Tài Chính

Lãi suất huy động có thể giảm tới 100 điểm cơ bản trong cả năm 2020

Kim Anh Thứ Sáu | 18/09/2020 19:00

Một ngày làm việc tại Vietcombank. Ảnh: TL.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động có thể giảm 80-100 điểm cơ bản tại các kỳ hạn trong cả năm nay.
Một ngày làm việc tại Vietcombank. Ảnh: TL.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.10.2020. Theo đó, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình được giãn thêm 1 năm so với quy định cũ.

Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước tại ngày 31.3 nhìn chung cho thấy các tổ chức tín dụng đang đáp ứng khá tốt tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Cụ thể, tỉ lệ này được ghi nhận tại Ngân hàng thương mại Nhà nước là 28,92%, tại Ngân hàng thương mại cổ phần là 28,70%. Mặc dù số con số cao nhất được ghi nhận tại Công ty tài chính, cho thuê nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng Thông tư 22/2019/TT-NHNN.

Nguồn: VCBS.
Tại ngày 31.3 nhìn chung cho thấy các tổ chức tín dụng đang đáp ứng khá tốt tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Nguồn: VCBS.

Theo đánh giá của VCBS, động thái giãn lộ trình áp dụng tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tiếp tục thể hiện quan điểm nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng, động thái giãn lộ trình là phù hợp và cấp thiết với định hướng hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời duy trì mặt bằng lãi suất thấp.

 

Tuy vậy, thông tư mới này nhiều khả năng chưa tác động lớn tới hoạt động các ngân hàng trong ngắn hạn, do ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng các tỷ lệ theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Đây được xem là động thái cần thiết nhằm giúp các ngân hàng có dư địa nguồn lực để thực hiện mục tiêu giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp; đồng thời tiếp tục thực hiện Thông tư 01 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ do COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, vượt qua đại dịch trong tương lai.

Theo đó, VCBS cho rằng xu hướng giảm sẽ tiếp tục duy trì trên lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất huy động đã giảm tương đối trong tháng 8 và ngay tuần đầu tháng 9 cũng chứng kiến các kỳ hạn đồng loạt giảm 5-10 điểm cơ bản; theo đó, đưa lãi suất giảm 65-85 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay. Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và nhu cầu tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, VCBS duy trì dự báo lãi suất huy động có thể giảm 80-100 điểm cơ bản tại các kỳ hạn trong cả năm nay.

 

Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, có các lo ngại về khả năng xuất hiện áp lực cạnh tranh trong huy động tiền gửi giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, VCBS cho rằng, ở thời điểm này, tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cư dân dù không tăng trưởng cao như các năm trước, nhưng chưa đáng lo ngại.

Cụ thể, tiền gửi từ tổ chức kinh tế và cư dân 6 tháng đầu năm 2020 lần lượt 4.134.046 tỉ đổng (tăng 4,32% so với hồi đầu năm 2020) và 5.075.951 tỉ đồng (tăng 5,09% so hồi đầu năm 2020). Trong khi đó, con số tăng trưởng huy động tiền gửi của tổ chức kinh tế và cư dân tăng trưởng mạnh hơn trong 6T.2018 và 6T.2019. Điều này có thể được lý giải khi người dân có xu hướng giữ một phần tiền mặt trước bối cảnh lo ngại dịch bệnh.

Trong thời gian tới, VCBS cho rằng doanh nghiệp và người dân vẫn ưu tiên tài sản an toàn và thanh khoản trong bối cảnh ghi nhận nhiều yếu tố thuận lợi của lạm phát. Theo đó, VCBS kỳ vọng gửi tiết kiệm vẫn được xem là kênh đầu tư được lựa chọn trước các lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

* Có thể bạn quan tâm 

►Nhà đầu tư lưỡng lự giữa mua và bán

►Chiến lược tích lũy cổ phiếu


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày