Phong Cách Sống

Năm 2050, TP.HCM có thể bị nước biển nhấn chìm

Trang Lê Thứ Năm | 31/10/2019 10:31

Nguồn ảnh: SBS

Một nghiên cứu mới nhất, tới năm 2050, số dân cư bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng có thể sẽ tăng gấp ba lần so với dự đoán trước đây.
Nguồn ảnh: SBS

Nghiên cứu do Climate Central, tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, thực hiện và được công bố trên tạp chí Nature hôm 29/10.

Trong đó, các tác giả dựa trên chỉ số vệ tinh để tính toán lại độ cao của đất liền và ảnh hưởng của nước biển dâng trong phạm vi lớn. Kết quả cho thấy đến năm 2050, khu vực sinh sống của khoảng 150 triệu người có thể sẽ bị nước biển nhấn chìm.

Biểu đồ bên trái là nghiên cứu cũ, biểu đồ bên phải là nghiên cứu mới về vùng bị ảnh hưởng khi thủy triều lên của Việt Nam.
Biểu đồ bên trái là nghiên cứu cũ, biểu đồ bên phải là nghiên cứu mới về vùng bị ảnh hưởng khi thủy triều lên của Việt Nam. Màu xanh là vùng nước biển tràn ngập vào đất liền, màu xám là vùng dân cư. Nguồn: New York Times

Các địa phương tại Phía Nam của Việt Nam cũng là một trong các khu vực có thể bị nhấn chìm. Bản đồ đầu tiên thể hiện dự báo trước đó về ảnh hưởng của nước biển dâng vào năm 2050. Tuy nhiên, bản đồ thứ hai, theo dự báo mới nhất, chỉ ra rằng mức độ ảnh hưởng có thể trầm trọng hơn nhiều khi thủy triều lên. Hơn 20 triệu người Việt Nam, tức 1/4 dân số, hiện sống trên vùng đất sẽ bị ngập lụt. Phần lớn TP.HCM có thể sẽ biến mất. Các dự báo không tính đến sự gia tăng dân số trong tương lai hoặc đất bị mất do xói mòn bờ biển.

Scott A. Kulp, nhà nghiên cứu tại Climate Central, một trong những tác giả của bài báo cho biết, các phép đo độ cao tiêu chuẩn sử dụng các vệ tinh để phân biệt mặt đất so với ngọn cây hoặc tòa nhà. Vì vậy, ông và Benjamin Strauss, Giám đốc Điều hành của Climate Central, đã sử dụng trí thông minh nhân tạo để xác định tỷ lệ lỗi và sửa lỗi cho các dự báo. Tại Thái Lan, hơn 10% dân số đang sống trên các khu vực có khả năng bị ngập lụt vào năm 2050, gấp 10 lần so với ước tính trước đó. Thủ đô Bangkok cũng nằm trong vùng bị ảnh hưởng trầm trọng.

Biểu đồ bên trái là nghiên cứu cũ, biểu đồ bên phải là nghiên cứu mới về vùng bị ảnh hưởng khi thủy triều lên của Thái Lan. Màu xanh là vùng nước biển tràn ngập vào đất liền màu xám là vùng dân cư.
Biểu đồ bên trái là nghiên cứu cũ, biểu đồ bên phải là nghiên cứu mới về vùng bị ảnh hưởng khi thủy triều lên của Thái Lan. Màu xanh là vùng nước biển tràn ngập vào đất liền màu xám, là vùng dân cư. Nguồn: New York Times

Bà Loretta Hieber Girardet, một công dân Bangkok và là một quan chức của Cơ quan giảm thiểu rủi ro thảm họa của Liên Hợp Quốc cho biết, biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu sẽ khiến nông dân nghèo đổ về tìm việc làm trong các thành phố lớn.

"Đây là viễn cảnh khá tồi tệ", bà nói với New York Times.

Thượng Hải, một trong những trung tâm kinh tế quan trọng nhất của châu Á, cũng có nguy cơ bị nhấn chìm, cùng với nhiều thành phố khác xung quanh đó.

Biểu đồ bên trái là nghiên cứu cũ, biểu đồ bên phải là nghiên cứu mới về vùng bị ảnh hưởng khi thủy triều lên của Thượng Hải. Màu xanh là vùng nước biển tràn ngập vào đất liền màu xám là vùng dân cư. Nguồn: New York Times
Biểu đồ bên trái là nghiên cứu cũ, biểu đồ bên phải là nghiên cứu mới về vùng bị ảnh hưởng khi thủy triều lên của Thượng Hải. Màu xanh là vùng nước biển tràn ngập vào đất liền, màu xám là vùng dân cư. Nguồn: New York Times

Các số liệu mới nhất cho thấy khoảng 110 triệu người ở các khu vực này đang sống ở những nơi nằm dưới đường thủy triều dâng. Ông Benjamin Strauss, Giám đốc điều hành Climate Central, giải thích, sở dĩ họ có thể sinh sống được là nhờ các biện pháp xây dựng đê biển và tường bao.

Nhưng kể cả khi có đầu tư như vậy, các biện pháp phòng ngừa cũng chỉ có tác dụng tới mức nhất định. Ông Strauss lấy ví dụ trường hợp thành phố New Orleans đã hoàn toàn chìm trong nước khi hệ thống đê và bờ bao bị vỡ trong bão Katrina.

"Chúng ta muốn sống trong cái bát sâu tới đâu?", ông đặt vấn đề.

Các dự báo mới cho thấy phần lớn Mumbai, thủ đô của Ấn Độ và là một trong những thành phố lớn nhất thế giới, cũng có nguy cơ bị xóa sổ. Bởi Mumbai được hình thành từ các hòn đảo, nên đặc biệt rất dễ bị tác động bởi nước biển dâng.

Theo nghiên cứu của bà Dina Ionesco thuộc Tổ chức Di cư Quốc tế (International Organization for Migration) (*), ngay bây giờ, các quốc gia nên bắt đầu chuẩn bị cho công tác tái định cư.

"Chúng tôi đã cố gắng rung hồi chuông cảnh báo. Chúng tôi biết là điều này sắp xảy đến", bà Dina Ionesco chia sẻ. Bà cũng chia sẻ thêm, đây có thể là một trong những đợt di dân với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

(*) Tổ chức Di trú quốc tế là một tổ chức liên chính phủ được thành lập năm 1951 với tư cách là Ủy ban liên chính phủ về di trú châu Âu để giúp tái định cư những người phải di chuyển chỗ ở trong chiến tranh thế giới thứ 2. 

Khí thải thương mại: Ẩn số của net zero

Ô nhiễm không khí đe dọa nền kinh tế Việt Nam

Nguồn NYT


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày