Thế giới

273 tỉ USD đã "chảy" vào các quỹ thị trường tiền tệ

Mỹ Quyên Thứ Sáu | 31/03/2023 11:06

Dữ liệu ICI cho thấy phần lớn dòng tiền đến từ các tổ chức đầu tư nhưng các khách hàng cá nhân cũng đang dần chuyển sang các quỹ tiền tệ. Ảnh: FT.

Tốc độ của dòng tiền vào đã tăng nhanh trong hai tuần qua, đặc biệt là từ những người gửi tiền lớn đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.
Dữ liệu ICI cho thấy phần lớn dòng tiền đến từ các tổ chức đầu tư nhưng các khách hàng cá nhân cũng đang dần chuyển sang các quỹ tiền tệ. Ảnh: FT.

Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Fidelity là những đơn vị hưởng lợi nhiều nhất từ ​​việc các nhà đầu tư rót tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ của Mỹ trong hai tuần qua, khi sự sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ và thỏa thuận giải cứu Credit Suisse làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của tiền gửi ngân hàng.

*Quỹ thị trường tiền tệ: một hình thức quỹ đầu tư tương hỗ vào thị trường chứng khoán có nợ trong khoảng thời gian ngắn. Điển hình như đầu tư tiền mặt, tín phiếu kho bạc hoặc những sàn chứng khoán khác tương tự như tiền.

Theo nhà cung cấp dữ liệu EPFR, tính tới tháng 3, đã có hơn 273 tỉ USD đã chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ, ghi nhận dòng vốn chảy vào lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra.

 

Các quỹ tiền của Goldman tại Mỹ đã thu về gần 52 tỉ USD, tăng 13%, kể từ ngày 9/3, một ngày trước khi Ngân hàng Thung lũng Silicon bị chính quyền Mỹ tiếp quản. Theo dữ liệu của iMoneyNet, các quỹ của JPMorgan đã nhận được gần 46 tỉ USD và Fidelity đã ghi nhận dòng tiền vào gần 37 tỉ USD.

Các quỹ thị trường tiền tệ thường nắm giữ các tài sản có rủi ro rất thấp, dễ mua và bán, bao gồm cả nợ ngắn hạn của chính phủ Mỹ. Lợi suất của kênh đầu tư này hiện được xem là tốt nhất trong nhiều năm khi tăng đều cùng với lãi suất, vốn đã được FED nâng lên mức cao nhất trong 15 năm, nhằm kiềm chế lạm phát. Dòng vốn ròng được ghi nhận vào tháng 1 và tháng 2 thì nhỏ hơn, tạo tiền đề cho quý hiện tại trở thành quý mạnh nhất đối với các quỹ tiền của Mỹ, kể từ khi đại dịch COVID bùng phát 3 năm trước.

Tốc độ của dòng tiền vào đã tăng nhanh trong hai tuần qua, đặc biệt là từ những người gửi tiền lớn đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Mặc dù các quan chức Mỹ đã đồng ý dừng tất cả các khoản tiền gửi tại SVB và Signature Bank, nhưng họ đã không đảm bảo những khoản tiền trên 250.000 USD tại các tổ chức khác.

Ông Ashish Shah, Giám đốc đầu tư phụ trách đầu tư công tại Goldman Sachs Asset Management, cho biết: “Với sự biến động của thị trường, chúng tôi đang chứng kiến ​​sự chuyển dịch sang các quỹ thị trường tiền tệ ở mọi phân khúc nhà đầu tư.“

 

Dữ liệu từ Investment Company Institute cho thấy tiền đang "chảy" vào các quỹ nắm giữ nợ của chính phủ Mỹ, vốn được coi là điểm đến an toàn nhất. Còn những quỹ chính, nắm giữ nợ ngân hàng và giấy tờ của công ty, ghi nhận dòng tiền đang “rò rỉ” đi nơi khác. Các dòng vốn lớn nhất đã chảy vào các quỹ liên kết với các ngân hàng vững trãi có tiếng tại Phố Wall và các công ty đầu tư lớn nhất.

Bà Sara Devereux, Trưởng nhóm thu nhập cố định của công ty tư vấn Vanguard, cho biết: “Các quỹ thị trường tiền tệ đã chứng kiến ​​dòng tiền đáng chú ý trong những tuần gần đây, với dòng tiền lớn nhất chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ của chính phủ. Một phần là do xu hướng chạy theo chất lượng sau nỗi lo đóng cửa ngân hàng, nhưng cũng là do lợi suất trên thị trường tiền tệ hiện đang rất hấp dẫn.”

Dữ liệu ICI cho thấy phần lớn dòng tiền đến từ các tổ chức đầu tư nhưng các khách hàng cá nhân cũng đang dần chuyển sang các quỹ tiền tệ.

Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy tiền gửi ngân hàng đã giảm trong tuần tính đến ngày 15/3, từ 17,6 nghìn tỉ USD xuống còn 17,5 nghìn tỉ USD. Và tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ đã giảm từ 5,6 nghìn tỉ USD xuống còn 5,4 nghìn tỉ USD.

Ông Andrzej Skiba, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định của BlueBay US tại RBC Global Asset Management, cho biết: “Các quỹ thị trường tiền tệ không chỉ mang lại lợi suất tốt mà còn rất an toàn cho các nhà đầu tư.”

Ông cho biết phần lớn dòng tiền đang được đầu tư vào đợt phát hành kỷ lục từ Ngân hàng Cho vay Mua nhà Liên bang — ngân hàng này đang đáp ứng nhu cầu thanh khoản lớn từ các ngân hàng thành viên.

“Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với thị trường tiền tệ, một phần là do lợi tức cao, một phần phản ánh lượng thanh khoản đáng kể mà các quỹ cung cấp cho cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, đặc biệt là ngay cả trong bối cảnh thị trường biến động,” ông Skiba nói.

Có thể bạn quan tâm: 

Công nhân tại thành phố giàu nhất Trung Quốc chịu cảnh mất việc trầm trọng

Nguồn FT


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày