Bất động sản

Nhà đầu tư muốn trả lại dự án cầu Phú Mỹ

Thứ Sáu | 03/08/2012 17:22

Nguyên nhân là do UBND TPHCM vẫn chưa thực hiện những thỏa thuận đã cam kết với phía chủ đầu tư là công ty PMC.
Dự án cây cầu Phú Mỹ được đánh giá là dự án có vai trò quan trong cho TPHCM, tuy nhiên, tới thời điểm này vẫn còn nhiều vướng mặc giữa chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) và UBND TPHCM.  Hiện nay còn tồn tại một số cam kết giữa hai bên vẫn chưa được thực hiện.

Thứ nhất, thành phố vẫn chưa hoàn thành đồng bộ tuyến đường vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ tới Ngã tư Bình Thái nên cầu Phú Mỹ khó có thể thu phí. Điều này trái với cam kết quy định: Thành phố sẽ hoàn thành đồng bộ đường vành đai phía Đông với cầu Phú Mỹ, giao thông sẽ được thông suốt từ nút giao thông khu A Nam Sài Gòn qua cầu Phú Mỹ, cầu Rạch Chiếc tới Ngã tư Bình Thái khi cầu đưa vào khai thác.

Thứ 2, TPHCM vẫn chưa thực hiện phân luồng giao thông như cam kết: Hạn chế các xe tải nặng toàn bộ phía trong tuyến đường vành đai phía Đông; Hạn chế tối đa xe tải nặng đi xuyên qua trung tâm thành phố hoặc qua các cầu như Khánh Hội, Kênh Tẻ, hầm Thủ Thiêm; Cầu Phú Mỹ sẽ đảm nhận toàn bộ luồng xe tải nặng qua tuyến đường vành đai phía Đông của thành phố.

Do cả 2 điều kiện trên chưa được thực hiện đầy đủ theo hợp đồng nên lượng xe qua cầu Phú Mỹ cũng bị hạn chế nhiều và nguồn thu phí cũng rất khiêm tốn. Theo tìm hiểu, việc thu phí qua cầu hiện nay không đủ để trả lãi và nợ vay cũng có những nguyên nhân khách quan nằm ngoài khả năng kiểm soát của PMC.

Ông Nghiêm Sỹ Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty PMC gửi văn bản kiến nghị tới UBND TPHCM đề nghị được giãn nợ vay của HFIC (xin được trả nợ vay trong thời gian 15 - 20 năm); ân hạn 5 năm hoặc hỗ trợ Công ty vay ưu đãi của Quỹ đầu tư hạ tầng thành phố hoặc Ngân hàng Phát triển Việt Nam 1.000 tỷ đồng để có vốn trang trải công nợ.

"Nếu không được giãn nợ hoặc vay vốn 1.000 tỷ đồng, Công ty sẽ xin bàn giao lại cầu cho thành phố”, ông Minh nhấn mạnh.

Dự án đầu tư BOT cầu Phú Mỹ với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.806 tỷ đồng thuộc tuyến đường vành đai 2 nối quận 7 với quận 2, kết nối quận 9, Thủ Đức tạo thành một vành đai vòng tròn đầu tiên của thành phố. Đáp ứng năng lực thông xe vào năm 2010 là 4.760 xe/giờ và đến năm 2020 là 8.400 xe/giờ, góp phần tăng năng lực giao thông cho khu vực trung tâm của TPHCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày