Thế giới

Tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ giải quyết vấn đề Triều Tiên ra sao?

Thứ Tư | 10/05/2017 16:31

Ông Moon Jae-in không tin rằng các cường quốc bên ngoài có thể chế ngự được Triều Tiên thông qua biện pháp quân sự.

Sau một cuộc bầu cử được tổ chức vội vã, Hàn Quốc đã có một nhà lãnh đạo mới, đó là ông Moon Jae-in của Đảng Dân chủ.

Rút kinh nghiệm từ vụ bê bối dấn đến sự ra đi của người tiền nhiệm là bà Park Geun-hye, tân Tổng thống Moon đã vận động tranh cử với chủ trương chống lại tham nhũng và đặt troọg tâm vào các vấn đề kinh tế - nhưng ông cũng đã phải vạch ra đường lối ứng phó với người láng giềng CHDCND Triều Tiên.

Trong những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử tại Hàn Quốc, Triều Tiên đã tăng cường các cuộc thử nghiệm tên lửa và thậm chí còn bóng gió về một cuộc thử nghiệm hạt nhân mới trong thời gian tới.

Các chuyên gia và quan chức quân đội nói rằng các cuộc thử tên lửa của Bình Nhưỡng gần đây cho thấy năng lực tên lửa của nước này này đang được cải thiện nhanh chóng, và Bình Nhưỡng sẽ có thể đưa được đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Một số người lo ngại rằng một cuộc chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên có thể sẽ sớm xảy ra. Nếu một cuộc xung đột như vậy nổ ra, nó có thể khốc liệt hơn bất kỳ cuộc chiến tranh nào mà khu vực này đã từng chứng kiến, mặc dù Mỹ và Hàn Quốc có thể đánh chặn ít nhất một số tên lửa của Triều Tiên với Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD).

Tuy nhiên, trong gần bốn thập kỉ qua, Đông Á đã là một nơi yên bình hơn châu Âu, châu Mỹ, hay bất cứ châu lục nào khác. Liệu những sự kiện gần đây trên Bán đảo Triều Tiên có thể chấm dứt thời kỳ ổn định đáng kinh ngạc này không?

Tan Tong thong Han Quoc se giai quyet van de Trieu Tien ra sao?
Khu vực phi quân sự tại Bàn Môn Điếm. Ảnh: Business Insider

Một nghiên cứu gần đây cho thấy một trong những lý do chính khiến Đông Á vẫn giữ được hòa bình là hầu như tất cả các nước trong khu vực đều tin rằng ưu tiên số một của họ là thúc đẩy phát triển kinh tế ở trong nước. Do vậy, người Đông Á rõ ràng là không muốn chiến tranh, vì nó sẽ phá vỡ các mối liên kết kinh tế giúp các nước tham gia nhanh chóng trở nên giàu có.

Có bằng chứng rõ ràng để ủng hộ giả thuyết này: sau chiến tranh thế giới thứ II, tại những quốc gia Đông Á mà chính thể nắm quyền không coi sự phát triển là ưu tiên hàng đầu thì tỷ lệ tử vong vì xung đột cao hơn 300 lần so với những quốc gia đặt trọng tâm phát triển. Sau những năm 1970, hầu hết các quốc gia Đông Á đều theo đuổi "chủ nghĩa phát triển" (developmentalism), và chỉ có Triều Tiên là một ngoại lệ khác hẳn.

Nhìn chung, hầu hết các nước Đông Á hiện đang theo đuổi nguyên tắc không can thiệp quân sự vào công việc nội bộ của các nước khác.

Nhưng ngày nay, chương trình vũ khí hạt nhân cũng như những vụ thử tên lửa của Triều Tiên, cộng thêm lập trường can thiệp khá mạnh mẽ của chính quyền mới tại Mỹ, đang tạo ra những thách thức lớn cho quy tắc này.

Đây là lúc mà ông Moon có thể tạo ra sự khác biệt. Ông đã cho thấy rõ ràng là không có ý định thay đổi chế độ ở Triều Tiên, thay vào đó ông quan niệm rằng để đảm bảo an ninh và hòa bình thì không nhất thiết phải lật chế độ của ông Kim Jong Un. Thay vì trừng phạt và cô lập Triều Tiên, ông Moon muốn thuyết phục nước này theo đuổi tư duy phát triển như các nước Đông Á khác đã làm trong vài thập kỷ qua.

Ông Moon không tin rằng các cường quốc bên ngoài có thể chế ngự được Triều Tiên thông qua biện pháp quân sự. Thay vào đó, ông tin vào đối thoại và sự tiến triển từ từ trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Điều đó có thể phù hợp với cách tiếp cận kiểu doanh nhân được Tổng thống Mỹ Donald Trump ưa thích. Ông Trump gần đây cũng nói rằng ông sẵn sàng đối thoại trực tiếp với ông Kim Jong Un, ngược lại với những tuyên bố hiếu chiến của chính quyền Trump trước đây về vấn đề Triều Tiên.

Tan Tong thong Han Quoc se giai quyet van de Trieu Tien ra sao?
Tầm đánh chặn của hệ thống phòng vệ tên lửa THAAD đặt tại Hàn Quốc. Ảnh: heritage.org

Tuy nhiên, giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng có những mâu thuẫn nhất định. Trump đã đe dọa sẽ đàm phán lại hiệp định FTA giữa 2 nước, cũng như từng bày tỏ ý muốn buộc Hàn Quốc phải chi trả cho hệ thống THAAD. Ông Moon cũng từng chỉ trích Mỹ đã triển khai hệ thống THAAD quá vội vã, dẫn tới mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Hàn Quốc.

Nếu muốn tránh một cuộc chiến khốc liệt trên bán đảo Triều Tiên, ông Moon sẽ phải sử dụng tất cả các công cụ chính trị và ngoại giao của mình. May mắn thay, những thập niên thành công về hội nhập kinh tế hữu hảo và chủ nghĩa phát triển ở Đông Á đã trao cho ông một bộ quy tắc rõ ràng để tuân thủ. Trong hoàn cảnh mà dường như một cuộc xung đột vũ trang đang đến gần, một đường lối mềm mỏng hơn từ phía Seoul là điều chúng ta có thể hy vọng được từ ông Moon.

Nhà phân tích Duyeon Kim của Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên bình luận: "Liên minh Mỹ-Hàn có thể sẽ gặp rắc rối vì có cách tiếp cận rất khác nhau với vấn đề Triều Tiên, nhưng nó sẽ phụ thuộc khá nhiều vào những cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo 2 nước và cách họ xử lý các bất đồng".

Bá Ước

Nguồn BI


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày