Chuyên đề

Tài chính xanh v.s biến đổi khí hậu

Tim Evans Thứ Năm | 29/07/2021 08:00

Mỗi doanh nghiệp, mỗi quỹ đầu tư đều đóng một vai trò nhất định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và giúp thế giới này trở nên bền vững hơn.

Trong một năm rưỡi vừa qua, chủ đề nóng nhất của cả thế giới dường như chỉ xoay quanh COVID-19. Kể từ khi xuất hiện từ đầu năm 2020 tới nay, không thể phủ nhận sự tàn phá ghê gớm của đại dịch đối với thương mại toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội và tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế. Nhiều người gọi COVID-19 là “cơn giận dữ của thiên nhiên”.

Tuy nhiên, chúng ta không thể quên một sự thật là vẫn còn những vấn đề lớn đang tiếp diễn ngay cả trong bối cảnh đại dịch chưa hạ nhiệt, một trong số đó chính là biến đổi khí hậu. Từ những thay đổi khí hậu cực đoan đe dọa mùa màng, sản xuất lương thực, thực phẩm đến mực nước biển dâng cao làm tăng nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng, tác động của biến đổi khí hậu hiển hiện khắp mọi nơi trên thế giới và xuất hiện ngày một nhiều thêm.

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI

Một tín hiệu tích cực là ngày càng có nhiều doanh nghiệp và tổ chức sẵn sàng thay đổi để dẫn dắt thế giới thay đổi. Môi trường, Xã hội và Quản trị (Environmental, Social, Governance - ESG) bắt đầu thu hút sự quan tâm lớn của giới kinh doanh với nhiều chiến lược mới, nguồn vốn mới và công cụ tài chính mới hướng tới mục tiêu bền vững liên tục được đưa ra.

Thực tế, trong thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong thái độ của giới kinh doanh đối với vấn đề giảm phát thải carbon xuống 0% với nhiều nhà đầu tư và tổ chức huy động vốn đã chủ động trong lĩnh vực tài chính bền vững và nhóm này có xu hướng sẽ mở rộng thêm trong những năm tới.

Có thể thấy thị trường trái phiếu xanh, xã hội và bền vững đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ: 36% nhà đầu tư trái phiếu dù chưa từng mua nhóm trái phiếu này cho biết họ dự định sẽ nghiêm túc mua trong tương lai (theo Báo cáo Khảo sát đầu tư và tài chính bền vững 2020 - Khu vực châu Á). 

 

Nếu mục tiêu giải cứu thế giới chưa đủ hấp dẫn thì chắc hẳn lợi nhuận cũng phần nào khiến họ bị thuyết phục. Những năm gần đây, các doanh nghiệp biết chú trọng tới chỉ số ESG đều có kết quả kinh doanh tốt hơn nhóm chưa lưu tâm tới vấn đề này. Điều đáng khích lệ là ngày càng nhiều doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược để tập trung hơn vào mục tiêu giúp giảm phát thải carbon xuống 0% trên toàn thế giới. Có lẽ, thời của mục tiêu đầu tư thuần vì lợi nhuận đã không còn nữa. Mọi người đều cần nhìn thấy được bức tranh tổng thể.

Tôi đã theo sát thị trường Việt Nam từ nhiều năm nay, trước khi tôi đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam. Trong thời gian đó, tôi quan sát Việt Nam, cả cơ hội lẫn thách thức mà trong đó các vấn đề khí hậu là một ví dụ điển hình. Đất nước của các bạn phải đối mặt với mức độ rủi ro thảm họa rất cao, xếp thứ 91 trong 191 quốc gia theo thang đánh giá INFORM Index1 năm 2019, nguyên nhân chính là do mức độ cao về khả năng xảy ra thiên tai. Tác động do biến đổi khí hậu nói riêng dự kiến có thể ảnh hưởng đến 433.000 người/năm, gây thâm hụt 3,6 tỉ USD GDP vào năm 2030. 

Dự án điện gió Lợi Hải 2 tại tỉnh Ninh Thuận.
Dự án điện gió Lợi Hải 2 tại tỉnh Ninh Thuận.

Đặc biệt là TP.HCM, nơi tôi đang sinh sống, nằm trong nhóm 10 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới do biến đổi khí hậu. Dự kiến tới năm 2050, hàng triệu người dân TP.HCM sẽ phải hứng chịu rủi ro từ những hiện tượng liên quan tới khí hậu như ngập lụt, hạn hán và bão nhiệt đới.

Ngoài ra, ở Việt Nam còn dễ xảy ra giông và gió lốc nhiệt đới với tần suất trung bình 6-8 lần/năm và nguy cơ sạt lở đất cao ở vùng duyên hải phía Bắc. Thêm nữa, ước tính khoảng 1-1,3 triệu người dân thuộc 9 tỉnh miền Tây phải chịu ảnh hưởng do hạn hán, tương đương 13-17% tổng dân số cả nước. Hạn hán có thể xảy ra ở khắp mọi miền nhưng những năm gần đây lại chủ yếu tập trung ở miền Trung và Nam Bộ, trong đó vụ mùa xuân - hạ (tầm tháng 1-3 hằng năm) thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tình trạng này còn đáng báo động hơn khi biến đổi khí hậu gây ra những ảnh hưởng trực tiếp lên tăng trưởng kinh tế bởi hậu quả có thể thấy được như phá hỏng cơ sở vật chất và đất đai. Mặt khác, biến đổi khí hậu tác động đến các doanh nghiệp trên thị trường thông qua những rủi ro chuyển đổi như thay đổi trong chính sách khí hậu, công nghệ và hành vi người tiêu dùng trong quá trình điều chỉnh sang nền kinh tế phát thải carbon thấp. Cả 2 xu hướng này đều có những tác động về tài chính và kinh tế vĩ mô.

TÀI CHÍNH XANH CHO TƯƠNG LAI BỀN VỮNG

Mặc dù tài chính cũng chịu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, bản thân ngành này cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến xử lý vấn đề nóng bỏng này. Đóng góp lớn nhất phải kể đến chính là vai trò cung cấp nguồn vốn cho hành trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải, giúp các doanh nghiệp dịch chuyển dần khỏi các hoạt động phát thải nhiều carbon.

Mặt khác, ngành tài chính cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong chuyển đổi năng lượng và cơ sở hạ tầng bền vững thông qua đầu tư vào các sáng kiến khí hậu để hỗ trợ những lĩnh vực tăng trưởng mới như năng lượng sạch và sản phẩm tối ưu hóa năng lượng. Đồng thời, ngành tài chính hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho phương tiện giao thông chạy bằng điện, đường ray, kho dự trữ năng lượng, hấp thu và lưu giữ khí hydro và carbon.

Dự án Cống kiểm soát triều Tân Thuận (TP.HCM) có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu do Ngân hàng BIDV tài trợ vốn.
Dự án Cống kiểm soát triều Tân Thuận (TP.HCM) có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu do Ngân hàng BIDV tài trợ vốn.

Với tổng GDP trị giá 3.110 tỉ USD trong năm 2020, ASEAN nằm trong nhóm các khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Một mặt, các nước thành viên khối này phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu khiến nhu cầu chuyển đổi sang một nền kinh tế ổn định và bền vững càng trở nên cấp thiết. Mặt khác, các khoản đầu tư vào biến đổi khí hậu chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á giúp các nước đang phát triển tự tin bỏ qua những lựa chọn có thể gây ô nhiễm và tiến tới sử dụng năng lượng sạch.

Những năm gần đây, nhờ có những chính sách thuận lợi, lĩnh vực tài chính xanh trở nên sôi động hơn. Thị trường tài chính bền vững của ASEAN duy trì mức tăng trưởng nhanh chóng bất kể tác động tiêu cực do dịch COVID-19. Tổng lượng tín dụng và trái phiếu GSS của các nước trong khối đạt mức cao kỷ lục vào năm 2020 tương đương 12,8 tỉ USD, tăng lên từ mức 11,5 tỉ USD trong năm 2019. Giá trị lũy kế hiện tại đạt 29,4 tỉ USD.

 

Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất thế giới do biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng gia nhập làn sóng tài chính bền vững từ năm 2019 với tổng giá trị trái phiếu xanh đạt 27 triệu USD và tiềm năng còn nhiều hơn nữa trong tương lai. 2 địa phương triển khai thí điểm trái phiếu xanh là TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, với loại trái phiếu phát hành là trái phiếu chính quyền địa phương với quy mô còn nhỏ. Cần khuyến khích thêm các doanh nghiệp tư nhân và tổ chức huy động vốn cùng tham gia phát hành trái phiếu nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Năm 2020, Việt Nam cũng chứng kiến 2 khoản tín dụng xanh với tổng giá trị 257 triệu USD. Thứ nhất là khoản vay 71 triệu USD nằm trong gói tài chính 212,5 triệu USD do IFC cấp vào tháng 1.2020. Thứ 2 là khoản tín dụng xanh trị giá 186 triệu USD do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cấp cho một công ty tư nhân để xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời 257 MW ở Phú Yên.

Đây cũng là khoản tín dụng xanh đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn của Climate Bonds Initiative. Các tổ chức tài chính quốc tế như HSBC cũng tham gia lĩnh vực này từ năm 2019 với các khoản vay xanh dành cho cả khách hàng doanh nghiệp lẫn cá nhân, sản phẩm tiền gửi xanh cho doanh nghiệp và ngân hàng đang chuẩn bị cho các giao dịch xanh năm 2021 bao gồm những sản phẩm cho vay cả ngắn  hạn lẫn dài hạn, bảo lãnh và hạn mức thương mại.

Có thể thấy khối ngân hàng trong nước cũng có nhiều nỗ lực “xanh hóa”. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến quý I/2019, có 20 tổ chức tín dụng cung cấp khoản vay tín dụng xanh với tổng giá trị cho vay 242.000 tỉ đồng (tương đương 10,5 tỉ USD), tăng 2% so với năm 2018.

THỜI ĐIỂM VÀNG KHÔNG THỂ BỎ LỠ

Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm dồn nỗ lực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thông qua một loạt quyết sách. Những nỗ lực của Chính phủ đã tạo nền tảng cho tài chính xanh phát triển. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu xanh do thiếu vắng một khung pháp lý phù hợp hỗ trợ quy trình phát hành. Chính phủ cần nỗ lực thêm nữa nhằm tạo điều kiện có thêm sản phẩm đa dạng từ đơn giản đến phức tạp được đưa ra để đóng góp cho hành trình xanh hóa của ngành tài chính.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể học hỏi từ kinh nghiệm của các ngân hàng trung ương trên thế giới như áp dụng quy định công bố tài chính xanh và yêu cầu dự trữ hoặc yêu cầu cụ thể về nguồn vốn xanh, vốn điều lệ để thiết lập đánh giá chính xác về rủi ro do phát thải carbon. Ngân hàng Nhà nước cũng có thể yêu cầu các tổ chức tài chính đưa những thông số đánh giá thất thoát tiềm ẩn liên quan đến xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu vào cơ cấu quản lý và đánh giá rủi ro.

 

Bản thân các tổ chức tài chính cũng có thể tham gia tích cực vào công cuộc xanh hóa này bằng cách tự xanh hóa trong vận hành và thông qua những giải pháp giúp khách hàng chuyển đổi sang phát thải carbon 0%. Tất nhiên, thách thức trong quá trình chuyển đổi còn nhiều nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp hào hứng nhập cuộc.

Năm ngoái, Công ty Sản xuất nhựa Duy Tân đã khởi động hành trình chuyển đổi của họ bằng kế hoạch xây dựng nhà máy tái chế nhựa duy nhất tại Việt Nam áp dụng công nghệ tái chế Bottles to Bottles (Chai ra Chai), tức tái chế chai nhựa phế liệu thành chai nhựa mới. Dự kiến sau này, nhà máy sẽ sản xuất khoảng 8 triệu chai/năm từ hạt nhựa tái chế.

Công ty Nhựa Duy Tân được cấp tín dụng xanh để xây dựng nhà máy tái chế chai nhựa.
Công ty Nhựa Duy Tân được cấp tín dụng xanh để xây dựng nhà máy tái chế chai nhựa.

Một sự thật ngày càng rõ nét là chúng ta đang tiến gần hơn tới ngưỡng báo động trong vấn đề khí hậu. Doanh nghiệp không thể kéo dài các hoạt động phát thải lượng lớn carbon quá lâu. Nếu không có biện pháp kịp thời, cả tăng trưởng kinh tế lẫn cuộc sống đều gặp rủi ro ngày càng tăng cao. 

Năm vừa rồi, nhiều doanh nghiệp trên thế giới còn mải tập trung để duy trì hoạt động, khi đại dịch đã tác động lớn đến họ, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng chúng ta cũng không thể tạm gác lại vấn đề biến đổi khí hậu. Ngược lại, đây chính là cơ hội vàng để định hình lại cách chúng ta vận hành để “trở lại lợi hại hơn xưa”, phục hồi theo hướng bền vững hơn, xanh hơn. Thời điểm này, chúng ta cần những bước đi cụ thể trong chuyển đổi - thêm vốn đầu tư, thêm sáng kiến, công nghệ mới và thể chế chính sách thông minh. Đây là thời điểm vàng chúng ta không thể bỏ lỡ.

Hành trình chuyển đổi sang một thế giới phát thải carbon thấp sẽ tiếp tục định hình lại các nền kinh tế trên toàn thế giới và tất nhiên Việt Nam cũng không ngoại lệ. Doanh nghiệp mỗi ngành đều cần hoạch định con đường dẫn đến một tương lai không phát thải carbon và những ý kiến chuyên môn về tài chính chuyển đổi là rất cần thiết, để bảo vệ không chỉ doanh nghiệp mà còn bao gồm cả cuộc sống nhân viên của chính họ và cộng đồng trên khắp đất nước này. Nhiều thách thức đang chờ tất cả chúng ta ở phía trước nhưng tôi tin rằng cách tốt nhất là đối diện và vượt qua.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày