Xe Thông Minh

Vì sao Bill Gates đầu tư vào một công ty không doanh thu trong lĩnh vực xe điện ?

Đông Sang Thứ Hai | 13/12/2021 17:55

Nhà máy Mangrove Lithium ở Canada. Nguồn: Saad Dara .

Quỹ đầu tư Breakthrough Energy Ventures của Bill Gates đã đầu tư 10 triệu USD vào Mangrove Lithium.
Nhà máy Mangrove Lithium ở Canada. Nguồn: Saad Dara .

Công ty này hiện có 7 người điều hành, không có doanh thu lẫn khách hàng. Tuy nhiên khoản đầu tư này có thể đem lại cho Breakthrough Energy Ventures một khoản lợi nhuận khổng lồ vì những gì Mangrove Lithium đang làm: biến Lithium thô thành nguyên liệu cho pin.

Cụ thể, Lithium được sử dụng trong pin cho xe điện là kim loại nhẹ nhất và có tỷ lệ điện tích trên trọng lượng cao nhất. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong thập kỷ qua, số lượng xe điện đã tăng lên nhanh chóng, vượt qua con số 10 triệu xe điện trên toàn cầu. Khi nhu cầu về xe điện tiếp tục tăng, nhu cầu về lithium cũng sẽ tăng theo.

Theo ông Andrew Miller, Giám đốc điều hành của Benchmark Mineral Intelligence, mức tăng trưởng về số lượng và kích thước pin sẽ khiến nhu cầu sử dụng lithium tăng rất mạnh (90%) vào năm 2030.

Nhưng vấn đề ở chỗ không phải số lượng lithium có hạn mà bởi nguồn lực hạn chế để biến lithium thành một dạng có thể sử dụng được trong ngành công nghiệp pin. Và đây điều Mangrove Lithium hướng đến, nhằm mục đích giúp tháo gỡ nút thắt cổ chai đó.

Có năm công đoạn của thị trường pin: khai thác và trích xuất; xử lý hoá học; sản xuất linh kiện pin; lắp ráp pin và sản xuất cho mục đích cuối cùng như sản xuất pin dành cho  điện thoại di động, máy tính xách tay, xe điện và những thứ tương tự.

Công nghệ của Mangrove Lithium tập trung vào giai đoạn hai: xử lý hóa học.

Giám đốc điều hành Mangrove Lithium, ông Saad Dara nói với CNBC. "Chúng tôi lấy lithium thô và tinh chỉnh nó thành một sản phẩm cấp pin".

Ông Dara có bằng Tiến sĩ về kỹ thuật hóa học và sinh học tại đại học British Columbia. Vào năm 2017, ông và các đồng nghiệp của mình đã nhận được tiền từ chính phủ liên bang Canada để theo đuổi quá trình khử muối trong nước và sản xuất hóa chất, đồng thời biến công nghệ đó thành một công ty đầu tiên với tên gọi là Mangrove Water Technologies.

Cơ duyên đến với lithium của ông Dara vào năm 2018. Lúc đó một nhà sản xuất lithium từ Nam Mỹ đã quan tâm đến việc liệu nhóm Mangrove có thể xử lý lithium chloride, một dạng lithium cụ thể được rút ra khỏi mặt đất trong quá trình khai thác, thành lithium hydroxide hay không. Cuộc điều tra đó đã thúc đẩy công ty khởi nghiệp theo đuổi quy trình điện hóa tinh chế lithium theo cách mà công ty tuyên bố là tiết kiệm năng lượng hơn các quy trình thông thường.

Ông Ian Hayton, Nhà phân tích vật liệu và hóa học tại công ty tư vấn và nghiên cứu, Cleantech Group, cho biết: “Vấn đề mà bạn gặp phải với việc khai thác và xử lý lithium nói chung là nó khá kém hiệu quả. Quy trình khai thác lithium hiện tại, có thể bạn chỉ lấy được khoảng 50% lượng lithium từ nước muối thực tế hoặc từ đá cứng.”

Với công nghệ Mangrove Lithium, ông Dara cho rằng có thể phục hồi 90%.

Mangrove Lithium hiện có một nhà máy thí điểm đang hoạt động ở Vancouver (Canada). Nguồn vốn huy động được từ Breakthrough sẽ  được dùng để xây dựng một nhà máy thương mại, quy mô công nghiệp. Dara cho biết công ty đặt mục tiêu có khách hàng trả tiền vào cuối năm 2022

Công bố về Lithium của người đứng đầu Mangrove Lithium đã gây ấn tượng với ông Zheng Chen, một giáo sư tại Đại học California San Diego, người cũng đang nghiên cứu về quy trình tái chế pin lithium-ion.

Ông Chen đồng tình với quan điểm khả năng sản xuất trực tiếp lithium carbonate và lithium hydroxide có độ tinh khiết cao là rất ấn tượng nhưng việc mở rộng quy mô có thể là một thách thức.

“Có vẻ như họ đã chứng minh được quy mô hợp lý, nhưng liệu họ có thể hoạt động để sản xuất muối lithium có độ tinh khiết cao ở quy mô 10.000 tấn với lợi ích chi phí đồng thời không? Nếu họ làm được, đó sẽ là một người thay đổi cuộc chơi.”, ông Chen nói.

Nguồn CNBC


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày