Kinh Doanh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam không liên minh để chống phá nước khác

Thứ Sáu | 17/10/2014 15:52

Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các chuẩn mực ứng xử ở khu vực.
Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu tại Viện Koerber, Berlin, Đức về những vấn đề, thách thức đối với hòa bình, an ninh, phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Đức trong tổng thể quan hệ Á - Âu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong bài phát biểu của mình rằng ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình ổn định để tập trung phát triển đất nước và cải thiện đời sống của người dân. Đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề, các thách thức chung của khu vực và thế giới.

Việt Nam đang chủ động hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm và là động lực chính. Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ 2007. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 Hiệp định thương mại tự do và đang tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015. Việt Nam cũng đang đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao, trong đó quan trọng nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam là bạn là đối tác tin cậy của các quốc gia vì hòa bình và phát triển.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh với nước này để chống phá nước khác. Việt Nam kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn chân thành mong muốn cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược – một sự tin cậy lẫn nhau bền vững lâu dài - trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, Luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới.

Việt Nam hoan nghênh mọi chính sách của các nước lớn đối với châu Á - Thái Bình Dương nếu các chính sách đó tôn trọng Luật pháp quốc tế và các thể chế khu vực, không cường quyền áp đặt, không xâm phạm độc lập chủ quyền của các quốc gia, hợp tác bình đẳng cùng có lợi và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, phát triển ở khu vực.

Về tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Đây là nơi có tuyến hàng hải quốc tế, với khoảng 50% hàng hóa vận chuyển đường biển của toàn cầu - mà phần lớn là lưu chuyển hàng hóa giữa Châu Âu và Đông Á.

Những bất ổn, căng thẳng vừa qua đã cho thấy rõ lợi ích này chỉ có thể được bảo đảm khi tất cả các nước, nhất là các nước trực tiếp có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đều phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, kiềm chế không có hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Với truyền thống hòa hiếu và chính sách đối ngoại nhất quán của mình, Việt Nam luôn kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ứng xử ở khu vực. Trong khi khẳng định và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước theo đúng Luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn chủ động ứng xử phù hợp và tranh thủ mọi cơ hội để làm giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông.

Nguồn Theo DVO/Chinhphu.vn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày