Góc nhìn chuyên gia

Gọi tên những nhóm ngành "vượt bão" lãi suất và tỉ giá

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, SHS Thứ Năm | 17/11/2022 10:30

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) trong chương trình Talkshow Phố Tài chính. Ảnh chụp màn hình.

Trước sức ép lãi suất và tỉ giá, nhiều doanh nghiệp đang trở nên khó khăn khi đơn hàng giảm, chi phí tăng cao.
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) trong chương trình Talkshow Phố Tài chính. Ảnh chụp màn hình.

Tại Mỹ, Fed thông báo tiếp tục tăng lãi suất lần thứ tư liên tiếp ở mức 0,75 điểm phần trăm để kiềm chế lạm phát, khiến Ngân hàng Trung ương các nước tiếp tục cân nhắc về việc tăng lãi suất. Còn tại Việt Nam, sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động tăng thêm, hiện với kỳ hạn 12 tháng trở lên, trung bình mức lãi suất huy động ở mức 7,6 - 8,8%/năm. 

 

Trong khi đó, đồng USD cũng đã tăng lên mức kỷ lục khiến cho các đồng tiền khác bị mất giá so với đồng USD. Dù hiện nay đồng VND chỉ mất giá khoảng 8% so với đồng USD, trong khi các đồng tiền khác trong khu vực bị mất giá từ 15% đến 20%. 

Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đánh giá, đối với câu chuyện tỉ giá thì một số ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng. 

Ví dụ như một số ngành phải nhập khẩu như bán lẻ, thì hầu hết các  sản phẩm trong ngành này đều nhập khẩu về để bán trong nước. Hay các doanh nghiệp sản xuất phải nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Khi mà  tỉ giá tăng sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như kết quả của rất là nhiều doanh nghiệp, mà trong quý III vừa rồi điển hình nhất đấy là các doanh nghiệp trong ngành thép. 

Ngoài ra, những doanh nghiệp đi vay nợ bằng đồng USD ví dụ như một số doanh nghiệp ngành điện, chủ yếu có các khoản vay bằng đồng USD cũng chịu áp lực khi tỉ giá tăng. 

Còn đối với lãi suất thì ảnh hưởng sẽ lớn hơn rất nhiều. Bởi vì chúng ta đều biết hầu hết các doanh nghiệp ở trên thị trường đều sử dụng vốn vay ngân hàng. Khi lãi suất tăng lên thì hầu hết các doanh nghiệp trong nền kinh tế đều bị ảnh hưởng ở mức độ ít hay nhiều.

Nhìn nhận ở khía cạnh lạm phát, ông Hiển đánh giá do lạm phát ở trên toàn cầu đều gia tăng rất mạnh, khiến cho người dân cũng như các  doanh nghiệp ở các  quốc gia này giảm bớt  nhu cầu về đầu tư cũng như chi tiêu, giảm nhu cầu đối với các hàng hóa,  đặc biệt các hàng hóa nhập khẩu trong đó có cả hàng hóa của Việt Nam. Chúng ta có thể nhìn thấy dệt may hay da giày, một số mặt hàng nông sản khác, ví dụ như hạt tiêu, hạt điều thì đều đang có những  khó khăn nhất định, đơn hàng họ bị giảm hoặc là giãn những đơn hàng ra, hoặc là thậm chí là có những doanh nghiệp mà còn phải giảm số lượng công nhân hoặc là đóng cửa nhà máy.

Theo ông Hiển, trong quý IV/2022 thì có lẽ chúng ta sẽ nhìn thấy rõ hơn nữa những áp lực. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp cũng đã nhìn nhận được phần nào những  khó khăn và có những động thái khá là tích cực để chuẩn bị. Ví dụ giảm chi phí hoặc tăng thêm các tỉ lệ tiền mặt để đề phòng rủi ro, hoặc thực hiện chuyển đổi số. 

 

Ở góc độ đầu tư, vị chuyên gia này cho rằng có một số ngành mà nếu nhà đầu tư quan tâm thì cũng có thể lưu ý. Đầu tiên là nhóm ngành công nghệ, các doanh nghiệp trong tiến trình để cắt giảm chi phí họ sẽ đẩy mạnh các quá trình chuyển sang số hóa, đây cũng là một cơ hội của các công ty trong ngành công nghệ. Bên cạnh đó, thì các công ty công nghệ cũng ít chịu ảnh hưởng của các yếu tố tỉ giá hay là lãi suất, bởi vì là họ cũng vay nợ ít, thậm chí có một số công ty họ được hưởng lợi từ câu chuyện tỉ giá. Ví dụ như xuất khẩu phần mềm và các doanh thu đấy thì chủ yếu là bằng ngoại tệ. 

Thứ hai, cảng biển, logistics thì đấy là những ngành nguồn thu của họ cũng chủ yếu là tính bằng ngoại tệ. Ngoài ra cũng phải kể đến là một số các doanh nghiệp trong ngành bất động sản khu công nghiệp, vì làn sóng của doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn đang khá là tốt và hầu hết các doanh nghiệp trong ngành này thì doanh thu của họ được niêm yết bằng tỉ giá, trong khi đó thì chi phí đều bằng tiền VND. 

Và nhiều doanh nghiệp khu công nghiệp hiện tại thì đang có nguồn thu rất là ổn định. Bên cạnh đó, một số các doanh nghiệp trong ngành dầu khí khá là tiềm năng khi họ có lượng tiền mặt cũng rất là lớn, phòng thủ vượt qua những giai đoạn khó khăn này.

Bài viết được thuật lại từ chia sẻ của ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) trong chương trình Talkshow Phố Tài chính. 

Có thể bạn quan tâm 

Ở phiên nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, khối ngoại đã mua ròng hơn 1.000 tỉ đồng


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày