Thế giới

Nhật Bản "mong" lạm phát

Khánh Tú Thứ Tư | 15/11/2023 16:37

Lạm phát Nhật Bản đang ở mức 3% và tiền lương thì đang trong chiều hướng tăng dần lên. Ảnh: WSJ.

Nhật Bản muốn kích thích lạm phát nhằm thoát khỏi cái bẫy giảm phát trong suốt 1/4 thế kỷ qua.
Lạm phát Nhật Bản đang ở mức 3% và tiền lương thì đang trong chiều hướng tăng dần lên. Ảnh: WSJ.

Kể từ cuộc khủng hoảng vào cuối những năm 1990, nền kinh tế Nhật Bản rơi vào cái bẫy giảm phát do tốc độ tăng trưởng sụt giảm trong khi giá cả hàng hóa đi ngang hoặc thậm chí là giảm so với trước. Mặc dù giá cả giảm nghe có vẻ là một tin tốt đối với các nước phương Tây, vốn đang chìm trong lạm phát dai dẳng, nhưng trên thực tế điều này cũng không mấy là khả quan đối với Nhật Bản.

Hiện tại, lạm phát Nhật Bản đang ở mức 3% và tiền lương thì đang trong chiều hướng tăng dần lên, nhưng tốc độ vẫn chậm hơn so với đà tăng của giá cả. Dẫu vậy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn lạc quan với kỳ vọng lạm phát cơ bản sẽ về mức 2,8% trong năm tài chính hiện tại, đồng nghĩa với việc là năm tài chính thứ 3 liên tiếp nước này ghi nhận lạm phát cao hơn ngưỡng mục tiêu 2%.

Trong rủi có may 

Những “cơn gió ngược” của nền kinh tế như đại dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới nhìn chung lại là cơ hội để nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới kích thích lạm phát nhằm thoát khỏi đà giảm tốc tăng trưởng cũng như rủi ro giảm phát kéo dài.

 

Giới chuyên gia nhận định, người dân Nhật Bản vốn đã quen với việc giá cả đi ngang còn tiền lương thì cố định và không có kích thích tiêu dùng thì mọi thứ giờ đây đang dần thay đổi. Thay vì tiếp tục tiết kiệm, chi phí và tiền lương đồng thời tăng, buộc mọi người phải chấp chi tiêu. Qua đó thúc đẩy tiêu dùng, tăng doanh thu tác động tích cực cho nền kinh tế. Ngoài ra, việc chính phủ Nhật Bản tung gói hỗ trợ trị giá hàng trăm tỉ USD cho người dân trong suốt 2 năm dịch bệnh đã giúp nhiều hộ gia đình có khoản tích luỹ dư thừa để chi tiêu ở hiện tại.

Nhìn về lịch sử, Nhật Bản từng đối mặt với lạm phát hơn 20% trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 nhưng tỉ lệ dần ổn định vào những năm 1980 và hạ nhiệt vào đầu những năm 1990 sau sự sụp đổ của bong bóng bất động sản và chứng khoán. Năm 1997, lực lượng lao động của Nhật Bản bắt đầu giảm do tốc độ dân số già tăng nhanh. Và sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nền kinh tế Nhật Bản chính thức rơi vào giảm phát toàn diện bất chấp BOJ đã hạ lãi suất về 0. 

Ông Haruhiko Kuroda, cựu Thống đốc BOJ năm 2013, từng ví tình trạng giảm phát ở Nhật Bản là một “căn bệnh mãn tính”. “Căn bệnh này không dây nhiều tổn thương cho bệnh nhân, nhưng lại là “kẻ giết người” thầm lặng, âm thầm phá hủy toàn bộ cơ thể người bệnh”, ông nói.

Năm 1999 BOJ lần đầu áp dụng chính sách lãi suất 0%, đồng thời thực hiện nới lỏng định lượng (QE) khi mua lại trái phiếu ngân hàng thương mại để bơm tiền vào nền kinh tế nhằm mục đích giảm bớt các điều kiện tín dụng và khuyến khích cho vay. Đến năm 2013, cựu Thống đốc Kuroda quyết định mở rộng chính sách hơn nữa nhằm thúc đẩy lạm phát lên mức mục tiêu 2% trong 2 năm. Sau những nỗ lực, tỉ lệ lạm phát khi đó ghi nhận ở mức dương nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 2%. Năm 2016, ông Kuroda đã gọi “đây là chính sách nới lỏng tiền tệ sâu rộng nhất trong lịch sử Ngân hàng Trung ương hiện đại”.

 

Trở về hiện tại, đại dịch COVID-19 cùng với căng thẳng địa chính trị đã khiến mọi thứ thay đổi. Dẫu gây những tổn thất kinh tế như mất giá đồng yen nội tệ nhưng đồng thời cũng mở ra một cơ hội mới cho Nhật Bản thoát khỏi bẫy giảm phát suốt 25 năm. Tháng 4/2022, lạm phát ở Nhật ghi nhận là 2,5%, cao hơn mức mục tiêu 2%, trở thành tin vui đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Lạm phát thay đổi tâm lý 

Nhiều công ty ở quốc gia này đã thậm chí đã phát thông báo xin lỗi vì lần đầu tiên tăng giá trong lịch sử. Song điều may mắn là thị trường và cả người tiêu dùng đều có thể chấp nhận sự tăng giá này. Bên cạnh đó, một số công ty cho biết đã và đang thực hiện chính sách tăng lương cho nhân viên, song song đó là đầu tư thêm máy móc nhằm cải thiện sản phẩm sao cho xứng với xu hướng tăng giá đang diễn ra.

Điều đáng nói là ngay cả những doanh nghiệp được cho là biểu tượng của thời kỳ giảm phát cũng đang thể hiện sự thay đổi rõ rệt. “Ông lớn” ngành bán lẻ Daiso đã phát triển mạnh mẽ chỉ với chiến lược bán mọi thứ mình có với giá 100 yen, nhưng hiện đã có nhiều mặt hàng tăng giá lên 300 yen. Hay Fast Retailing, công ty mẹ của chuỗi cửa hàng Uniqlo, cũng thông báo tăng giá và gần đây là tăng 40% lương cho nhân viên.

Xu hướng tăng lương tác động tích cực đến tâm lý thị trường lao động cũng như thói quen chi tiêu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc đồng yen suy yếu hiện nay cũng khiến giá bán lẻ của nhiều mặt hàng tăng lên, kèm theo đó là tác động đến tâm lý của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.

Tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản trong năm 2023 dự kiến đạt 100.000 tỉ yen (665 tỉ USD). Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã chứng kiến đà tăng trưởng với 4,8% trong quý II/2023, theo phân tích từ báo cáo của NLI Research Institute. Giới chuyên môn nhận định, nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào lạm phát.

Có thể bạn quan tâm:

Mua nhà ở Mỹ "khó" nhất trong 40 năm qua

Nguồn WSJ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày