Thế giới

Vết nứt trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc

Thứ Năm | 15/08/2013 15:21

Viên đá đặt nền của hệ thống tài chính đồ sộ vốn là động lực tăng trưởng cho kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu xuất hiện những vết nứt.
Ngân hàng - khu vực chủ chốt trong hệ thống tài chính đã tiếp sức cho sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới suốt 3 thập kỷ qua - đang đứng trước tình trạng căng thẳng sau nhiều năm tăng trưởng quá nhanh.

Lượng vốn lớn được hệ thống ngân hàng cung cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương dẫn đến tình trạng sản xuất dư thừa; chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp ngập trong nợ nần; các dự án bỏ hoang (từ trung tâm thương mại và khu nghỉ dưỡng trống rỗng cho tới những cây cầu không dẫn tới đâu) tràn lan trên khắp đất nước này.

Giờ đây, các ngân hàng Trung Quốc đang cố gắng củng cố bảng cân đối kế toán trước khi nợ xấu tăng lên cùng với tăng trưởng lợi nhuận sụt giảm. Nâng vốn là biện pháp tốn khá nhiều chi phí cho các ngân hàng bởi nhà đầu tư đang rất lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. TTCK cũng đã chứng kiến làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây.

Thể trạng yếu ớt của các ngân hàng Trung Quốc chỉ là phần nghiêm trọng của những vấn đề mà khu vực tài chính nước này đang gặp phải. Hệ thống "ngân hàng trong bóng tối" phát triển mạnh mẽ buộc NHTW Trung Quốc phải cho phép lãi suất liên ngân hàng tăng vọt trong tháng 6. Với lãi suất cho vay ngắn hạn gần chạm mốc 30%, thị trường cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc chao đảo.

Ngân hàng Trung Quốc.

Trong nỗ lực nâng vốn, 4 ngân hàng trực thuộc nhà nước lớn nhất Trung Quốc (xét theo giá trị tài sản) vừa được chấp thuận kế hoạch phát hành số chứng khoán trị giá 270 tỷ nhân dân tệ (tương đương 44,1 tỷ USD) trong 2 năm tới.

Tuy nhiên, áp lực tăng vốn lại đến vào thời điểm thị trường ở trong tâm lý tồi tệ. Hang Seng China Enterprises Index - chỉ số theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết trên TTCK Hong Kong và có tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng lớn - đã giảm 10,9% kể từ đầu năm tới nay.

Nguyên nhân là bởi từ lâu nay các ngân hàng trực thuộc nhà nước Trung Quốc đã "cung cấp nhiên liệu" cho cỗ máy tăng trưởng khổng lồ của nước này. Trong suốt 3 thập kỷ qua, "bộ tứ" đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh đến từ phương Tây (về giá trị vốn hóa) trong bối cảnh nhà đầu tư đổ xô mua vào. Xét theo tiêu chí giá trị vốn hóa, 4 trong số 10 ngân hàng lớn nhất thế giới là ngân hàng Trung Quốc.

Nợ ngân hàng
Nhiều phần trong đó đến từ hoạt động cho vay theo chỉ đạo của chính phủ. Một số tạo nên các ngành công nghiệp có sức cạnh tranh trên toàn cầu, từ sản xuất thép cho đến tấm pin năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, phần lớn được sử dụng để xây dựng đường cao tốc, đường sắt và các dự án cơ sở hạ tầng khác.

Tính đến cuối năm ngoái, tài sản của khu vực ngân hàng đã tăng vọt 126,5% so với 4 năm trước đó, lên 21.000 tỷ USD. Trung Quốc trở thành nước có hệ thống ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất, theo xếp hạng của Fitch. Tuy nhiên, đây cũng là hệ thống có vốn mỏng nhất, với lượng vốn chỉ tương đương 6,5% tổng tài sản trong khi tỷ lệ trung bình của các nước mới nổi là 11,2%.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang chú ý đến điều này. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi trên kênh truyền hình China Central Television hôm 2/8, Shang Fulin - Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân hàng Trung Quốc - thừa nhận rằng rủi ro xuất phát từ các khoản vay nợ của chính quyền địa phương và những khoản này nằm ở bên ngoài bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo các chính quyền địa phương có thể lâm vào rắc rối và không thể trả được nợ.

Ủy ban của ông Shang đang theo dõi chặt chẽ các rủi ro đối với hoạt động cho vay ngoại bảng của ngân hàng. Ông quả quyết có thể kiểm soát được rủi ro, hệ thống ngân hàng vẫn khá ổn định và khỏe mạnh.

Tuy nhiên, nhiều người tự hỏi liệu nhận định trên có quá lạc quan khi nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng yếu ớt và nợ xấu thì ngày càng tăng lên. Một báo cáo mới được Hiệp hội ngân hàng Trung Quốc công bố cho thấy các ngân hàng sẽ chứng kiến tăng trưởng thu nhập ròng sụt giảm khoảng 8% trong năm nay.

Nguồn CafeF


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày