Thế giới

Công ty startup được tài trợ đến 3 tỉ USD để đi tìm "suối nguồn tươi trẻ"

Bảo Hân Thứ Bảy | 22/01/2022 17:13

Ảnh: Trnavská University

Đã có không ít công ty nghiên cứu lĩnh vực này, nhưng ít có công ty nào bắt đầu khởi nghiệp với 3 tỉ USD tiền tài trợ như Altos Labs.
Ảnh: Trnavská University

Công ty startup thì cũng có nhiều kiểu, nhưng ít có công ty nào bắt đầu khởi nghiệp với 3 tỉ USD trong ngân hàng. Vậy mà Altos Labs lại đạt được vị trí may mắn đó, một ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu Công ty khởi nghiệp được tài trợ “sộp” nhất trong lịch sử. Sau nhiều tháng đồn đoán về việc ra mắt, công ty đã chính thức công bố phương thức hoạt động vào ngày 19 tháng 1. Và ngay cả với vốn tài trợ 3 tỉ USD, công ty hứa hẹn sẽ có những sản phẩm “rẻ so với mức giá” được đưa ra. Các “nhà giả kim” kiêm người sáng lập ra công ty, ông Rick Klausner, ông Hans Bishop và ông Yuri Milner, hy vọng một ngày nào đó có thể mang thành quả về cho toàn nhân loại.

Từ trái qua: ông Rick Klausner, ông Hans Bishop và ông Yuri Milner.
Từ trái qua: ông Rick Klausner, ông Hans Bishop và ông Yuri Milner.

Đi tìm “suối nguồn tươi trẻ” đã luôn là cuộc “thám hiểm” mời gọi rất nhiều doanh nhân trong quá khứ. Vào năm 2013, một ê-kíp mang tên Calico Life Sciences đã được thành lập dưới sự bảo trợ của ông Larry Page, một trong những người sáng lập công ty của Google (nay là Alphabet). Nhưng cho đến nay, đội ngũ này vẫn chưa đem lại bất kỳ sản phẩm nào. Đã có không ít nỗ lực và hy vọng trong lĩnh vực này, rất nhiều người trong số đó là các tỉ phú, vì kéo dài tuổi thọ là cái gì đó rất hấp dẫn con người, đặc biệt là với những người đã có tất cả mọi thứ. Thật vậy, đã có những tin đồn rằng CEO của Amazon, ông Jeff Bezos, là một trong những nhà đầu tư của Altos Labs, nhưng thực hư thế nào thì còn lâu công ty này mới lên tiếng.

Được thành lập từ những cuộc dạo chơi

Những nhà sáng lập Atos lại đang nghiêm túc hơn bao giờ hết. Nhìn vào những khám phá trong sinh học được thực hiện trong vài thập kỷ qua, đặc biệt là hai trong số này, họ tin rằng đã tìm ra câu trả lời sơ lược cho câu hỏi làm thế nào để đảo ngược quá trình lão hóa tế bào. Họ cũng đã tuyển chọn một dàn nghiên cứu viên khoa học nổi tiếng để giúp tìm ra câu trả lời. Các bệnh tật tiềm ẩn trong cơ thể đều nằm trong “tầm ngắm” của họ bao gồm rối loạn nhận thức, thoái hóa thần kinh, tiểu đường, các vấn đề chuyển hóa liên quan, và ung thư. Thật ra thì giải quyết được những căn bệnh trên có thể không kéo dài tuổi thọ trung bình đáng kể, nhưng “tuổi thọ sức khỏe” thì có.

Ý tưởng thành lập nên Altos đã được ủ ấp sau một loạt các cuộc dạo bộ tại thung lũng Silicon của Tiến sĩ Klausner, Cựu giám đốc Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, và Tiến sĩ Milner, một doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm chuyên mảng công nghệ. Sau đó, họ đã tuyển dụng ông Bishop, trước đây là ông chủ của GRAIL - một công ty tầm soát ung thư, làm “đầu não” của doanh nghiệp.

Hai phát hiện mà công ty đang tiếp tục nghiên cứu thêm là Yếu tố phiên mã của bác sĩ Yamanaka và lộ trình phản ứng với căng thẳng tổng hợp (ISR). Các yếu tố Yamanaka, được phát hiện vào năm 2006 bởi tiến sĩ Yamanaka Shinya thuộc Đại học Kyoto, là bốn protein điều hòa gen, giúp để đưa một tế bào trở lại trạng thái ban đầu. 

Ảnh: CDC
Ảnh: CDC

Các thí nghiệm ban đầu trên động vật liên quan đến việc dung nạp các yếu tố Yamanaka thường gây ra các khối u gọi là u quái, trong đó các tế bào biến thành hỗn hợp mô kỳ lạ. Tuy nhiên, sau đó người ta đã phát hiện ra rằng có thể tránh vấn đề này. Các thí nghiệm trên chuột đã cho thấy có thể ngăn chặn sự tiến triển của progeria (một hội chứng do đột biến gây ra quá trình lão hóa nhanh) thúc đẩy quá trình chữa lành các cơ bị thương và có thể bảo vệ gan khỏi bị tổn thương bởi paracetamol, một loại thuốc giảm đau được sử dụng rộng rãi.

Trái ngược với các yếu tố Yamanaka, có ngày phát hiện rõ ràng, ý tưởng về lộ trình ISR thì dần dần xuất hiện. Một trong những khái niệm quan trọng nhất của sinh học là cân bằng nội môi (duy trì môi trường bên trong không đổi khi đối mặt với áp lực thay đổi từ bên ngoài). ISR thực hiện điều này với cấp độ tế báo. Nếu một nguồn gây căng thẳng tế bào được phát hiện - có thể là từ bên ngoài, chẳng hạn như thiếu oxy, chất dinh dưỡng, nhiễm virus; hoặc bên trong, chẳng hạn như sự tích tụ của các protein cuộn gập sai hoặc gen có khả năng gây ung thư bắt đầu “thức tỉnh”— ISR sẽ bật “chế độ khẩn cấp”, thiết lập lại quá trình sản xuất protein. Nếu không giải quyết được quá trình trên, thì nó sẽ nhấn nút tự hủy (gọi là apoptosis), làm nổ tung tế bào mà nó nằm trong để ngăn ổ bệnh hình thành.

Sự kết hợp của những điều khác biệt

Theo quan điểm của các nhà sáng lập, hai phát hiện này sẽ là nền tảng nghiên cứu để đưa các tế bào bệnh tật khỏe mạnh trở lại, bằng cách thiết lập lại các lộ trình ISR bị trục trặc và cung cấp một “liều thuốc” cho các tế bào khỏe mạnh đang phát triển từng chút từng chút trong nhiều năm. Nghiên cứu sẽ được thực hiện tại ba cơ sở, ở Cambridge (Anh), Vùng Vịnh California và San Diego. Các viện trong số này sẽ do ông Wolf Reik, ông Peter Walter và Juan Carlos Izpisua Belmonte phụ trách, tiến sĩ Yamanaka cũng đã xung phong tình nguyện (hoàn toàn không được trả tiền).

Mảnh ghép khoa học cuối cùng của bức tranh này là trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh:  Edge2Edge Media.
Mảnh ghép khoa học cuối cùng của bức tranh này là trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh: Edge2Edge Media.

Mảnh ghép khoa học cuối cùng của bức tranh này là trí tuệ nhân tạo (AI), một điều không thể thiếu trong xã hội ngày nay. Mô hình hóa những gì đang diễn ra bên trong các tế bào, bao gồm hàng triệu phân tử của hàng nghìn loại, là một vấn đề sẽ không thể giải quyết được nếu không có AI. Và lĩnh vực này hiện đang bắt đầu vật lộn với nó, thể hiện qua sự thành công gần đây của chương trình AlphaFold của DeepMind, chương trình có thể dự đoán từ cấu trúc hóa học của một protein cho đến việc nó sẽ gấp khúc như thế nào. 

Trước mắt, những nhà nghiên cứu trên sẽ làm công việc họ vốn luôn làm tại vị trí cũ, nghiên cứu, ngoại trừ với ngân sách lớn hơn và đường lối có phần khác hơn so với những người đi trước. Và sẽ không có sản phẩm thương mại thành công nào được ra mắt trong tương lai gần. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề, mọi người tham gia đều tin tưởng rằng “mùa xuân” đó chắc chắn sẽ đến. Và thành quả là thứ mà cả nhân loại đều đang đón chờ.

Nguồn The Economist


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày