Tài Chính

CTG mất bao lâu để tạo đáy?

Kim Anh Thứ Ba | 05/10/2021 14:21

Hình ảnh tại Ngân hàng Vietinbank. Ảnh: TL.

Nhiều nhà đầu tư trở nên "ngán ngẩm" khi cổ phiếu CTG liên tục lao dốc kể từ sau khi chia cổ tức.
Hình ảnh tại Ngân hàng Vietinbank. Ảnh: TL.

Sau khi phát hành gần 1,1 tỉ cổ phiếu để chi trả cổ tức (7/2021), cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank, mã CTG) đã liên tục lao dốc.

Gần đây, nhà đầu tư liên tục gọi tên cổ phiếu CTG khi giá cổ phiếu này liên tục có những diễn biến tiêu cực kể từ khi chia cổ tức bằng cổ phiếu. Sau khi tạo đỉnh ở vùng giá 42.540 đồng/cổ phiếu vào tháng 6/2021, cổ phiếu CTG đã có chuỗi ngày "tìm đáy" mà chưa thấy.

Phiên giao dịch 4/10, cổ phiếu CTG đóng cửa ở mức giá 28.700 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 32,5% so với vùng đỉnh từ tháng 6/2021. Vậy mất bao lâu để cổ CTG tìm thấy đáy? Có một sự thật trong đầu tư, là nhà đầu tư chỉ biết được đáy và đỉnh của cổ phiếu khi nó đã hình thành. Đối với CTG, trong quá khứ cổ phiếu này cũng từng có chuỗi ngày downtrend dài hạn.

Diễn biến giá của cổ phiếu CTG trên thị trường chứng khoán. Ảnh: PV.
Diễn biến giá của cổ phiếu CTG trên thị trường chứng khoán. Ảnh: PV.

Cụ thể là năm 2018, khi thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh mạnh ở mức 1.200 điểm đối với chỉ số VN-Index vào tháng 4/2021. Thời điểm đó, cổ phiếu CTG cũng điều chỉnh một mạch từ vùng đỉnh 29.220 đồng/cổ phiếu, đến mãi tháng 1/2019 cổ phiếu này mới tạo đáy ngắn hạn quanh mốc 13.520 đồng/cổ phiếu, tức là trong gần 1 năm, CTG đã giảm hơn 1 nửa về thị giá. Tuy nhiên, đà tăng giá diễn ra không bao lâu, chỉ đến tháng 3/2019 CTG tiếp tục tạo đỉnh ngắn hạn quanh mốc 17.910 đồng/cổ phiếu và lại bắt đầu xu hướng downtrend.

Mãi đến tháng 3/2020 CTG mới chính thức tạo đáy dài hạn quanh mốc 12.680 đồng/cổ phiếu và kéo dài đà tăng đến tháng 6/2021. Như vậy, nếu xét từ vùng đáy tháng 3/2020 đến vùng đỉnh tháng 6/2021, cổ phiếu CTG đã tăng hơn 235% trước khi bước vào giai đoạn "dò đáy" như hiện tại. Nếu nhìn ở góc nhìn dài hạn, kể từ khi rơi từ vùng đỉnh tháng 4/2018, phải mất tới gần 2 năm để CTG chính thức tạo đáy, và mất gần 3 năm để cổ phiếu này quay lại "nơi mình đã rơi".

 

Ở góc độ đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá cổ phiếu CTG khá rẻ khi so sánh với các cổ phiếu ngân hàng khác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro xoay quanh nhóm cổ phiếu ngân hàng. Dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, kéo dài, trong khi sức chịu đựng của doanh nghiệp có giới hạn, đồng nghĩa rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng.

Nợ xấu tại nhiều ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2021 đã tăng mạnh so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu của VietinBank tăng từ mức dưới 1% hồi đầu năm lên 1,34% vào cuối tháng 6. VietinBank đã phải đẩy mạnh trích lập dự phòng trong quý II/2021 sau một khoảng thời gian trích lập ở mức thấp. 

Còn khi nhìn nhận chung về ngành ngân hàng, VNDirect cho biết họ tin rằng các nhà đầu tư đều lường trước rằng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2021 sẽ bị ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19 thứ tư và do đó sẽ sớm chuyển sự chú ý sang triển vọng kinh doanh trong năm 2022. Khi đó, ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu nhất cho sự hồi sinh của kinh tế Việt Nam.

Thêm vào đó, giá cổ phiếu ngân hàng đã giảm tới 15% kể từ đỉnh. VNDirect cho rằng sự điều chỉnh giá này đã phản ánh phần nào những rủi ro giảm giá liên quan đến làn sóng COVID-19 thứ tư. Do đó, mức độ rủi ro/lợi nhuận của ngành ngân hàng hiện đã khá hấp dẫn.

“Chúng tôi ưa thích những ngân hàng có các đặc điểm sau: có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng để nâng cao tỉ trọng thu nhập ngoài lãi; chất lượng tài sản vững chắc và có nguồn dự phòng dồi dào. Trong bối cảnh cạnh tranh tiền gửi ít gay gắt hơn và thanh khoản dồi dào, chúng tôi ưu tiên các ngân hàng có khả năng thúc đẩy cho vay cá nhân để có được lợi suất tài sản tốt hơn”, VNDirect nhận định.

Có thể bạn quan tâm 

“Đường tắt” của cổ phiếu

Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày