Chuyên đề

Dòng vốn Trung Quốc rót vào đâu năm 2020?

Sơn Nguyễn Thứ Tư | 01/01/2020 08:00

Nguồn ảnh: welcome2bhutan.com

Dòng vốn từ trung quốc sau khi tạo nên những kỷ lục thì đang mở rộng hơn trong nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam.
Nguồn ảnh: welcome2bhutan.com

Theo một dữ liệu của Hải quan Mỹ, Việt Nam đã hưởng lợi: Các lô hàng đèn Giáng sinh nhập từ Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong 10 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, nhập khẩu đèn của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm 49%. Không chỉ là những bóng đèn trang trí dịp năm mới, dòng vốn từ Trung Quốc cũng đang tạo nên nhiều sắc màu đối với nền kinh tế Việt Nam.

Trong một động thái bất ngờ, Ant Financial, cánh tay đầu tư tài chính của tỉ phú Jack Ma, đã âm thầm mua lại một tỉ lệ lớn cổ phần trong ví điện tử eMonkey của Công ty Dịch vụ Thương mại và Công nghệ M-Pay. Giá trị của thương vụ mua bán không được tiết lộ chi tiết nhưng tin rằng đó là con số không nhỏ nếu nhìn vào các thương vụ gần đây trên thị trường thanh toán di động. Nhưng điều gây bất ngờ là sự kiện này đã không được truyền thông rộng rãi bởi Tập đoàn Alibaba. “Khá dễ hiểu khi các nhà đầu tư Trung Quốc, bao gồm những người nhìn vào thị trường Việt Nam với tiềm năng về tiêu dùng, cũng như mong muốn giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đều muốn giấu kín thông tin các thương vụ đầu tư”, Nick Marro, chuyên gia về thương mại toàn cầu tại Công ty Tư vấn Economist Intelligent Unit, nhận định trên Reuters.

 



Bên cạnh mảng hạ tầng, tài chính đang dần trở thành mục tiêu hướng tới của giới đầu tư Trung Quốc. Tương tự như động thái của Ant Financial, mới đây, nhà môi giới chứng khoán đến từ Trung Quốc là Quốc Thái Quân An đã mua lại Công ty Chứng khoán IVS. Sự kiện này không những đưa ông Quốc trở thành nhà môi giới chứng khoán đầu tiên của Trung Quốc vào Việt Nam, mà còn là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh quốc tế của công ty này, giúp đa dạng hóa kinh doanh và hỗ trợ các nhà đầu tư chứng khoán nước này rót vốn vào Việt Nam.

Hay trên lĩnh vực ngân hàng, ngân hàng lớn thứ 2 thế giới về mức độ vốn hóa China Construction Bank (CCB) mở chi nhánh tại TP.HCM. Đây là chi nhánh đầu tiên của CCB đặt tại Việt Nam và là chi nhánh thứ 2 tại khu vực ASEAN, đưa khu vực này trở thành điểm nóng trong chiến lược kinh doanh của ngân hàng trong các năm tới.

Một mảng khác hứa hẹn trở thành kênh đầu tư an toàn cho giới đầu tư Trung Quốc là bất động sản. Bên cạnh phân khúc nhà ở, thị trường “second home” tại các địa danh du lịch nổi tiếng cũng trở thành đích nhắm của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc. Đơn cử như tại Nha Trang, làn sóng săn lùng các căn biệt thự, condotel khiến cho giá bất động sản tăng vọt. Để hạn chế thực trạng bong bóng, mới đây chính quyền tỉnh Khánh Hòa yêu cầu 129 doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn không được bán bất động sản du lịch cho cá nhân, tổ chức nước ngoài khi chưa hoàn thành đầy đủ thủ tục pháp lý.

Theo hãng môi giới Juwai.com, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với những năm trước, trong khi chính phủ nước này thắt chặt hơn dòng vốn chảy ra nước ngoài để quản lý kho dự trữ ngoại hối, nhưng sự quan tâm của Trung Quốc đối với bất động sản ở nước ngoài vẫn tăng tốc dù có phần thận trọng hơn.

Trong quá khứ, Mỹ là đích đến được người mua bất động sản Trung Quốc quan tâm nhất. Nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài đã làm giảm nhiệt tình của giới đầu tư nước này. Cùng với áp lực mạnh mẽ của Bắc Kinh về kiểm soát vốn, giá trị mua ròng bất động sản thương mại và nhà ở của người Trung Quốc tại Mỹ năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012. Hậu quả là dòng vốn đầu tư đang có xu thế chuyển dịch sang các thị trường tiềm năng khác. “Khu vực châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN như Malaysia và Việt Nam, đã chứng kiến sự gia tăng hoạt động bất động sản từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” Trung Quốc cũng đã khiến một số quốc gia này hấp dẫn hơn, mang đến cho người mua Trung Quốc cảm giác tin tưởng rằng các khoản đầu tư ở nước ngoài của họ vẫn an toàn và ổn định”, Juwai.com nhận định.

Sự hiện diện của giới đầu tư Trung Quốc còn nhìn thấy trên các lĩnh vực thời thượng khác như năng lượng, thép hay công nghệ. “Tôi cho rằng bất động sản, các khu công nghiệp và hạ tầng sẽ tiếp tục chứng kiến nhu cầu đầu tư mạnh mẽ từ giới đầu tư Trung Quốc trong năm 2020”, ông Peter Sorensen, Giám đốc Điều hành của Công ty Tư vấn ABB Merchant Banking, chia sẻ với NCĐT.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), vốn Trung Quốc vào Việt Nam chưa nổi trội so với các nước đã đầu tư lâu đời tại Việt Nam. Bởi chủ yếu nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nước này mang tính kinh doanh, tính toán rất kỹ, vào Việt Nam có lợi cho nhà đầu tư Trung Quốc hay không. Do đó, vốn đầu tư từ nước này chưa có sự khác biệt lớn về công nghệ, mật độ vốn.

 

Các con số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn FDI. Cụ thể năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78% thì 11 tháng năm nay, con số này đã tăng lên 35,4%. Cũng trong 11 tháng, các nhà đầu tư Hồng Kông dẫn đầu bảng xếp hạng dòng vốn vào Việt Nam với quy mô 6,69 tỉ USD, vượt xa người đứng thứ 2 là Hàn Quốc (5,73 tỉ USD), còn dòng vốn đến từ đại lục cũng tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Theo khảo sát của Công ty Chứng khoán SSI, trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc gia tăng góp vốn mua cổ phần với tốc độ cao, tăng 40% sau khi đã tăng 65% trong năm 2018. Từ vị trí thứ 5, Trung Quốc đã lên đứng vị trí thứ 3 (không tính Hồng Kông) về tổng giá trị thương vụ. Về số lượng, Trung Quốc liên tục đứng thứ 2 với 1.470 thương vụ trong 10 tháng, đứng sau là Hàn Quốc với 2.260 thương vụ.

2020: Tâm điểm 5 địa phương công nghiệp phía Bắc

Hưởng lợi từ hàng loạt dự án cao tốc nối liền Hà Nội, Hải Phòng đến Quảng Ninh, Lạng Sơn với tổng vốn đầu tư lên đến 128.000 tỉ đồng, khu vực các tỉnh phía Bắc đang nổi lên trở thành tâm điểm mới của dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc cũng như các quốc gia khác. Trong đó, các khu kinh tế trọng điểm phía Bắc (NKEZ) được đánh giá là có nhiều cơ hội. “Sở hữu vị trí chiến lược cùng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, NKEZ phù hợp cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng thiết lập hoạt động ngay lập tức”, Công ty Tư vấn JLL Vietnam nhận định.

Đứng thứ 3 trong 10 thành phố năng động nhất trong Báo cáo Chỉ số Động lực Phát triển Đô thị của JLL năm 2018, Hà Nội đang phát triển chóng mặt với các cập nhật cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm cả một đường tàu điện ngầm hiện đại. “Hà Nội chỉ đứng sau TP.HCM về số lượng doanh nghiệp. Thành phố này hoàn toàn có tiềm năng để trở thành mũi nhọn kinh tế lớn nhất tại Việt Nam. Sự tắc nghẽn giao thông, vấn đề ô nhiễm và chỉ số minh bạch thị trường là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc thị trường phía Bắc”, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc của JLL Vietnam, nhận xét.

Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Quảng Ninh cũng nhanh chóng trở thành tâm điểm đầu tư bên cạnh Hà Nội nhờ hàng loạt khu công nghiệp mọc lên trong các năm qua. Hơn nữa, nguồn cung mới từ các giai đoạn tiếp theo của những khu công nghiệp hiện có và các khu công nghiệp mới được xây dựng ở những vị trí chiến lược sẽ cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho nhà đầu tư. Theo JLL, với làn sóng các nhà sản xuất chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, các khoản đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, đặc biệt là về 5 thành phố công nghiệp trọng điểm kể trên.

Theo khảo sát của JLL, giá đất công nghiệp trung bình trong quý III/2019 đạt 95 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài Hà Nội là trung tâm kinh tế có mức giá thuê cao nhất, Bắc Ninh và Hải Phòng vẫn giữ được vị trí hàng đầu nhờ nền tảng công nghiệp mạnh mẽ với khách thuê nổi bật, vị trí chiến lược và hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Hải Dương và Hưng Yên vẫn giữ giá thuê ở mức hợp lý.
 

 

Trong 12 tháng tới, sẽ có thêm 615ha đất công nghiệp tung ra thị trường tại 5 tỉnh phía Bắc. Dù vậy, JLL cho rằng giá đất công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam dự kiến vẫn tăng trưởng ổn định do nhu cầu mạnh mẽ đến từ nhà đầu tư. “Các nhà đầu tư mới - phần lớn đến từ các nước châu Á như Nhật, Hàn Quốc hay Trung Quốc sẽ vẫn quan tâm đến việc đầu tư sở hữu tài sản công nghiệp Việt Nam”, JLL nhận định.

Xu thế phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp sản xuất trên khắp các tỉnh cũng mang lại tiềm năng phát triển lớn cho những mảng bất động sản khác, như các khu dân cư hay các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Vịnh Hạ Long. Mới đây, Việt Nam đã ban hành những điều chỉnh mới trong Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh theo hướng ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài rót vốn lớn vào Việt Nam. Cụ thể, nhà đầu tư có vốn góp giá trị dưới 3 tỉ đồng được cấp thị thực có thời hạn không quá 1 năm, nhà đầu tư có vốn góp giá trị từ 100 tỉ đồng trở lên được cấp thẻ tạm trú đến 10 năm thay vì chỉ có thời hạn 5 năm như trước đây.

 

Tất nhiên, đi cùng với gia tăng quan tâm của giới đầu tư Trung Quốc là nỗi lo về nguy cơ núp bóng thương mại, khi Việt Nam có thể trở thành hầm trú ẩn để các doanh nghiệp né được hàng rào thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dựng lên. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định áp thuế tới 456,23% đối với dòng sản phẩm thép cán nguội và chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam nhưng sử dụng nguyên liệu chủ yếu từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài thép, một danh sách gồm 25 mặt hàng có nguy cơ cao nằm trong diện bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã được Bộ Công Thương cập nhật. Chính vì vậy, Tiến sĩ Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần phân tích cụ thể những đánh giá về FDI của Trung Quốc với các khoản vay, tác động và ảnh hưởng, hệ lụy của dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam.
 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày