Tài Chính

Chứng khoán tháng 10: Duy trì vị thế phòng thủ

Song Luân Thứ Bảy | 08/10/2022 07:00

Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset. Ảnh: Quý Hòa.

Tháng 9 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong top các thị trường kém hiệu quả nhất.
Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset. Ảnh: Quý Hòa.

Trong tháng 9, dữ liệu vĩ mô quý III/2022 của Việt Nam tiếp tục cho thấy sự phục hồi ấn tượng, nhưng việc thắt chặt chính sách tiền tệ để tương thích với các hành động khác của các Ngân hàng Trung ương khiến thanh khoản bị siết chặt. Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành lần đầu tiên sau hai năm vào ngày 22/9, ngay sau tăng lãi suất lần thứ năm của Fed (+75 điểm cơ bản) trong vòng một năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng không ngừng bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỉ giá. 

Trước tình hình thanh khoản không mấy khả quan, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu phản ứng ngay từ đầu tháng 9. Chỉ số VN-Index có tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu năm khi giảm 11,59% xuống 1.132 điểm, xóa sạch mọi cố gắng trong hai tháng trước đó và nằm trong top các thị trường có hiệu suất kém nhất trong tháng 9. 

Nguồn: VDSC.
Nguồn: VDSC.

Trong báo cáo chiến lược thị trường được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu khiến thanh khoản giảm sút không chỉ trên thị trường chứng khoán toàn cầu, mà cả tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Hệ quả này lấn át sự tích cực của việc giao dịch T+2 và giao dịch lô lẻ, có hiệu lực từ đầu tháng 9. Giá trị giao dịch bình quân thông qua khớp lệnh trên sàn HOSE giảm 16,6% so với tháng trước, xuống còn 11.700 tỉ đồng/phiên.

Ở bối cảnh chung, sau cuộc họp giữa tháng 9 với quyết định nâng 75 điểm cơ bản lãi suất điều hành của Fed, triển vọng thế giới chuyển biến khá nhanh theo chiều hướng tiêu cực. Rủi ro về suy thoái kinh tế ngày càng tăng cao, đồng thời xác suất của các vụ vỡ nợ lớn đang trở thành bóng ma đe dọa thị trường tài chính toàn cầu. Ngoài ra, sự leo thang chiến tranh Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết là những trọng điểm chi phối thị trường chứng khoán. 

 

Trong nước, mặt bằng lãi suất cho vay ở một số ngành nghề/doanh nghiệp có nền tảng hoạt động vững chắc có thể sẽ chỉ nhích dần theo chi phí huy động của các ngân hàng. Dù vậy, tăng trưởng cung tiền nhìn chung đang chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng khi mà tiền đồng vẫn đang bị rút ròng trên kênh OMO và động thái bán USD của Ngân hàng Nhà nước. 

Đồng thời với đó, VDSC đánh giá Nghị định 65 (sửa đổi Nghị định 153) về phát hành trái phiếu riêng lẻ, dù nhiều hay ít, đang siết một phần nguồn vốn huy động từ dân cư (cho doanh nghiệp thông qua việc mua trái phiếu). Kênh tín dụng ngân hàng, do vậy, sẽ phải chia sẻ 1 phần cho sự "hụt đi" này. VDSC cho rằng lãi suất cho vay ở những lĩnh vực có rủi ro cao sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Có thể hiểu rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã tăng 100 điểm cơ bản các loại lãi suất điều hành, với diễn biến hiện tại từ thế giới, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn theo hướng chặt chẽ và thận trọng.

Điểm sáng trong bức tranh u ám chung của nền kinh tế toàn cầu, là tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam vẫn đạt hơn 13%, cao hơn cả dự báo trước đó của các tổ chức tài chính. Theo đó, VDSC kỳ vọng khi thông tin kết quả kinh doanh quý III/2022 dần hé lộ trong tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhịp hồi phục nhờ những nhóm ngành/ cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực.

“Trạng thái danh mục vẫn được khuyến nghị duy trì vị thế phòng thủ với sự cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt. Một số ý tưởng đầu tư cho tháng 10, cho mục tiêu ngắn hạn, là những cổ phiếu đã giảm giá sâu và triển vọng kết quả kinh doanh quý III và quý IV khả quan”, VDSC nhận định.

Có thể bạn quan tâm 

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn so với tiền gửi tiết kiệm


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày