cao hơn, năng suất tốt hơn, thời gian ngừng sản xuất ít hơn và nhiều lợi ích hơn nữa.

Theo khảo sát từ Frost & Sullivan, thị trường tự động hóa và điều khiển tại Việt Nam sẽ đạt trị giá 184,5 triệu USD, khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng, vào năm 2021.

Thế nhưng, khoảng cách về thông tin, kiến thức đang là thách thức đối với Universal Robot khi kinh doanh tại Việt Nam. Từ 2016 đến nay, Universal Robot đã buộc phải thay đổi một số phương thức tiếp cận khách hàng, cung cấp thêm cho các khách hàng ở Việt Nam những khóa đào tạo, thậm chí còn "địa phương hóa" ngôn ngữ sử dụng robot.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Meiko Việt Nam, hệ thống robots UR đang cải thiện hiệu quả sản xuất và sự an toàn của công ty, giúp thợ máy thực hiện những công việc vất vả và lặp đi lặp lại trong quá trình sản xuất bảng mạch PCB.

Dù vậy, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, việc triển khai robot ở Việt Nam vẫn còn thấp, tập trung vào các ngành công nghiệp như ô tô, điện tử, dệt may, giày dép và công nghiệp chế biến thực phẩm. Trong khi đó, Singapore dẫn đầu việc sử dụng robot với 488 con/10.000 lao động, tiếp theo là Thái Lan và Malaysia với 45 con và 34 con.

 Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, công bố hồi đầu năm 2018, đã xem Việt Nam là một trong những nước có sự chuẩn bị ít nhất cho Kỷ nguyên Công nghiệp 4.0 và xếp hạng thấp về mặt đổi mới và công nghệ.

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đang tích cực tập trung vào việc phát triển các sáng kiến ​​và ban hành pháp luật để đẩy nhanh quá trình tự động hóa. Trong đó, Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, ưu tiên tự động hóa công nghệ cao.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày