Thế giới

Loại bỏ ngân hàng đa năng là cách giải quyết khủng hoảng tài chính?

Chủ Nhật | 19/08/2012 15:57

Theo Economist, chia tách các ngân hàng đa năng là một ý tưởng tồi, có nhiều cách tốt hơn để đảm bảo an toàn cho các tổ chức này trong khủng hoảng.
Giải phẫu cắt bỏ là cách để giải quyết triệt để với một bộ phận nhiễm bệnh, tuy nhiên nó có thể  mang tới tác động hủy hoại phần còn lại của cơ thể. Đó là lý do tại sao việc chia rẽ các bộ phận đầu tư và thương mại của những ngân hàng đa năng (universal bank) với quy mô toàn cầu là cách sai để bảo vệ những người nộp thuế của các chủ ngân hàng liều lĩnh.

Cuộc tranh luận về việc chia tách các ngân hàng đa năng nổi lên từ khi bắt đầu khủng hoảng, khi những ngân hàng lớn như Citigroup và Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) gần như sụp đổ, và gần đây lại bùng lên. Sandy Weill là người đã hàn gắn Citigroup những năm 1990 và trong quá trình đó cũng giúp chôn vùi đạo luật Glass-Steagall (1933) - một đạo luật chia tách hoạt động ngân hàng đầu tư và thương mại trong suy thoái.

Tháng trước, ông này quay lưng lại hoàn toàn: bây giờ Weill muốn các nhà chức trách đảo ngược lại điều ông đã làm trước đây. Người châu Âu cũng có chung ý tưởng này. Wolfgang Schaeubel, bộ trưởng Tài chính Đức cho biết ông sẽ không loại trừ việc chia tách các ngân hàng đa năng như vậy. Bộ trưởng Kinh tế Anh Vince Cable cũng có ý tưởng chia tách RBS.

Những người phản đối các ngân hàng đa năng có 3 lý lẽ. Đầu tiên là dựa trên ý tưởng rằng có điều gì đó "mục ruỗng" trong hoạt động ngân hàng đầu tư, một thứ "ám khí" tác động tới những phần "tốt" của các ngân hàng, nơi các doanh nghiệp và các nhân tới vay và gửi tiền.

Thứ hai là các ngân hàng đa năng đe dọa tới sự ổn định tài chính, bởi chúng có xu hướng mở rộng ngày càng lớn và phức tạp hơn so với các ngân hàng chuyên trách tập trung hơn. Thứ ba là các ngân hàng đa năng toàn cầu là mối đe dọa đáng sợ cho các nhà đầu tư. Ngân hàng cũ của Weill đã mất 94% giá trị trong 5 năm qua, RBS cũng giảm tới 96% sự vương giả của mình.

Tuy nhiên, không một lời chỉ trích nào trong số đó bảo vệ cho sự chia tách toàn bộ. Ý tưởng cho rằng những vấn đề tài chính xuất phát từ hoạt động "đánh bạc" ngân hàng đầu tư là một sai lầm. Trung tâm của cuộc khủng hoảng là việc nợ quá lớn, phần lớn là những khoản nợ được đảm bảo bằng bất động sản. Sự thật đúng là các thị trường bán buôn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên những khoản nợ này, nhưng nó được thúc đẩy bởi nợ xấu của các ngân hàng thương mại và bán lẻ dành cho các cá nhân, những nhà xây dựng phát triển.

Việc các kênh tín dụng giờ đây bị chặn, các hoạt động ngân hàng đầu tư như giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu là hướng đi quan trọng để huy động vốn cho hoạt động kinh doanh.

Lý lẽ về sự ổn định cũng không rõ ràng. Bởi với sự đa dạng của mình, các ngân hàng đa năng phân tán được rủi ro. Chẳng hạn như trong khủng hoảng, các ngân hàng như JPMorgan Chase ghi nhận sự bù đắp thu nhập từ hoạt động bán lẻ khi hoạt động ngân hàng đầu tư sụt giảm đột ngột, và ngược lại. Lehman Brothers và Bear Stearns không có được sự bảo vệ như vậy và đã sụp đổ. Nhiều doanh nghiệp hiện nay lựa chọn phát hành trái phiếu thay vì đi vay ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với tình trạng thua thiệt của các ngân hàng bán lẻ thuần túy, nhưng các ngân hàng bán buôn thì lại tăng thu nhập khi giúp doanh nghiệp tham gia vào thị trường trái phiếu.

Quan điểm cho rằng các ngân hàng đa năng tồi tệ hơn cho các cổ đông so với các ngân hàng khác cũng gây hoài nghi. Kém cỏi như những gì họ thể hiện, các ngân hàng đa năng đang giành lấy thị phần từ các ngân hàng đầu tư thuần túy khác trong các lĩnh vực như trái phiếu, tiền tệ và hàng hóa nguyên liệu. Cuối cùng, dù kêu gọi các ngân hàng chia tách hoạt động là điều dễ dàng, thực tế thì sẽ rất khó khăn. Phân biệt rõ ràng các cổ đông và trái chủ sẽ sở hữu những gì trong một ngân hàng bị chia tách sẽ là một cơn ác mộng.

Phương thuốc hiệu quả hơn cho các ngân hàng

Thay đổi là thực sự cần thiết để bảo vệ những người nộp thuế, tránh việc mất hàng tỷ đô la để cứu hệ thống ngân hàng khỏi hậu quả từ những sai lầm của chính họ. Quy mô cực lớn của các ngân hàng đa năng gây nguy hiểm, vì họ biết chính phủ các nước sẽ giải  cứu cho họ nếu mọi thứ xấu đi.

Hầu hết các ngân hàng đa năng đều quá lớn để giải quyết vấn đề chỉ đơn giản bằng cách tách đôi. Tác động của việc chia tách các ngân hàng lớn như Citigroup, RBS và Deutsche Bank, tất cả đều có tài sản hơn 1.000 tỷ đô la, sẽ tạo ra 6 ngân hàng quan trọng mang tính hệ thống thay vì chỉ ba.

Phương thuốc hữu hiệu hơn đã được đưa ra. Chính phủ Anh dự kiến thông qua khuyến nghị của một ủy ban độc lập tại Anh, bao gồm thông qua một "hàng rào" buộc hoạt động ngân hàng đầu tư và bán lẻ của các ngân hàng đa năng phải có vốn dự phòng rủi ro của riêng mình, bảo vệ những người gửi tiền khỏi việc thua lỗ tại ngân hàng đầu tư nhưng giữ lại một số lợi ích đa dạng. Thêm vào các quy định mới yêu cầu tất cả các ngân hàng phải tăng vốn, và những nỗ lực quan trọng để các chủ nợ tư nhân phải gánh vác thiệt hại do một tổ chức sụp đổ, và trong trường hợp cuộc "giải phẫu" cần thiết không mang lại hiệu quả.

Nguồn Economist/Khampha


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày