Tài Chính

Khối tự doanh mua mạnh cổ phiếu phân bón

Kim Anh Thứ Tư | 15/06/2022 21:25

Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán SSI. Ảnh: Quý Hòa.

DPM và DCM là cổ phiếu được khối tự doanh của các công ty chứng khoán mua với giá trị cao nhất ở phiên giao dịch 15/6.
Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán SSI. Ảnh: Quý Hòa.

Phiên giao dịch 15/6 có lẽ lại tiếp tục khiến nhà đầu tư "say sóng" khi VN-Index dao động với biên độ khá lớn. Đã có lúc, áp lực bán tăng mạnh khiến chỉ số VN-Index "đánh rơi" hơn 30 điểm và đánh mất mốc 1.200 điểm. Tuy nhiên, lực cầu tại vùng giá thấp gia tăng đã giúp chỉ số hồi phục mạnh ở cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch 15/6, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm hơn 16 điểm, lùi về mốc 1.213 điểm. Thanh khoản ở sàn HOSE tiếp tục ở mức trung bình, ghi nhận hơn 16.466 tỉ đồng được giao dịch ở phiên này. Độ rộng sàn HOSE cũng nghiêng hẳn về bên bán với 373 mã giảm, trong đó có tới 90 mã giảm sàn. Trong khi đó, nhóm VN30 chịu áp lực bán nhẹ hơn, khi chỉ số này chỉ ghi nhận mức giảm hơn 8 điểm, với 22 mã giảm, và sắc xanh vẫn duy trì được ở 6 mã trong rổ này. 

Phiên giao dịch 15/6, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm trên diện rộng. Ảnh: VNDirect
Phiên giao dịch 15/6, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm trên diện rộng. Ảnh: VNDirect

Ở phiên giao dịch "đánh võng" như 15/6, khối tự doanh của các công ty chứng khoán đã có động thái mua ròng nhiều cổ phiếu. Số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) cho thấy, ở phiên giao dịch này khối tự doanh đã mua ròng hơn 155,8 tỉ đồng trên toàn sàn HOSE. Trong đó, cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ, DCM của Đạm Cà Mau và GAS của PV GAS là 3 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt là 36,7 tỉ đồng; 19,6 tỉ đồng và 20 tỉ đồng. Đây đều là các cổ phiếu có đà tăng mạnh trong thời gian vừa qua nhờ vào diễn biến của giá dầu nói riêng và giá cả hàng hóa nói chung. 

 

Đối với GAS và DCM, khối tự doanh đã có động thái "gom" từ những phiên trước đó. Điển hình như phiên giao dịch 13/6, GAS được mua ròng mạnh nhất với giá trị lên tới 31,9 tỉ đồng, DCM cũng được mua ròng 18,5 tỉ đồng ở cùng phiên giao dịch. 
Hiện nay, lạm phát và đình đốn đang là những mối lo ngại lớn đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung, và những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói riêng.

Mặc dù thời kỳ lạm phát tăng cao khá nhạy cảm với các kênh đầu tư, nhưng cơ hội vẫn còn ở những ngành nghề có tính phòng thủ và chống chịu lạm phát. Thống kê trên toàn cầu của Schroders Economics chỉ ra rằng, các ngành tiện ích, tiêu dùng thiết yếu, bất động sản, năng lượng và chăm sóc sức khỏe thường có lợi suất vượt thị trường chung trong bối cảnh nền kinh tế xuất hiện lạm phát cao và tăng trưởng thấp. Đây đều là những cổ phiếu thuộc ngành nghề phòng thủ, có đặc tính thiết yếu, ít biến động so với chu kỳ kinh tế và không bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát.

Có thể bạn quan tâm 

Sự chú ý của nhà đầu tư đổ dồn vào thông điệp của Fed


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày