Kinh Doanh

Đã xử lý 39 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng

Thứ Năm | 27/12/2012 21:47

Trong 4 tháng đầu năm, nợ xấu tăng khoảng 8-9% mỗi tháng thì đến nay tốc độ tăng giảm còn 3%/tháng, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Chiều nay (27/12), tại cuộc họp báo tổng kết cuối năm, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong năm 2012, NHNN đã đưa ra một số chính sách để xử lý nợ xấu, trong đó yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý nợ xấu bằng dự phòng, cơ cấu lại nợ và xử lý tài sản đảm bảo.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng bàn đề án xử lý nợ xấu và thành lập công ty mua bán nợ, giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Theo đó, tốc độ gia tăng của nợ xấu từng bước được kiểm soát. Trong 4 tháng đầu năm, nợ xấu tăng khoảng 8-9% mỗi tháng, đến nay tốc độ tăng còn 3%/tháng, đặc biệt tháng 10 nợ xấu giảm 0,95%.

Hết 30/9, theo báo cáo của cơ quan thanh tra giám sát NHNN, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD là 8,82%, tương đương gần 240 nghìn tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng cũng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Đến nay, số dự phòng rủi ro đã trích mà chưa sử dụng là 78,6 nghìn tỷ đồng. 11 tháng đầu năm, số nợ xấu đã được xử lý bằng dự phòng đạt khoảng 39 nghìn tỷ đồng, ông Nghĩa nói.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhận xét, năm nay không ngân hàng nào lãi lớn vì phải thực hiện trích dự phòng xử lý nợ xấu, từ đó dẫn đến việc chia cổ tức thấp hoặc không chia cổ tức.

Năm nay, với đề án Chính phủ sắp thông qua là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến cơ bản về xử lý nợ xấu, đến 2015 đưa tỷ lệ nợ nợ xấu về an toàn, khoảng 3%, Thống đốc nói.

Nguồn Khampha


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày