Kinh Doanh

Lúa, cá tra lỗ nặng khiến nông dân ĐBSCL điêu đứng

Chủ Nhật | 21/07/2013 09:12

Sản xuất lúa, cá tra ở ĐBSCL lâm vào tình trạng khó khăn kéo dài trong suốt 2 năm qu.
Những ngày qua, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giá lúa giảm mạnh. Lúa tươi vừa được người nông dân Hậu Giang bán tại ruộng chỉ với 2.800 đồng/kg.

Còn cá tra thì đang khiến người nông dân lâm vào tình cảnh càng nuôi càng bế tắc vì lỗ nặng. Cá tra vốn là thế mạnh của ĐBSCL giờ trở thành gánh nặng của người nông dân khi mà họ đã phải chịu thiệt hại trong nuôi trồng và tiêu thụ cá.

Có thể nói, chưa bao giờ người nông dân ĐBSCL thấy kiệt sức như lúc này.

Nhiều nông dân ĐBSCL đang bức xúc khi sản xuất lúa, cá tra đã lâm vào tình trạng khó khăn kéo dài trong suốt 2 năm qua, nhưng cơ quan quản lý và chính quyền các cấp vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể nào, khiến cuộc sống của người nông dân vẫn mãi bấp bênh theo mùa vụ.

2 năm trở lại đây, giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng lúa đang chững lại; thu nhập của người trồng lúa đang giảm dần do giá bán (đầu ra) không tăng nhưng chi phí đầu vào như vật tư, phân bón lại tăng liên tục. Người trồng lúa vẫn đang không biết đến bao giờ có được khoản lợi nhuận 30% mà các nhà quản lý đã cam kết.

Đối với cá tra, hiện người nuôi cá đang thua lỗ 3.000 đồng/kg, nguyên nhân là giá thức ăn tăng cao. Chính giá vật tư nông nghiệp, giá thức ăn là chi phí lớn nhất trong sản xuất làm ảnh hưởng tới giá thành. Rất nhiều người không có vốn, mua vật tư dạng "ký sổ", bị đại lý cộng thêm lãi nợ vào giá bán, lãi này được tính cao hơn cả lãi ngân hàng. Giá thành sản xuất tăng thêm, bán xong họ trắng tay. Vật tư, nguyên liệu đầu vào thấp sẽ góp phần giảm giá thành, nhưng những năm gần đây ở ĐBSCL có tình trạng, cứ vào đầu vụ thì giá vật tư tăng và nông dân là người phải gánh chịu.

Trong lúc ngành nông nghiệp ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn, người nông dân trồng lúa và nuôi cá đang kiệt sức vì giá cả bấp bênh, càng sản xuất càng thua lỗ, họ lại gặp phải rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, khiến nhiều gia đình đã phải chấp nhận đi vay "tín dụng đen".

Khó khăn của ngành nông nghiệp ĐBSCL hiện nay có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng, có một nguyên nhân quan trọng là do chúng ta buông lỏng quản lý, phát triển thiếu quy hoạch, đặc biệt là không có cơ chế hỗ trợ người nông dân mang tính bền vững. Những chính sách áp dụng thời gian qua như thu mua tạm trữ lúa gạo, cho vay vốn ưu đãi được đánh giá là rất tốt nhưng nó chỉ được áp dụng khi người nông dân đã gặp khó khăn.

Nguồn VOV News


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày