Tài Chính

Ế ẩm ngân hàng đầu tư

Văn Quốc Thứ Tư | 12/10/2022 07:30

Tình thế ở Credit Suisse đã cho thấy bức tranh kém lạc quan của ngành ngân hàng đầu tư toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Các ngân hàng đầu tư đang kinh doanh sa sút sau 1 năm tăng trưởng mạnh mẽ.
Tình thế ở Credit Suisse đã cho thấy bức tranh kém lạc quan của ngành ngân hàng đầu tư toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Những ngày này, thị trường tài chính toàn cầu đang lo lắng cho số phận của gã khổng lồ Credit Suisse khi đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cách đây 1 năm Credit Suisse có vốn hóa thị trường 22,3 tỉ USD, nhưng hiện chỉ còn hơn 10 tỉ USD. Giá cổ phiếu đã giảm hơn 56% chỉ trong 1 năm. Chính mảng ngân hàng đầu tư (IB) đã “góp phần” đưa Credit Suisse vào tình thế khó khăn, dù rằng cũng mảng này trong một thời gian dài đã đóng góp rất lớn vào doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng Thụy Sĩ này.

Những sơ sẩy ở mảng IB đã đẩy Credit Suisse vào các vụ bê bối liên tiếp trong các năm gần đây, nổi bật là 2 vụ bê bối ở Greensill và Archegos, khiến ngân hàng này lỗ hàng tỉ USD. Gần đây Credit Suisse báo cáo lỗ quý thứ 3 liên tiếp sau khi doanh thu IB giảm mạnh và các khách hàng rút tiền. Ngân hàng đã lỗ ròng 1,59 tỉ franc Thụy Sĩ (1,6 tỉ USD) trong quý kết thúc vào tháng 6, chủ yếu do lỗ ở mảng giao dịch chứng khoán và IB. Vốn rút ròng đã là 7,7 tỉ franc Thụy Sĩ do khách hàng ít giao dịch hơn và cắt rủi ro trước biến động trên các thị trường chứng khoán.

Để tránh nộp đơn phá sản, Credit Suisse cam kết sẽ trình kế hoạch tái cấu trúc mang tính chiến lược vào cuối tháng 10 này, trong đó có thể sẽ rút khỏi một số hoạt động IB.

 

Tình thế ở Credit Suisse đã cho thấy bức tranh kém lạc quan của ngành ngân hàng đầu tư toàn cầu. Doanh thu mảng dàn xếp thương vụ tại các ngân hàng lớn nhất đã giảm gần 50% từ đầu năm đến nay. Các ngân hàng hoạt động mạnh trong mảng thị trường vốn đặc biệt bị tác động nặng nề, khi trải qua 1 năm cực kỳ thê thảm: số đợt IPO chỉ riêng tại Mỹ đã giảm gần 90%. Hầu như không có doanh nghiệp nào muốn chấp nhận rủi ro niêm yết cổ phiếu khi các thị trường đang lao dốc và niềm tin của giới điều hành doanh nghiệp đang ở mức thấp trong 40 năm. Huy động vốn qua hình thức SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt), từng là cơn sốt cách đây 1 năm, giờ chỉ là ký ức xa vời. “IPO khan hiếm, SPAC giờ gần như không tồn tại”, Stephen Biggar thuộc Argus Research nhận xét.

Thực vậy, IPO ế ẩm, giá cổ phiếu lao dốc và tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại đang phủ bóng mây lên ngành ngân hàng đầu tư toàn cầu sau 1 năm tăng trưởng mạnh mẽ nhờ chính sách kích cầu bởi chính phủ các nước nhằm vực dậy nền kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, tình thế nhanh chóng thay đổi khi chiến sự Nga - Ukraine và chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương đã gây biến động lớn đến các thị trường tài chính trong năm nay. 

Tại JPMorgan, doanh thu mảng IB quý II/2022 đã giảm tới 61% so với cùng kỳ, còn 1,4 tỉ USD chủ yếu do giảm 54% phí ở khắp các sản phẩm. Morgan Stanley cũng cho biết lãi ròng quý II giảm 30% khi phí ngân hàng đầu tư giảm mạnh trong bối cảnh hoạt động niêm yết trên sàn ế ẩm. Doanh thu IB của ngân hàng này cũng đã giảm 55%, còn chỉ 1,1 tỉ USD.

Doanh thu IB tại các tổ chức cho vay lớn nhất châu Âu cũng giảm trong quý II do các điều kiện thị trường toàn cầu tiếp tục suy yếu, đè nặng lên hoạt động phát hành nợ và cổ phiếu mới. Doanh thu bảo lãnh phát hành và tư vấn quý II tại Barclays, BNP Paribas, Credit Suisse, Deutsche Bank, HSBC, Société Générale, UBS đã giảm hơn 1/3 so với cùng kỳ.

Theo Dealogic, trên toàn cầu các giao dịch thị trường vốn cổ phần (ECM) đã giảm gần 69%, còn 263,8 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2022 trong khi các giao dịch thị trường nợ (DCM) giảm gần 26% so với cùng kỳ. Giá trị các thương vụ M&A được công bố giảm 25,5% trong nửa đầu năm, đạt chỉ 1.000 tỉ USD.

Số liệu của Refinitiv cũng cho thấy điều tương tự: quý II/2022 là quý ảm đạm nhất về phí ngân hàng đầu tư toàn cầu kể từ năm 2019, đạt chỉ 56,7 tỉ USD. Con số này thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2021.

Dealogic đánh giá, phí ECM và DCM giảm mạnh do sự chững lại của hoạt động phát hành, vốn tiếp tục ảm đạm trong quý II khi kinh tế thế giới đi xuống, lạm phát tăng mạnh và chính sách thắt chặt tiền tệ tại châu Âu và Mỹ.

Tình hình này sẽ còn kéo dài ít nhất đến hết năm nay. Trong báo cáo ngành ngân hàng đầu tư quý II, hãng nghiên cứu Tricumen đánh giá, thị trường IPO tiếp tục đóng băng đã khiến phí ECM giảm mạnh và mức phí sẽ khó cải thiện trong những tháng cuối năm 2022. “Bất ổn kinh tế và chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương khiến hoạt động tài trợ thương vụ trở nên đắt đỏ hơn và khó tiếp cận hơn”, báo cáo viết.

 

Khi tình hình kinh doanh ảm đạm, sa thải nhân sự là kết quả tất yếu. Mới đây, Goldman Sachs đã bắt đầu sa thải hằng năm 1-5% số nhân viên, lần đầu tiên kể từ năm 2019. “Cắt giảm việc làm là không thể tránh khỏi nếu thị trường vẫn biến động và các thương vụ vẫn im hơi lặng tiếng”, một nhà điều hành ngân hàng phụ trách thị trường vốn ở Hồng Kông cho biết. Vị này nói thêm nhiều ngân hàng ở Hồng Kông đã tuyển dụng lượng lớn nhân sự vào đầu năm ngoái và họ sẽ phải cắt giảm mạnh trước tình thế bất lợi hiện nay.

Jon Peace, chuyên gia phân tích tại Credit Suisse, lo ngại: “Một mối nguy thực sự là việc sa thải quá mức sẽ khiến các ngân hàng bỏ lỡ cơ hội hồi phục như đã diễn ra ở một số ngân hàng sau khi bong bóng dotcom xì hơi”.
(Tổng hợp)


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày