Kinh Doanh

Việt Nam là hệ sinh thái công nghệ năng động thứ 3 ở Đông Nam Á

An Lê Thứ Ba | 24/12/2019 15:30

Ảnh: BestPrice

Với những thuận lợi về nhân khẩu học, công nghệ và sự hỗ trợ tối đa của Chính phủ, các Startup của Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn phía trước...
Ảnh: BestPrice

Đối với một quốc gia có chi phí vận chuyển cao do thị trường hậu cần (Logistics) bị phân mảnh cũng như lưu lượng giao thông lớn như Việt Nam, Logivan đã góp phần giải quyết được bài toán thiếu hiệu quả trong ngành Logistics của Việt Nam, một ngành dịch vụ được ước tính có trị giá gần bằng 1/4 GDP của quốc gia này.

Được sáng lập bởi cựu sinh viên trường Đại học Cambridge - Linh Phạm, Logivan cho phép các tài xế xe tải ở Việt Nam có thể lựa chọn nhận chở hàng trên chiều về của các chuyến xe không từ các địa điểm lân cận, từ đó giúp họ kiếm thêm thu nhập. Trong quá khứ, có tới 70% xe tải không di chuyển trên chiều về. Logivan là một trong những công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đang tìm cách vận dụng những lợi thế ở quốc gia này như sức trẻ, học thức cao, am hiểu công nghệ và sự phát triển của tầng lớp trung lưu.

Với tỷ lệ sử dụng internet là 70% và làn sóng trở về từ nước ngoài của những người trẻ tài năng, Việt Nam đang chuẩn bị gặt hái những thành quả từ sự tiến bộ của công nghệ mà điều này được bắt đầu từ việc giải quyết sự thiếu hiệu quả trong chuỗi cung ứng, ngành bán lẻ, fintech và giáo dục.

Trên thực tế, Việt Nam hiện đang là hệ sinh thái khởi nghiệp năng động thứ ba ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Một báo cáo gần đây của Cento Ventures và quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu Việt Nam - ESP Capital tiết lộ rằng ​​số lượng giao dịch qua các quỹ ở Việt Nam đã tăng gấp 6 lần từ năm 2017 đến nửa đầu năm 2019, trong đó các công ty công nghệ kỹ thuật số liên quan đến bán lẻ và thanh toán chiếm gần 60% số tiền huy động được. Nếu tính đến hết năm 2019, Việt Nam được dự báo sẽ tạo ra một tiếng vang lớn khi huy động được đến 800 triệu USD.

Mặc dù vẫn còn những hoài nghi về việc Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng trong vài năm qua, đất nước đã xây dựng một môi trường phù hợp để thu hút các công ty khởi nghiệp trong nước.

VNG Corporation, khởi đầu là một công ty game vào năm 2004, đã trở thành Startup kỳ lân đầu tiên của Việt Nam vào năm 2016 khi công ty này được định giá 1 tỷ USD. Công ty trực tuyến đa nền tảng này cùng với Tiki và VNPay đã huy động được 63% trên tổng số 245 triệu USD được huy động trong nửa đầu năm 2019.

Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SIHUB) tại Tp. Hồ Chí Minh
Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SIHUB) tại Tp. Hồ Chí Minh

Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam được thúc đẩy phát triển bởi các tổ chức nhà nước và tư nhân như Viện sáng lập, Thung lũng Silicon Việt Nam, Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SIHUB), Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh và SpeedUP Việt Nam.

Mới đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH & ĐT) đã công bố các mục tiêu cho xu thế khởi nghiệp ở Việt Nam, theo đó dự kiến sẽ có ít nhất 05 Startup kỳ lân thuộc ngành công nghệ trong nước vào năm 2025 và 10 công ty vào năm 2030. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam gần đây cũng đã ký ban hành Nghị định về việc miễn thuế cho các công ty khởi nghiệp trong 4 năm đầu hoạt động, đồng thời giảm 50% thuế cho 9 năm hoạt động tiếp theo.

Với những thuận lợi về mặt nhân khẩu học cùng với sự gia tăng việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và sự hỗ trợ tối đa của Chính phủ, các startup công nghệ Việt Nam có thể sẽ tỏa sáng trên thị trường Đông Nam Á đầy sôi động.

► Toan tính của Sơn Tùng MTP khi ra mắt mạng xã hội SkySocial và hợp tác với Luxstay?

► Chính sách nhà giá rẻ tạo ra nhiều thành phố ma ở Trung Quốc

► Bốn con hổ của Châu Á: Điều thần kỳ đã là quá khứ, thách thức đang tới

Nguồn Asean Economist


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày