Thế giới

Thị trường tuần này: Làn sóng bán tháo có thể lan rộng vì Trung Quốc

Thứ Hai | 13/10/2014 07:48

Tuần này, thị trường sẽ tập trung vào các số liệu kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Trung Quốc.
Tuần trước, thị trường chứng khoán toàn cầu phải hứng chịu đợt bán tháo mạnh của giới đầu tư do lo ngại về tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro cũng như toàn cầu và tín hiệu tăng lãi suất của Mỹ.

Trong tuần, Trung Quốc sẽ công bố một loạt số liệu như, cán cân thương mại, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giá tiêu dùng và giá sản xuất của tháng 9. Theo nhiều dự đoán, số liệu kinh tế yếu ớt của Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tốc độ bán tháo của thị trường trong tuần trước. Đây sẽ là dấu hiệu tiêu cực đối với các thị trường tài chính nói riêng và tăng trưởng toàn cầu nói chung. Khi đó, chính phủ Trung Quốc sẽ phải xem xét tăng cường kích thích.

Cụ thể, ngày 13/10, Trung Quốc sẽ công bố số liệu thương mại của tháng 9. Theo kết quả khảo sát của Reuters, giá trị nhập khẩu của Trung Quốc dự báo giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái - ghi nhận mức giảm lớn nhất trong 6 tháng. Ngược lại, xuất khẩu có thể tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của các chuyên gia tại Moody's, thặng dư thương mại của Trung Quốc từng đạt kỷ lục hồi tháng 7 và 8. Tuy nhiên, hoạt động thương mại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể đã tăng trưởng chậm lại trong tháng 9. Nguyên nhân là, giá một số mặt hàng bắt đầu tăng trở lại, khiến giá nhập khẩu tăng và thặng dư thương mại giảm.

Ngày 14/10, Trung Quốc sẽ đưa ra số liệu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các chuyên gia cho rằng, FDI vào Trung Quốc tiếp tục giảm dần sau khi xuống thấp nhất 2 năm trong tháng 8. Nguyên nhân là, thị trường bất động sản tiếp tục suy yếu và nhân dân tệ liên tục tăng giá trong thời gian gần đây.

Ngày 15/10, Trung Quốc sẽ công bố số liệu lạm phát. Theo ước tính của Ngân hàng Quốc gia Australia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Trung Quốc tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 2% của tháng 8, do nhu cầu tiêu dùng tăng chậm. Trong khi đó, tháng 9 có thể là tháng thứ 31 liên tiếp giá sản xuất của Trung Quốc giảm.

Áp lực lạm phát tại Trung Quốc vẫn còn yếu. Nguồn cung lương thực tăng đã đẩy giá thực phẩm xuống thấp. Thị trường nhà đất suy yếu cũng khiến giá nhà liên tục giảm mạnh. Lạm phát chỉ phục hồi chừng nào chính phủ Trung Quốc bắt đầu những chiến dịch kích thích lớn hơn, theo nhận định của Moody's.

Ngoài ra tuần này, Ấn Độ cũng sẽ công bố chỉ số CPI tháng 9. Đồng thời, Singapore sẽ đưa ra số liệu GDP ước tính của quý III và công bố quyết sách tháng 10.

Nguồn Theo DVO/ CNBC


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày