Thế giới

Kinh tế Trung Quốc vật lộn với bong bóng

Thứ Hai | 08/08/2016 14:44

Tiền tiếp tục đổ vào bong bóng đầu cơ với một lý do chính: sự thiếu vắng cơ hội đầu tư sinh lời trong nền kinh tế thực của Trung Quốc.

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc một năm trước thu hút sự chú ý của cả thế giới nhưng cuối cùng cũng tác động không đáng kể đến thị trường toàn cầu. Bất chấp “nỗi đau” của hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ, sự thật là thị trường chứng khoán vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. Thăng trầm của thị trường chứng khoán thực sự chưa bao giờ đe dọa nền kinh tế đại lục, huống hồ là hệ thống tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng thị trường toàn cầu sẽ cảm thấy dễ thở. Tuy chứng khoán giảm, song nhiều bong bóng về trái phiếu và bất động sản của Trung Quốc lại đang tăng - 2 thị trường đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế đại lục. Câu hỏi là liệu giới chức Trung Quốc có thể xử lý cuộc khủng hoảng mới tốt hơn trước kia hay không.

Những người tin rằng Trung Quốc có thể kiểm soát an toàn những bong bóng - được thổi phồng bằng các khoản nợ -đang tăng nhanh cho rằng giới chức Trung Quốc không chỉ “giỏi” bằng những người đồng cấp khác trên toàn thế giới mà họ còn “tài giỏi hơn”. Tuy vậy, những sự kiện năm ngoái khiến nhiều người hoài nghi.

Trong nửa đầu năm 2105, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cho phép các đòn bẩy tăng trưởng không giới hạn. Khi thị trường đạt đỉnh và yêu cầu bảo chứng (margin call) thúc đẩy đà giảm, các nhà quản lý tài chính, quan chức an ninh và truyền thống gần như bất lực trong việc ngăn chặn đà lao dốc này.

Trung Quốc cần tìm cách hạn chế tín dụng mà không đẩy thị trường lao dốc. Việc thắt chặt quy định và yêu cầu vốn lớn hơn đối với sản phẩm quản lý tài sản là sự khởi đầu. Nhưng nếu tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng nhanh hơn so với GDP, sẽ rất khó để tranh luận rằng yếu tố cơ bản đối với sự ổn định đã được thiết lập.

Để có bằng chứng cho thấy những vấn đề vẫn chưa được giải quyết, hãy xem xét các thị trường tài sản khác của Trung Quốc. Một số nhà phân tích có thể dự đoán rằng sau cú sốc của thị trường chứng khoán, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ cẩn trọng hơn. Sự bùng nổ và vỡ bong bóng chứng khoán được nối tiếp với một chu kỳ tương tự trên thị trường kim loại - từng chứng kiến giá thép tăng 80%. Tăng đặt cược vào thị trường thu nhập cố định đồng nghĩa rằng lợi tức tiếp tục giảm, ngay cả khi mối nguy vỡ nợ tăng lên.

Có thể tạm gạt thị chứng khoán sang một bên khi Trung Quốc vẫn coi đây là "hoạt động phụ", nhưng không thể nói như vậy với thị trường thu nhập cố định hay thị trường bất động sản. Chứng khoán chiếm khoảng 7% tổng lượng vốn huy động của doanh nghiệp; thị trường trái phiếu chiếm khoảng ¼. Việc mất khả năng thanh toán trái phiếu và việc phát hành bị huy bỏ trong những tháng gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động.

Chưa một vấn đề nào được giải quyết. Tiền tiếp tục đổ vào bong bóng đầu cơ - đầu tiên là vào chứng khoán, sau đó là vào kim loại, trái phiếu và bất động sản - với một lý do chính: sự thiếu vắng cơ hội đầu tư sinh lời trong nền kinh tế thực của Trung Quốc. Bất chấp việc cắt giảm lãi suất, các công ty Trung Quốc vẫn lưỡng lực trong việc vay tiền và đầu tư. Các hãng tư nhân cắt giảm đầu tư khiến gánh nặng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dồn vào các doanh nghiệp nhà nước.

Bất kỳ giải pháp khả thi nào đều gây ra tổn thương nhất định. Tương tự khó khăn mà các nhà quản lý tài chính đang đối mặt, giới chức Trung Quốc phải cân bằng chi phí ngắn hạn và lợi ích dài hạn của công cuộc cải tổ doanh nghiệp. Cắt giảm công suất và mở cửa hơn nữa thị trường sẽ tác động đến các doanh nghiệp nhà nước - hiện đang là động lực duy nhất thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng nếu không làm như vậy, các biện pháp kích thích sẽ tiếp tục thổi phồng bong bóng đầu cơ.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày