Kinh Doanh

Xanh hóa vào châu Âu có làm khó doanh nghiệp Việt?

Hương Nguyễn Thứ Hai | 04/07/2022 13:00

Tiêu chuẩn xanh hóa của châu Âu cũng đang làm khó, thậm chí làm ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp ngành dệt may. Ảnh: Quý Hòa.

Xác định thị trường châu Âu là trọng tâm, các doanh nghiệp Việt Nam cố gắng đáp ứng tiêu chuẩn được đặt ra để “giữ chân” thị trường này.
Tiêu chuẩn xanh hóa của châu Âu cũng đang làm khó, thậm chí làm ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp ngành dệt may. Ảnh: Quý Hòa.

Mặc dù đã được đối tác thông báo về việc thay đổi chất lượng bao bì theo tiêu chuẩn mới của châu Âu, nhưng hiện tại Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn vẫn đang lúng túng để tìm nguyên liệu mới cho bao bì đóng gói xuất khẩu của mình. Các nhà nhập khẩu châu Âu đang cương quyết yêu cầu dùng bao bì thế hệ mới với những đòi hỏi nghiêm ngặt.

Thách thức cho doanh nghiệp Việt

Không chỉ với Vĩnh Hoàn, yêu cầu về bao bì cũng đang làm khó các doanh nghiệp thủy sản khác. Công ty Thủy sản Hải Nam được nhà nhập khẩu yêu cầu làm bao bì thân thiện môi trường nhưng đến nay công ty này đang phải đàm phán lại chờ thời gian tìm được nguyên liệu vừa ý. 

“Vào châu Âu không phải là chuyện đi hàng 1-2 lần mà lâu dài nên các doanh nghiệp rất tập trung và kỹ lưỡng trong việc xuất khẩu sang thị trường này", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết. 

Tiêu chuẩn xanh hóa của châu Âu cũng đang làm khó, thậm chí làm ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp ngành dệt may. Quy định mới này yêu cầu hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Để đạt được tiêu chuẩn này, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường.
 

 

Khi hàng dệt may không còn sử dụng được, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu hồi và tái chế, hạn chế tối đa việc đốt và chôn lấp sản phẩm. Tất cả những thông tin trên phải được nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số cho từng sản phẩm. Quy định sinh thái của châu Âu cũng kêu gọi các công ty thời trang giảm số lượng bộ sưu tập mỗi năm.

Yêu cầu này đang đặt ra bài toán khó, tốn kém nhiều chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, khi dệt may vốn là ngành có kim ngạch cao nhất của Việt Nam nhiều năm nay. Đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về các tiêu chuẩn sinh thái áp dụng cho nhiều loại hàng hóa, trong đó có hàng dệt may phản ánh phần nào xu thế tiêu dùng xanh của thị trường châu Âu trong thời gian tới.

Nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân hủy. Đây cũng là mục tiêu mà May 10 đang tập trung triển khai, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10, chia sẻ với NCĐT.  

"Chúng tôi đặt mục tiêu chuyển đổi từ nay đến năm 2025 và chiến lược đến năm 2030 sẽ tiếp cận và ứng dụng được toàn bộ công nghệ sản xuất, đáp ứng sản xuất xanh và tuần hoàn, để bắt kịp xu thế mà các nhà nhập khẩu từ châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản yêu cầu", ông Việt nói thêm.

 

Không chỉ có May 10, rất nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đang là những nhà sản xuất gia công cho các nhãn hàng lớn của thế giới. Châu Âu nằm trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam với  khoảng 4,5 tỉ USD/năm. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp đang tìm hướng sản xuất theo tiêu chuẩn xanh hóa của EC.

Doanh nghiệp đã sớm thích ứng?

Đến nay ngành dệt may đang bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi ngành này đặt mục tiêu xuất khẩu tới 40-42 tỉ USD trong năm nay.

Nhằm giúp doanh nghiệp Việt sớm thích nghi và đáp ứng theo kịp xu hướng mới của châu Âu, nhiều hiệp hội đã đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mục tiêu đến năm 2023, các doanh nghiệp dệt may là thành viên Ủy ban Bền vững của VITAS sẽ giảm được 15% lượng tiêu thụ năng lượng và 20% tiêu thụ nước. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh, khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã dần xanh hóa từ trước đó. "Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp ngành dệt may đầu tư thiết bị, công nghệ cũng như nhà xưởng để đảm bảo thích ứng được những đòi hỏi về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng", ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, cho biết.

Trong thời điểm các doanh nghiệp dệt may đang tích cực đầu tư để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu, nhiều doanh nghiệp ngành khác đã khá “ổn định” với tiêu chuẩn này. 

Công ty Chế biến dừa Lương Quới hằng năm xuất khẩu khoảng 20-22% sang thị trường Bắc Âu và hiện đang đẩy mạnh sản phẩm sang thị trường này. Với nhiều quy chuẩn mới của châu Âu, Công ty không bị ảnh hưởng gì vì trước đó đã hoàn thành những tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu, ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Lương Quới, chia sẻ. 

Ảnh: Quý Hòa
Ảnh: Quý Hòa

Theo ông Thịnh, tiêu chuẩn xanh hóa của châu Âu được áp dụng cho tất cả các quốc gia trên thế giới khi xuất khẩu vào châu Âu, không riêng gì Việt Nam. Vì thế, doanh nghiệp đã chuẩn bị tinh thần từ trước đó. 

Nhiều năm nay Công ty Vinamit đã tham gia nuôi trồng và sản xuất theo tiêu chuẩn thực phẩm sạch, bảo vệ môi trường. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinamit, sau đại dịch COVID-19, người ta càng quan tâm đến xu hướng tiêu dùng xanh, xu hướng dùng thực phẩm sạch. Sự bùng nổ này sẽ diễn ra ở Mỹ, châu Âu và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Vài năm trước các doanh nghiệp ngành gỗ cũng từng bị ảnh hưởng trước những yêu cầu về tiêu chuẩn xanh của châu Âu, nhưng hiện đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này. Vì đã được chuẩn bị từ trước đó, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành gỗ hiện vẫn khả quan.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày