Phát triển bền vững

Tốc độ "xanh hoá" quá nhanh tại Nam Cực gây lo ngại

Cẩm Tú Thứ Hai | 07/10/2024 16:34

Thảm thực vật, chủ yếu là rêu, tại Bán đảo Nam Cực đã lớn gấp 10 lần trong 40 năm. Ảnh: CNN

Bị tác động từ các đợt sóng nhiệt, một số vùng Nam Cực băng giá đang nhanh chóng hình thành thảm thực vật xanh mướt.
Thảm thực vật, chủ yếu là rêu, tại Bán đảo Nam Cực đã lớn gấp 10 lần trong 40 năm. Ảnh: CNN

Công bố trên tạp chí Nature Geoscience số đầu tháng 10/2024, nghiên cứu của nhóm nghiên cứu tại trường đại học Exeter và Hertfordshire (Anh) cho biết: Trong vòng 40 năm, thảm thực vật trên Bán đảo Nam Cực đã mở rộng gấp 10 lần. Bán đảo này đang ấm lên nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu, khiến cho thảm rêu sinh trưởng nhanh chưa từng thấy.

Nghiên cứu cũng cho thấy thảm thực vật bao phủ chưa đến 1 km2 Bán đảo Nam Cực vào năm 1986 đã lan ra hơn 12 km2 vào năm 2021. Tốc độ mà khu vực bị “phủ xanh” cũng đã tăng tốc hơn 30% trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2021.

Theo nhà khoa học Thomas Roland, Trưởng nhóm nghiên cứu thì những phát hiện của nhóm xác nhận rằng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do con người gây ra là không có giới hạn. Ngay cả trên Bán đảo Nam Cực, khu vực xa xôi, biệt lập và khắc nghiệt nhất này, cảnh quan cũng đang thay đổi và những tác động này có thể nhìn thấy từ không gian.

hiện tượng phủ xanh cũng có thể làm giảm khả năng phản xạ bức xạ Mặt Trời.
Hiện tượng phủ xanh tại Nam Cực cũng có thể làm giảm khả năng phản xạ bức xạ Mặt Trời. Ảnh: Internet

Nam Cực, nơi lạnh nhất trên Trái đất, gần đây đã bị ảnh hưởng rõ rệt bởi hiện tượng Trái Đất nóng lên. Mùa hè năm nay, một số khu vực tại đây đã trải qua đợt nắng nóng phá kỷ lục với nhiệt độ tăng lên tới 10 độ C so với mức bình thường từ giữa tháng 7. Tháng 3/2022, nhiệt độ ở một số khu vực của Nam Cực đã lên tới 21 độ C so với mức bình thường. Đây là mức chênh lệch nhiệt độ khắc nghiệt nhất từng được ghi nhận ở khu vực này.

Các nhà khoa học dự đoán khi ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch tiếp tục làm thế giới nóng lên, Nam Cực sẽ tiếp tục ấm lên và quá trình xanh hóa này nhiều khả năng ngày càng nhanh hơn.

Bán đảo càng xanh hóa, đất sẽ càng hình thành nhiều hơn và khu vực này càng có khả năng trở nên thuận lợi hơn cho các loài xâm lấn, có khả năng đe dọa động vật hoang dã bản địa.

"Hạt giống, bào tử và mảnh thực vật có thể dễ dàng tìm đường đến Bán đảo Nam Cực trên giày hoặc thiết bị của khách du lịch và nhà nghiên cứu, hoặc thông qua chim di cư và gió. Nguy cơ rủi ro rất rõ ràng", ông Thomas nhận định.

Bên cạnh đó, hiện tượng phủ xanh cũng có thể làm giảm khả năng phản xạ bức xạ Mặt Trời.

Có thể bạn quan tâm:

Xanh hóa chuỗi cung ứng bắt đầu từ đâu?

Nguồn Theo CNN


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày